Sách: “Hoàng đế và các tỷ phú đỏ” của Christine Ockrent, hay “Thuyết Darwin kép” ở Trung Quốc

SÁCH: “HOÀNG ĐẾ VÀ CÁC TỶ PHÚ ĐỎ” CỦA CHRISTINE OCKRENT, HAY “THUYẾT DARWIN KÉP” Ở TRUNG QUỐC

Hubert Testard

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Globe and Mail)

Trong cuốn sách L’Empereur et les milliardaires rouges [Hoàng đế và các tỷ phú đỏ], Christine Ockrent đã vẽ nên một bức hoạ nhiều ấn tượng về thế giới Promethean và tàn nhẫn của các doanh nhân lớn của Trung Quốc và mối quan hệ đầy sóng gió của họ với chế độ cộng sản dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. “Thuyết Darwin kép” của một thị trường cạnh tranh khốc liệt và một chế độ có tính khí thất thường sẵn sàng tiêu diệt hoặc khuất phục các tỷ phú Trung Quốc bất cứ lúc nào khiến Trung Quốc trở thành một thế giới khác biệt cần được hiểu rõ hơn.


LỜI CỦA TÁC GIẢ GỬI ĐỘC GIẢ

Christine Ockrent (1944-)

Chúng tôi không giới thiệu bà Christine Ockrent. Được mệnh danh là “Nữ hoàng Christine”, ngôi sao dẫn chương trình bản tin 20h trên đài Antenne 2 vào những năm 1980, nữ nhà báo người Bỉ sau đó đã đảm nhận nhiều trọng trách trong ngành báo viết và nghe nhìn của Pháp, là nữ tổng biên tập tờ L’Express (1994-96) rồi phó tổng giám đốc phụ trách chương trình Nghe nhìn ở nước Pháp hải ngoại, AEF (tên cũ của France Médias Monde, công ty cổ phần giám sát các nhà đài France 24, RFI và Monte-Carlo Doulayia), từ 2008 đến 2011. Kể từ năm 2013, bà dẫn chương trình hàng tuần “Affaires internationales [Các vấn đề quốc tế]” trên đài France Culture. Bà Christine Ockrent cũng là tác giả khoảng 20 cuốn sách viết về nhiều vấn đề xã hội, thách thức quốc tế hoặc địa chính trị. Cuốn sách mới nhất của bà, L’empereur et les milliardaires rouges, được Editions de l’Observatoire xuất bản vào tháng 3 năm 2023, đề cập đến một quốc gia mà nhà báo này đã dõi theo và cố gắng tìm hiểu trong một thời gian dài.


Cuốn L’empereur et les milliardaires rouges giống như một cuốn tiểu thuyết. Nó bắt đầu với sự đăng quang của Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX vào tháng 11 năm 2022 cho nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm, và có lẽ không phải là nhiệm kỳ cuối cùng. Một nghi lễ “bất biến và hoành tráng”, nơi mọi thứ đều được trang hoàng bằng màu đỏ, ngoại trừ các bộ vest màu đen của 2.296 đại biểu. Tiếp tục đọc

“Xã hội giám sát made in Trung Quốc” của Zhang Zhulin

“XÃ HỘI GIÁM SÁT MADE IN TRUNG QUỐC” CỦA ZHANG ZHULIN

Pierre-Antoine Donnet[*]

(Nguồn: Medium)

Zhang Zhulin

Thế giới của Orwell trong cuốn 1984 như thể bạn đang ở đó. Cuốn Xã hội giám sát made in Trung Quốc của Zhang Zhulin càng đáng tin và càng có sức mạnh hơn khi ta biết nó được viết bởi một nhà báo gốc Trung Quốc. Điều được ghi nhận vừa đơn giản vừa khủng khiếp: người dân Trung Quốc phải chịu sự giám sát liên tục, điều này khiến họ trở thành bản sao chính xác của cuốn sách mang tính tiên tri của George Orwell. 74 năm sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết này đã trở thành hiện thực!

“Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng 1984 của mình, George Orwell viết: “Ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát được tương lai. Ai kiểm soát hiện tại sẽ kiểm soát được quá khứ,” Zhang Zhulin nhắc lại trong cuốn sách do NXB Aube xuất bản. Thế mà đây chính là điều mà hệ thống giám sát tàn nhẫn của Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình cẩn thận triển khai kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012, đã đạt được. Mười một năm sau, hầu như không ai ở Trung Quốc có thể hy vọng lọt qua kẽ hở của cái lưới.

