John Stuart Mill, nhà đạo đức, nhà bảo vệ nữ quyền và bảo vệ môi trường

John Stuart Mill (1806-1873)
John Stuart Mill (1806-1873)

John Stuart Mill, nhà đạo đức, nhà bảo vệ nữ quyền và bảo vệ môi trường

Khi đặt lên hàng đầu quyền tự do cá nhân, John Stuart Mill làm mới những lý thuyết tự do cổ điển. Keynes là một trong những người thừa kế của ông.

John Stuart Mill là nhà tư tưởng bậc thầy của một chủ nghĩa tự do mới sẽ thống trị ở Anh vào đầu thế kỷ XX.

John Stuart Mill là một gương mặt đáng ngưỡng mộ ở nước Anh thời nữ hoàng Victoria. Bố ông, James Mill, một nhà triết học và nhà kinh tế, là bạn của RicardoBentham, nhà tiên phong của thuyết công lợi, theo đó hành động của con người phải nhắm đến việc đạt được “hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất“. Đối với Bentham, hạnh phúc đồng nhất với niềm vui, mà người ta có thể định lượng được. Một dòng tư tưởng chính trị được kết hợp với tầm nhìn đạo đức này, trong đó bố của John Stuart là kiến ​​trúc sư chính: chủ nghĩa cấp tiến triết học, tự định vị là cánh tả của đảng Tự do Anh. Là những người ủng hộ thuyết tự do kinh doanh, những người cấp tiến đặt lại vấn đề về thẩm quyền của Giáo hội Anh, của giai cấp điền chủ quý tộc và của một thế lực chính trị gắn với sự giàu có và được hình thành trên một cơ sở bầu cử rất hẹp. John Stuart Mill tự khẳng định mình như là nhà trí thức chính của dòng tư tưởng trên.

Một tuổi thơ rất đặc biệt

Bentham và bạn bè ông có những ý tưởng rất dứt khoát về giáo dục. Giáo dục phải đào tạo con người sao cho họ có khả năng thực hiện được những mong muốn của họ một cách tự do và hiệu quả, mà vẫn đóng góp vào lợi ích và sự tiến bộ của nhân loại. Hệ thống giáo dục Anh, bị Giáo hội thống trị, không có khả năng thực hiện chức năng trên. Đó là lý do tại sao James Mill đã khước từ để con trai ông học trong mọi hệ thống giáo dục công và bản thân ông đã tự tay chăm sóc việc giáo dục con mình theo một phương pháp khác thường mà John Stuart kể lại trong chương đầu cuốn tự truyện của ông.

Năm 3 tuổi, ông bắt đầu học tiếng Hy Lạp, cho phép ông đọc bằng ngôn ngữ trên, trước lúc 8 tuổi, Herodote, Xenophon và Platon. Ở tuổi này, ông bắt đầu học tiếng Latinh rồi hình học, đại số và giải tích. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu học logic. Ông viết lịch sử của Rome, một bản tóm lược lịch sử thế giới và lịch sử của Hà Lan. Một năm sau, ông học kinh tế học chính trị và có cơ hội thảo luận với Ricardo. Trong cách đào tạo này mà những giờ tiêu khiển, trò chơi và kỳ nghỉ bị loại trừ, thì những khoảnh khắc thư giãn duy nhất là những cuộc bách bộ, qua đó ông thảo luận với bố ông những gì ông đã đọc.

