Liệu Trung Quốc có rơi vào tình trạng thâm hụt?

LIỆU TRUNG QUỐC CÓ RƠI VÀO TÌNH TRẠNG THÂM HỤT?

Jean-Raphaël Chaponnière

Số dư cán cân thương mại của Trung Quốc đang giảm dần từ năm này sang năm khác. (Nguồn: Safety4Sea)

Một trong những mục tiêu của cuộc chiến tranh thương mại của chính quyền Trump là làm giảm mức thâm hụt với Trung Quốc. Nhưng điều này làm chúng ta quên đi tình hình số dư cán cân thương mại của Trung Quốc: nó đang giảm dần và mức thặng dư hiện tại đang tan như tuyết dưới nắng.

Trong bản Báo cáo về tình hình kinh tế thế giới vào tháng 4 năm 2019, IMF dành một chương để nói về các mức thâm hụt song phương. Trong bối cảnh đó có cuộc thập tự chinh do Donald Trump phát động để tái cân bằng các giao dịch thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Báo cáo kết luận một mức gia tăng thuế quan, giống như mức tăng thuế quan của chính quyền Hoa Kỳ, sẽ không đủ sức làm giảm mức thâm hụt song phương, vốn đúng hơn là hậu quả mức thâm hụt của Mỹ với thế giới. Đó là vì việc tăng thuế quan đang gây ra một sự chuyển hướng các giao dịch thương mại. Hậu quả là biện pháp khắc phục tình trạng thâm hụt không nằm ở Bắc Kinh mà là ở Washington, bởi vì số kết của cán cân tài chính hiện hành phản ánh sự chênh lệch giữa tiền tiết kiệm và tiền đầu tư của Mỹ. Ngược lại, làm giảm mức thặng dư hiện hành của Trung Quốc đòi hỏi phải giảm mức đầu tư. Để mô tả mối quan hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ, bị thâm hụt về mặt cấu trúc, và Trung Quốc, bị thặng dư về mặt cấu trúc, nhà sử học Niall Ferguson, vào năm 2006, đã tạo ra một từ mới, “Chinamerica [kết hợp giữa China (Trung Quốc) và America (Mỹ)]” mà cư dân là đàn ve sầu ở phương Đông và đàn kiến ​​ở phương Tây (ám chỉ một ngụ ngôn của La Fontaine – ND).

NHÀ VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI VỀ TIẾT KIỆM

Niall Ferguson (1964-)

Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất trên thế giới. Họ đầu tư bằng đồng đô la hiện hành, nhiều hơn so với Hoa Kỳ hoặc Liên minh châu Âu. Trong mười năm qua, mức đầu tư (tích luỹ tài sản cố định) của các doanh nghiệp, nhà nước và các hộ gia đình chiếm bình quân 43% GDP, tức gấp đôi mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế [OECD] và cao hơn tất cả các nước mới nổi. Để tài trợ cho nỗ lực đáng kể này, Trung Quốc không cần thu hút nguồn vốn nước ngoài bởi vì họ có nguồn tiền tiết kiệm dư sức để làm việc đó. Các cuộc so sánh của quốc tế về nguồn tiền tiết kiệm của từng tác nhân – chia cho GDP – cho thấy, nếu tách riêng ra thì các hộ gia đình, các doanh nghiệp hoặc Nhà nước không phải là những nhà vô địch về tiết kiệm. Nhưng khi gộp chung lại với nhau thì họ làm cho Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất trên thế giới, bình quân 49% GDP trong mười năm. Các hộ gia đình chiếm một nửa, các doanh nghiệp phi tài chính góp ít hơn một chút, còn Nhà nước thì rất ít. Tổng cộng, mức tiết kiệm của Trung Quốc chiếm một phần tư mức tiết kiệm toàn cầu vào năm 2014, theo ước tính mới nhất của Ngân hàng Thế giới. Chỉ có một phần rất nhỏ được đầu tư ra nước ngoài: việc mở cửa tài khoản vốn sẽ gây ra hậu quả đáng kể cho Trung Quốc cũng như cho phần còn lại của thế giới!

TÁI CÂN BẰNG

Trung Quốc tiết kiệm tiền nhiều hơn là đầu tư. Ngược lại, tỷ lệ tiêu dùng của các hộ gia đình (38%) trong GDP là thấp nhất trên thế giới[1]. Bị cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo tố giác vào năm 2007, sự mất cân đối của nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên tồi tệ từ năm 2007 đến năm 2009. Đối mặt với cuộc khủng hoảng xuất phát từ Hoa Kỳ, Nhà nước Trung Quốc đã có một số biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng. Nhưng, họ ưu tiên phục hồi nền kinh tế bằng cách tăng tỷ lệ đầu tư của Nhà nước vào GDP từ 38% lên 45% trong ba năm. Như vậy, Trung Quốc đã kháng cự lại với cái giá là một khoản nợ đáng kể (bằng đồng nhân dân tệ).