George Orwell (1903-1950)

“Sắp tới sẽ có hai camera cho mỗi người Trung Quốc, tức là hai tỷ bảy trăm sáu mươi triệu camera trong cả nước, theo một số ước tính. Với sự phát triển của Dữ liệu lớn, các mạng lưới giám sát ghê gớm đang được dệt nên, bao trùm không chỉ các thành phố mà còn cả các vùng nông thôn”. Zhang Zhulin, một nhà báo của tuần báo Courrier International, quả quyết: nhân dân Trung Quốc ngày nay đang “quỳ gối” trước sự kiểm soát toàn diện do Đảng Cộng sản và chủ nhân của nó là Tập Cận Bình áp đặt.

Zhang Zhulin, người đã sống ở Pháp từ mười bốn năm nay, là người gốc tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc, tỉnh đối diện với Đài Loan, Formosa cũ trước đây. Ông lớn lên ở Trung Quốc và do đó biết tất cả các khía cạnh của nó, bao gồm cả những chứng tật của một xã hội thường gây tuyệt vọng. Tiếp tục đọc

Từ vàng sang Bitcoin và hơn thế nữa

TỪ VÀNG SANG BITCOIN VÀ HƠN THẾ NỮA

Tài chính có thể tiếp cận nhiều người hơn nữa trong một tương lai hầu như không dùng tiền mặt theo hình dung của một nhà kinh tế.

Paola Subacchi

Một người biểu tình ở San Salvador phản đối việc El Salvador chấp nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp. Ảnh: Camilo Freedman/Bloomberg/Getty

Tương lai của tiền: Cách mạng kỹ thuật số đang biến đổi tiền tệ và tài chính ra sao Eswar S. Prasad Belknap (2021)

Muốn hiểu xem tại sao người dân lại xuống đường vì việc chấp nhận Bitcointiền tệ hợp pháp ở El Salvador? Hãy đến với cuốn sách Tương lai của tiền được nghiên cứu kỹ lưỡng của nhà kinh tế học Eswar Prasad. Anh giải thích, những đổi mới trong hệ thống thanh toán và tiền tệ phản ánh cả những thay đổi đáng kể trong nền kinh tế thế giới khi nó liên kết các quốc gia đang phát triển lớn, chẳng hạn như Trung Quốc lẫn sự chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện. Khi tiền được tự do di chuyển khắp thế giới, Prasad thăm dò cách đổi mới kỹ thuật số đang định hình lại tiền tệ về mặt công cụ lẫn khái niệm.

Tiếp tục đọc

Nils Holgersson của Selma Lagerlöf

NILS HOLGERSSON

TƯỢNG ĐÀI TÁC PHẨM CỦA

SELMA LAGERLÖF

Và ảnh hưởng của nó lên Karl Popper và Kenzaburo Oe

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

Trong nhiều thế giới mà con người được ban tặng không phải từ tự nhiên, mà từ trí tuệ của chính mình, thì thế giới sách là vĩ đại nhất.
Hermann Hesse

[1]

Ngày 8.10.2020 Ủy Ban Nobel ở Stockholm đã tuyên bố trao Giải Nobel Văn chương 2020 cho nhà văn nữ Louise Glück quốc tịch Mỹ. Đến nay đã có khoảng 15 phụ nữ được trao giải văn học danh giá này, một con số không nhỏ. Điều này làm tôi nhớ lại nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlöf, người phụ nữ đầu tiên nhận Giải Nobel năm 1909. Lý do tôi nhớ đến bà là vì bà có một kiệt tác viết cho thiếu nhi về một cậu bé có tên Nils Holgersson được xuất bản 3 năm trước khi bà nhận giải Nobel. Quyển sách sau đó trở thành quá nổi tiếng, được dịch ra 40 ngôn ngữ. Tôi đã đọc bản tiếng Anh nhiều lần cho con tôi gần 20 năm trước, lúc đó chưa có bản tiếng Việt, thấy vô cùng hay, vừa có tính phiêu lưu ngoạn mục, vừa có tính cách giáo dục về tình yêu của con người đối với giới động vật, tình yêu đối với môi trường sống của tự nhiên, lòng thương cảm, trách nhiệm xã hội. Tiếp tục đọc