Cách giáo dục này đã làm cho John Stuart Mill trở thành một con người, mà ở tuổi 16, về mặt trí tuệ đi trước các bạn học của ông trước một phần tư thế kỷ. Cách giáo dục này cũng đồng thời đẩy nhanh hơn sự trầm cảm, mà sự mô tả lâm sàng là một điểm nhấn trong cuốn tự truyện của ông. Từ thử thách trên, Mill xa dần các luận điểm của bố ông bị ông cáo buộc là đã loại trừ các cảm xúc ra khỏi thế giới quan của ông. Tuy vẫn tin rằng vấn đề đạo đức chính là dung hòa hạnh phúc cá nhân và lợi ích chung, nhưng ông đặt lại vấn đề về định nghĩa hẹp của khái niệm hạnh phúc do Bentham đề xuất. Không phủ nhận chủ nghĩa công lợi, trong cuốn sách của ông năm 1861, ông đưa ra một định nghĩa về chủ nghĩa này, trong đó dành một vị trí rộng lớn cho nghĩa vụ và trách nhiệm đạo đức và xem chất lượng của niềm vui quan trọng hơn số lượng các niềm vui. Từ nay ông tin rằng, con người có được hạnh phúc cá nhân, không bằng cách tìm kiếm nó mà bằng cách làm việc vì hạnh phúc của nhân loại.

Logic học và kinh tế học chính trị

Đạo đức học, lý thuyết kinh tế và tầm nhìn chính trị của Mill dựa trên một nhận thức luận, mà ông đã dành nhiều năm để xây dựng và kết quả cuối cùng được tìm thấy trong cuốn A System of Logic, Ratiocinative and Inductive (Hệ thống logic quy nạp và suy luận) của ông. Trong lĩnh vực nhận ​​thức, cũng như trong lãnh vực đạo đức, Mill kiên quyết chống lại thuyết trực giác, theo đó sự nhận thức về lợi ích cũng như về chân lí sẽ được cung cấp một cách tiên nghiệm. Đối với ông, đó là nguồn gốc của mọi sai sót trong lãnh vực xã hội và chính trị, và đặc biệt của mọi sự chuyên chế và hạn chế về tự do.

Essays on Some Unsettled Questions of Political EconomyChịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy nghiệm của Hume, Mill cho rằng phương pháp quy nạp là con đường hoàng gia để hiểu biết. Tuy nhiên, mọi thứ đều phức tạp hơn trong lĩnh vực các khoa học đạo đức, trong đó có kinh tế học. Nói chung, trong kinh tế học người ta không thể làm những thí nghiệm, và phải dựa trên những giả định trừu tượng, mà tính hiệu lực sẽ được thẩm tra một cách hậu nghiệm theo phương pháp quy nạp bằng cách đối chiếu những suy diễn với kinh nghiệm. Chính trong một bài viết được công bố vào năm 1836 và được in lại trong Essays on Some Unsettled Questions of Political Economy (Các tiểu luận về một số vấn đề của kinh tế học chính trị chưa được giải quyết) của ông mà Mill là một trong những người đầu tiên quan tâm đến phương pháp của kinh tế học chính trị, được ông vận dụng trong cuốn Principles (Các nguyên lý) của ông xuất bản năm 1848.

Principles of Political EconomyĐược coi là tác phẩm cổ điển vĩ đại cuối cùng, cuốn Principes (Các nguyên lý) của Mill đã thành công lớn và tự khẳng định như là một giáo trình trong nhiều thập kỷ, trước khi được thay thế bởi những Nguyên lý của Marshall vào năm 1890. Là môn đồ của Ricardo mà lý thuyết giá trị và phân phối của tác giả này được ông phát triển, song ông vẫn khác xa trên nhiều điểm. Ông đặc biệt quan tâm đến việc phân biệt các quy luật tự nhiên về sản xuất với các quy luật của con người về phân phối, có thể được điều chỉnh bằng sự can thiệp của nhà nước.