Kể từ đó, việc tái cân bằng nền kinh tế là mục tiêu của chính phủ Bắc Kinh. Nhưng họ chậm chạp trong quá trình thực hiện. Tỉ lệ đầu tư đã giảm nhẹ và diễn biến của tiêu dùng không được các số liệu thống kê phản ảnh chính xác: các thống kê theo dõi doanh số bán lẻ đang chậm lại và bỏ qua doanh số bán hàng trực tuyến đang bùng nổ một cách đáng kể. Nếu số liệu thống kê chưa cho phép kết luận có được sự tái cân bằng, thì sự xói mòn của số dư hiện hành xác nhận sự tái cân bằng đã diễn ra.

LIỆU CÁN CÂN THANH TOÁN CÓ BỊ THÂM HỤT HAY KHÔNG?

Năm 2008, thặng dư thương mại chiếm 8% GDP của Trung Quốc. Mười năm sau, xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 77% và 122%. Trong khi số dư của cán cân thương mại đã tăng nhẹ bằng đồng đô la, thì nó chỉ còn bằng 2,9% GDP. Không tính các sản phẩm dầu hỏa và nguyên liệu thô, mức giảm ít rõ rệt hơn. Diễn biến đáng chú ý nhất là sự gia tăng mạnh của nhập khẩu dịch vụ, trong đó có chi phí du lịch: năm 2018, khách du lịch Trung Quốc đã chi 270 tỷ US$ ở nước ngoài trong khi người nước ngoài chỉ chi có 40 tỷ US$ ở Trung Quốc. Mức thâm hụt của khoản này bằng 2% GDP của Trung Quốc.

Diễn biến của số dư cán cân thanh toán hiện tại là có sức thuyết phục. Nó bao gồm cán cân thương mại hàng hóa, dịch vụ và thu nhập đầu tư. Từ năm 2008 đến năm 2018, nó đã giảm từ 9% GDP vào năm 2008 xuống còn 0,4% vào năm 2018.

Diễn biến của cán cân thanh toán của Trung Quốc từ năm 2008 đến năm 2018. (Nguồn: State Administration of Foreign Exchange và Intracen)

Sự gia tăng thời giá các nguyên liệu thô trong hai năm qua đã góp phần thúc đẩy sự chuyển động này, đồng thời cũng là kết quả của những diễn biến có tính cấu trúc hơn: mở cửa thị trường, tầng lớp trung lưu giàu lên và sự tụt giảm của tiết kiệm, cùng đồng hành với sự lão hóa của dân số.

Liệu thặng dư có biến thành thâm hụt cấu trúc hay không? Báo cáo về nền kinh tế toàn cầu của IMF vào tháng 4 năm 2019 dự đoán số dư hiện hành sẽ vẫn ở mức dương một chút trong năm 2019 và 2020. Nhưng nó sẽ bị âm vào năm 2021 (49 tỷ US$ hay 0,4% GDP). Bằng cách kéo dài xu hướng của những năm gần đây, các nhà phân tích của Morgan Stanley thông báo sự xuất hiện của thâm hụt kể từ năm 2019 và sẽ đạt 0,6% GDP trong thập kỷ tới. Được coi là một rủi ro tuyệt vời, Trung Quốc sẽ không gặp khó trong việc tài trợ điều đó. Theo Institute for International Finance (Viện Tài chính Quốc tế), vào năm 2018 Trung Quốc đã thu hút 3/4 đầu tư tài chính chảy vào những thị trường mới nổi. Sự chuyển đổi này, ngược lại, sẽ làm cho các nước lớn như Ấn Độ và Indonesia lo ngại, bởi vì 0,6% GDP của Trung Quốc lớn gấp nhiều lần so với nhu cầu đi vay của các nước đó, những nước còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường vốn.

Cho dù mức thâm hụt hiện tại có biến thành cấu trúc hay không, thì mối đe dọa này cũng sẽ khiến Trung Quốc thận trọng hơn trong việc lựa chọn những dự án mà họ tài trợ trong khuôn khổ các “Con đường tơ lụa mới”. Điều này có thể giải thích sự sụp đổ các nguồn đầu tư vào bất động sản và thương mại dọc theo các Con đường tơ lụa này, kể từ năm 2017.

Giới thiệu tác giả

Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là thành viên của Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế học tại Cơ quan Phát triển của Pháp, cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với Marc Lautier, ông đã xuất bản: “Economie de l’Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa]” (Bréal, 2018) và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế châu Á mới nổi, giữa nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: La Chine va-t-elle devenir déficitaire?, Asialyst, 10/04/2019.

—-

[1] Tiêu dùng bằng 70% GDP ở Ấn Độ, hơn 80% ở Pháp, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.