Christine Ockrent: “Tập Cận Bình không đối xử với các tỷ phú của mình theo kiểu Nga, mà tế nhị hơn”

CHRISTINE OCKRENT: “TẬP CẬN BÌNH KHÔNG ĐỐI XỬ VỚI CÁC TỶ PHÚ CỦA MÌNH THEO KIỂU NGA, MÀ TẾ NHỊ HƠN”

PHỎNG VẤN. Trong một cuốn sách dựa trên rất nhiều tài liệu phong phú, nhà báo nổi tiếng say mê kể về những số phận hoành tráng và thường là bi thảm của các ông chủ Trung Quốc.

Cuộc phỏng vấn do Jérémy André thực hiện

Ông là người cuối cùng biến mất, và nỗi kinh hãi đã lan sang các nhà khởi nghiệp và tài chính Pháp, những người biết rõ về ông: Bao Fan (Bao Phàm), CEO sáng lập ra China Renaissance, đã mất tích từ cuối tháng Hai. Phải mất vài ngày sau, những người thân cận mới phát hiện ra rằng ông đang “hợp tác” trong một vụ điều tra tư pháp. Trong thế giới kinh doanh của Trung Quốc, với khuôn mặt của một nhà sư Thiếu Lâm, ông là hiện thân của thiên tài đầu tư vào Công nghệ Trung Quốc. Không thể tiếp cận ông, các nhóm của ông buộc phải đình chỉ việc niêm yết tập đoàn của ông trên thị trường chứng khoán – một báo hiệu xấu, trong khi đó, trong những trường hợp nhẹ nhất, các ông chủ vẫn tiếp cận được các luật sư của họ để tiếp tục ký các tài liệu cần thiết cho công việc kinh doanh của họ.

Christine Ockrent (1944-)

Trên thực tế, ông chỉ là nạn nhân mới nhất của cuộc thanh trừng người giàu Trung Quốc của Tập Cận Bình, cuộc thanh trừng không hề chậm lại trong mười năm cai trị không bị thách thức. Ngay cả khi những Bill Gates và những Bettencourt của Trung Quốc có tuổi thọ (được tự do) ngày càng ngắn, những người đàn ông và phụ nữ cũng quyền lực và nổi tiếng như những đại gia của Pháp hay Mỹ đều biến mất như những người hoàn toàn vô danh, chủ đề này hiếm khi được các phương tiện truyền thông Pháp quan tâm. Christine Ockrent đã khắc phục điểm mù này trong một cuốn sách rất sâu sắc, Hoàng Đế và các tỷ phú đỏ/L’Empereur et les milliardaires rouges (Éditions de l’Observatoire). Tiếp tục đọc

Giới thiệu sách Phan Châu Trinh và các tác phẩm chính luận

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: PHAN CHÂU TRINH VÀ CÁC TÁC PHẨM CHÍNH LUẬN CỦA VĨNH SÍNH

Bài viết dưới đây của Nguyễn Xuân Xanh là bài Dẫn nhập cho bản dịch tiếng Việt cuốn sách của Vĩnh Sính, vốn viết bằng tiếng Anh với nhan đề Phan Châu Trinh and His Political Writings (Nxb Đại học Cornell, 2009). Cuốn sách đã được in xong năm 2018 nhưng sau đó bị thu hồi “để tu chỉnh sai sót trong in ấn”, cuối cùng cũng đã được NXB Trẻ đưa ra thị trường cuối tháng 12/2022. Năm 2022 là năm kỷ niệm ngày sinh lần thứ 150 của Phan Tây Hồ tiên sinh (9/9/1872) – 9/9/2022), việc cho ra mắt cuốn sách gồm những trước tác quan trọng – và còn rất hợp thời này của tiên sinh, thật khó có thể thoái thác lâu hơn. Nhưng trễ còn hơn không !

Chúng tôi chưa có sách trong tay để có thể giới thiệu kỹ hơn, và cũng không chắc viết được hay hơn, xin mời bạn đọc đọc những lời dẫn nhập rất tâm huyết này của TS Nguyễn Xuân Xanh, so sánh Nhật Bản và Việt Nam trong thời Phan Châu Trinh, dưới nhãn quan xuyên thế kỷ của nhà yêu nước vĩ đại này.