Trong khi Ricardo xem trạng thái dừng mà sự sụt giảm của tỷ suất lợi nhuận sẽ dẫn đến là một thảm họa, thì ngược lại Mill cho rằng nó cuối cùng sẽ cho phép nhân loại thoát khỏi một cuộc chạy đua làm giàu vô độ, phá hủy thiên nhiên và để trau dồi nghệ thuật sống. Sự tăng trưởng này hủy hoại môi trường đồng thời làm hư hỏng các mối quan hệ con người: “Tôi thừa nhận rằng tôi không hài lòng với lý tưởng sống của những người tin rằng trạng thái bình thường của con người là đấu tranh bất tận để thoát khỏi khó khăn, rằng cuộc hỗn chiến đó khi mà người ta chà đạp lẫn nhau, chen lấn nhau, đè bẹp nhau, và là kiểu xã hội ngày nay, là vận mệnh đáng mong muốn nhất cho nhân loại, thay vì chỉ đơn thuần là một trong những giai đoạn khó chịu của sự tiến bộ công nghiệp” (Stuart Mill: các tuyển tập, trang 197, xem mục “Tìm hiểu thêm“).

On LibertyTác phẩm On liberty (Bàn về tự do), xuất bản năm 1859, là tuyên ngôn chính trị của Mill và có lẽ cuốn sách quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất của ông. Qua cuốn sách này, ông tự khẳng định là nhà tư tưởng lớn của chủ nghĩa tự do mới sẽ thắng thế ở Anh vào đầu thế kỷ sau, với Keynes sẽ là một trong những người kế tục. Vấn đề là đổi mới các luận điểm tự do cổ điển, và đặt quyền tự do cá nhân lên hàng đầu. Quyền tự do này chỉ bị giới hạn trong chừng mực nó cản trở quyền tự do của người khác. Ngoài trường hợp này ra, tự do là một quyền tuyệt đối và vô điều kiện: “Nếu tất cả nhân loại, trừ một người, có cùng một quan điểm và chỉ có một người có quan điểm trái ngược, thì nhân loại sẽ không biện minh được khi áp đặt người đó im lặng, cũng như bản thân người đó sẽ không biện minh được khi áp đặt nhân loại im lặng, nếu có thể” (idem, trang 364). Chính vì vậy mà chính thể dân chủ, hệ thống chính trị đáng mong muốn nhất, có thể dẫn đến sự hạn chế quyền tự do của một thiểu số.

Chủ nghĩa tự do và nữ quyền

Ban ve Tu doVới quyền tự do cá nhân, Mill muốn hiểu ngay là quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, sống theo thiên hướng của mình và kết hợp với bất cứ ai mà mình muốn. Là người bài xích đạo đức thời nữ hoàng Victoria, ông cho rằng mọi người nên đi theo con đường của riêng mình trong lĩnh vực quan hệ con người, và sự bất tuân các phép tắc thống trị hoặc việc nêu gương xấu không phải là một trở ngại đối với quyền tự do của người khác. Chính vì vậy mà cần dung thứ tệ nghiện rượu, tội thông dâm hoặc cờ bạc. Điều duy nhất mà con người không được tự do là quyền không được tự do, có nghĩa là tự bán thân như một nô lệ.

Đối lập với các luận đề tự do đang thịnh hành ngày nay, Mill cho rằng tự do kinh doanh, tự do kinh tế, không cùng bản chất với tự do cá nhân và không xuất phát từ tự do cá nhân. Các hoạt động kinh tế đều mang tính xã hội ngay từ đầu, vì vậy mà chính quyền được phép can thiệp. Tự do thương mại là điều mong muốn bởi nó đã chứng minh được tính hiệu quả, nhưng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ luôn là như vậy. Chủ nghĩa xã hội có thể trở thành một lựa chọn thay thế đáng mong muốn, cũng như Mill ngày càng suy nghĩ nhiều hơn về điều ấy vào cuối đời.

The Subjection of Women by John Stuart MillTrong số nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa chuyên chế, vi phạm quyền tự do, thì hình thức chính của chuyên quyền luôn là quyền của nam đối với nữ. Trong suốt cuộc đời ông, thậm chí chống lại ý kiến ​​của bố ông, Mill đấu tranh cho sự thừa nhận quyền bình đẳng của phụ nữ và nam giới, và đặc biệt là quyền bầu cử của phụ nữ. Đây là một trong những hoạt động đấu tranh chính khi ông là đại biểu ở Nghị viện. Một thời gian ngắn trước khi qua đời, ông xuất bản cuốn The Subjection of Woman (Sự nô lệ hóa người phụ nữ), đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử nữ quyền. Điều thú vị cần lưu ý là Sigmund Freud, người đã dịch vài tác phẩm của Mill khi còn trẻ, đã cảnh báo vị hôn thê của mình chống lại những ý tưởng của Mill về vị trí của phụ nữ trong xã hội.

John Stuart Mill qua vài năm tháng

1806: sinh ra ở London.

1820-1821: một năm ở miền Nam nước Pháp.

1822: thành lập Tổ chức công lợi (Société utilitariste), tồn tại trong ba năm.

1823: đi làm cho Công ty Đông Ấn (Compagnie des Indes orientales), dưới quyền của bố ông. Ông làm ở đó cho đến năm 1858, năm mà công ty sụp đổ.

1825: ông thành lập tổ chức London Debating Society và bắt đầu công bố các bài báo, trong số đó có những bài trên tờ Westminster Review, mà ông là giám đốc.

1826: khởi đầu một thời gian dài trầm cảm.

1830: gặp Harriet Taylor, vợ của một doanh nhân, người hoạt động rất tích cực về mặt tri thức và xã hội, người sẽ trở thành người bạn thân thiết và người cộng tác của ông.

1835: ông thành lập tờ London Review, cơ quan ngôn luận của những người cấp tiến, mà qua năm sau trở thành tờ London and Westminster Review.

1843: A System of Logic, Ratiocinative and Inductive (Hệ thống logic quy nạp và suy diễn).

1844: Essays on Some Unsettled Questions of Political Economic (Các tiểu luận về một số vấn đề chưa được giải quyết của kinh tế học chính trị).

1848: Principles of Political Economic (Những nguyên lý kinh tế học chính trị).

1851: Mill kết hôn với Harriet Taylor, sau khi chồng bà qua đời năm 1849.

1858: Harriet qua đời ở Avignon. Nghỉ hưu, Mill dành phần lớn thời gian của ông ở Saint-Véran, gần thành phố của các Giáo hoàng.

1859: On liberty (Bàn về tự do).

1861: Utilitarianism (Chủ nghĩa công lợi) và Representative Govenement (Chính thể đại diện).

1865: được bầu vào Nghị viện Anh, nơi ông ngồi trên băng ghế của phái tự do, cho đến năm 1868, khi ông thất cử. Xuất bản cuốn Auguste Comte and Positivism (Auguste Comte và chủ nghĩa thực chứng).

1869: The Subjection of Woman (Sự nô lệ hóa người phụ nữ).

1873: mất ngày 07 tháng 5 ở Avignon. Xuất bản cuốn Autobiography (Tự truyện) của ông.

1874: Three Essays on Religion (Ba tiểu luận về tôn giáo).

Để tìm hiểu thêm

Utilitarianism John Stuart MillNhững tác phẩm của John Stuart Mill

  • Collected Works of John Stuart Mill, University of Toronto Press/Routledge & Kegan Paul, 33 vol., 1963-1991.
  • Stuart Mill, textes choisis, Dalloz, 1953.
  • De la liberté, Presses Pocket, 1990.
  • Utilitariansm, Champs, Flammarion, 2008.
  • L’asservissement des femmes, Payot, 1975.
  • Autobiographie, Aubier, 1993.

Những tác phẩm viết về John Stuart Mill

  • John Stuart Mill: induction et utilité, Gilbert Boss, PUF, 1990.
  • John Stuart Mill and Harriet Taylor: their Friendship and Subsequent Marriage, Friedrich Hayeck, Routledge & Kegan Paul, 1951.
  • The Economics of John Stuart Mill, Samuel Hollander, Basil Blackwell, 1985.
  • John Stuart Mill: Critical Assessments, John Cunningham Wood, Croom Helm, 4 vol., Londres, 1986.

Gilles Dostaler

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: “John Stuart Mill, moraliste, féministe et écologiste” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.