D.Đ.

Phan Châu Trinh và các tác phẩm chính luận (nguyên tác tiếng Anh)

Tác giả: Vĩnh Sính
Dịch giả : Nguyễn Nghị
Khổ sách: 14x20cm. 
Số trang: 262. Giá bán: 120,000 VND. In lần thứ 1 năm 2018
Mục lục
Lời Nhà xuất bản 7
Lời dẫn nhập – Nguyễn Xuân Xanh 9
Dẫn nhập (Vĩnh Sính): Phan Châu Trinh và các tác phẩm Chính luận 43
Pháp Việt Liên hiệp Hậu chi Tân Việt Nam 141
Khải Định Hoàng đế Thư 183
Đạo đức và luân lý Đông Tây 207
Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa 239

Phan Châu Trinh – Việt Nam – và Nhật Bản

Nguyễn Xuân Xanh

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.

Phan Châu Trinh

“Chí thành thông thánh”, 1905

Văn chương tám vế mơ màng,
Muôn dân nô lệ dưới chân cường quyền.

Vĩnh Sính dịch

Năm 2016 là năm kỷ niệm lần thứ chín mươi ngày mất của nhà ái quốc Phan Châu Trinh, 1926-2016. Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả một quyển sách về Cụ. Đó là quyển sách Phan Châu Trinh của cố học giả Vĩnh Sính nhằm giới thiệu Cụ ra thế giới như một nhân vật lịch sử nổi bật của Việt Nam thế kỷ 20. Quyển sách được xuất bản năm 2009 tại Nhà xuất bản Đại học Cornell. Đây là một công trình nghiên cứu rất công phu của giáo sư Vĩnh Sính với tính học thuật và hiểu biết lịch sử, văn hóa cao.

Mục đích của giáo sư Vĩnh Sính là giới thiệu một nhà cải cách của Việt Nam đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh, mà tư tưởng gần gũi với các nhà cải cách Nhật Bản thời Minh Trị Duy Tân, nhưng cũng rất khác biệt với đa số sĩ phu thời ông tại quê nhà, đặc biệt với gương mặt tiêu biểu Phan Bội Châu. Vĩnh Sính trước đó cũng giới thiệu Tự truyện của Phan Bội Châu sang tiếng Anh. Phan Châu Trinh tuy thất bại, như ông tự đoán trước, nhưng những ý tưởng cải cách ông đến nay vẫn còn giá trị.

Quyển sách Phan Châu Trinh gồm có hai phần chính. Phần đầu là Lời dẫn nhập do Vĩnh Sính viết, nhằm giới thiệu tóm lược cuộc đời và những tư tưởng chính của Phan Châu Trinh. Phần thứ hai là các bài viết chính luận quan trọng của Phan Châu Trinh. Phần này gồm có bốn bài.

Cảm kích trước cuộc đời tài hoa của người bạn Vĩnh Sính, và luôn luôn mang trong đầu câu hỏi: “Tại sao các quốc gia xung quanh thành công, còn chúng ta chưa thành công?”, tôi cảm thấy một món “nợ tinh thần” cần phải đưa quyển sách chứa đựng sự trình bày và cái nhìn sáng sủa của một nhà nghiên cứu uyên thâm này về Phan Châu Trinh đến độc giả Việt Nam, để góp phần nhìn lại và hiểu biết thêm về Việt Nam. Ôn cố tri tân là điều cần làm ở mọi thời kỳ lịch sử.

Tiếp tục đọc

Cơ học lượng tử & Thuyết tương đối (Phạm Xuân Yêm)

CƠ HỌC LƯỢNG TỬ & THUYẾT TƯƠNG ĐỐI

HAI CỘT TRỤ CỦA VẬT LÝ HIỆN ĐẠI

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

Không có khoa học, con người dễ sa ngã vào mê tín, “dị giáo”. Nhưng không có văn hoá, nghệ thuật, con người dễ cằn cỗi về tâm hồn. Và không có đạo đức, con người dễ sa đọa.

Triết lý phương Tây dạy tôi tư duy logic, khoa học, tôn trọng và biết nhìn nhận sự thật, khiêm tốn trước “đại dương tri thức” còn ẩn chứa. Triết lý phương Đông dạy cho tôi sống có xã hội, gia đình, cộng đồng, có trách nhiệm và đóng góp xã hội.

Phạm Xuân Yêm

Phạm Xuân Yêm

Nguyên giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (ngành Vật lý lý thuyết), và Giáo sư đại học Paris VI

Lời nói đầu. Cộng đồng các nhà vật lý, khoa học Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như bạn bè gần xa, chắc chắn rất vui mừng thấy tác phẩm của anh Phạm Xuân Yêm vừa mới ra đời tại Nxb Tri Thức. Anh Yêm là một trong ít “cột trụ” vững chắc của truyền bá khoa học đại chúng của Việt Nam. Anh kiên trì viết cho đại chúng trong một thời gian dài, nếu tôi không lầm, khoảng gần 15 năm, từ không khí kỷ niệm Năm thần kỳ của Albert Einstein 2005, Max Planck 2006, cho đến những năm sau khi hạt Higgs được công bố tìm thấy ở CERN năm 2012. Giai đoạn lịch sử đó có tác động không ít lên các nhà khoa học Việt Nam. Anh đã cùng hành trình với tập thể khoa học và trí thức Việt Nam thực hiện các số Kỷ yếu khoa học và giáo dục đại học trong những năm sôi động của nó, với Max Planck, Galilei, Darwin, Humboldt, Mô hình chuẩn v.v.. Dưới ngòi bút siêng năng, đam mê, thi vị và đầy tình yêu khoa học, chia sẻ, bức tranh vật lý hiện đại đã hiện ra cho người đọc. Viết sách khoa học cho đại chúng, đó cũng là vấn đề văn hóa khoa học, cái Việt Nam cho đến nay còn rất thiếu. Hãy tưởng tượng, nếu một phần nhỏ của quyển sách này thôi được đăng trong tạp chí Nam Phong trong những năm 1920-30 thì tác động của chúng sẽ ra sao? Chắc chắn đó sẽ là một sự đánh thức lớn cho giới trí thức bấy giờ, thúc đẩy phong trào đi vào khoa học nhiều hơn. Chắc chắn, chúng sẽ hòa nhịp vào phong trào quốc gia về ý thức khoa học như một cột trụ kiên cố trong việc dựng nước của châu Á đang lên, từ Nhật Bản, đến Trung Quốc và Ấn độ, để người Việt cảm thấy mạnh mẽ hơn, tri thức là sức mạnh, có thể mơ về một viễn cảnh khác sáng sủa, hơn là “Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Chúng ta rất cảm ơn những đóng góp quý báu của anh Phạm Xuân Yêm, và mong rằng tấm gương của anh sẽ tìm thấy sự đồng hành trong tương lai của những nhà khoa học trẻ. Tiếp tục đọc

Dẫn nhập cuốn sách về DUY TÂN của Mathilde Tuyết Trần

Dẫn nhập

DUY TÂN

MỘT VÌ VUA YÊU NƯỚC, HIỆN ĐẠI, VỚI TÂM HỒN NỔI LOẠN CHO ĐẤT NƯỚC

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

 

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân

Nguyễn Du

 

Khi mà các con đã xây dựng lên được một quốc gia trong tâm hồn, khi mà các con đã xây dựng nên một quê hương bằng đôi tay của các con, thì các con sẽ thực sự có độc lập, một nền độc lập không mắc nợ ai, được chinh phục bởi một dân tộc ý thức được sự cao cả của nhiệm vụ chứ không phải đạt được từ những cuộc tranh giành của một số quốc gia vĩ đại mà các con sẽ chỉ là một đơn vị tiền tệ trao đổi… mà thôi.

Hoàng tử Vĩnh San, trong Hiệu triệu gửi đến đồng bào
lồng trong tiếng nói của Mẹ Việt Nam tháng 6 năm 1945

Lời nói đầu. Không may, sau một cơn bệnh nặng kéo dài, tác giả Mathilde Tuyết Trần đã qua đời vào lúc 4.30 chiều ngày 25 tháng 10, năm 2022 tại Pháp, hưởng thọ 70 tuổi. Sự ra đi của Tuyết Trần là một mất mát lớn, và để lại bao nhiêu thương tiếc trong lòng các cựu sinh viên Việt Nam tại Tây Đức và Tây Bá Linh của những năm 1960-70, cũng như trong lòng bè bạn của Mathilde. Bài dẫn nhập này tôi được Tuyết Trần mời viết cho bản in dự kiến ở Việt Nam của quyển sách Vua Duy Tân, nhưng do sự khác biệt giữa Tuyết Trần và một Công ty sách trong nước mà Tuyết Trần đã giao, bản ấy trước mắt xem như không có ngày ra mắt. Để tưởng nhớ tác giả, tôi xin phổ biến nó. Quyển này được in năm 2021 tại Pháp.

Quyển sách Vua Duy Tân của Mathilde Tuyết Trần, bản in tại Pháp năm 2021

Tôi từng rất ngưỡng mộ vua Duy Tân, người có lòng yêu nước sâu sắc, nhiều tài năng, hội nhập được văn hóa phương Tây, mang trong mình xung lực của một vị vua đổi mới. Nay sau khi đọc quyển sách Vua Duy Tân – Hoàng tử Vĩnh San, Duyên nghiệp 29 năm lưu đày trên đảo La Réunion 1916-1945 của tác giả Mathilde Tuyết Trần, sự hiểu biết của tôi về vị vua này lại càng thêm sâu sắc. Tiếp tục đọc

“Các chiến thuật của rồng” hay chìa khoá của quản trị Trung Quốc

“CÁC CHIẾN THUẬT CỦA RỒNG” HAY CHÌA KHÓA CỦA QUẢN TRỊ TRUNG QUỐC

Hubert Testard

(Nguồn: International Finance)

Làm thế nào để nhận diện và giải thích những thành công của các công ty Trung Quốc? Đó là mục tiêu cuốn sách Dragon Tactics [Các chiến thuật của rồng], một công trình chuyên đề phân tích các phương thức quản lý của Trung Quốc. Được Dunod xuất bản vào tháng 9 năm ngoái, tác giả cuốn sách là hai chuyên gia giỏi về khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc, Sandrine Zerbib và Aldo Spaanjaars. Cả hai tác giả đã sống khoảng ba mươi năm ở đất nước mà họ đã từng là cán bộ điều hành các công ty phương Tây và Trung Quốc, chủ doanh nghiệp và người đứng đầu các công ty tư vấn. Cuộc phỏng vấn với Sandrine Zerbib.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] lần thứ XX sẽ khai mạc vào Chủ nhật này, ngày 16 tháng 10, tại Bắc Kinh. Trong một tuần tiến hành các cuộc họp và bỏ phiếu, các đại biểu và ban lãnh đạo ĐCSTQ sẽ xác định cán cân chính trị của đất nước và bản chất các mối quan hệ với phần còn lại của thế giới trong nhiều năm tới. Cuốn Dragon Tactics có công làm nổi bật tính năng động và tính độc đáo phi thường trong hành động của các doanh nhân Trung Quốc trong ba mươi năm qua. Họ đã và đang tiếp tục đóng góp một phần lớn vào sự thành công kinh tế của đất nước. Điều cũng quan trọng là tìm hiểu phần Trung Quốc khác này, và không tự giới hạn trong việc giải mã các mối quan hệ quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tiếp tục đọc

Giới thiệu sách hay: Kinh tế Nhật Bản – Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973

Giới thiệu sách hay

KINH TẾ NHẬT BẢN – GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THẦN KỲ 1955-1973[*]

Hà Dương Tường

Trong một bài viết mang nhan đề “4.000 ngày thay đổi Việt Nam” trên báo Tuổi Trẻ ngày 26.1.2020, tác giả Trần Văn Thọ đã cho đóng khung ở cuối bài nhận xét này:

Trong thời cận đại, những nước thành công trong việc rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước hầu như đều trải qua một giai đoạn tăng trưởng cao (trên dưới 10%) trong một thời gian dài. Điển hình là Nhật Bản 18 năm (1955 – 1973), Hàn Quốc 13 năm (1982 – 1995) và Trung Quốc gần 30 năm (1983 – 2011). Việt Nam chưa bao giờ có một giai đoạn phát triển cao như vậy.

Cuốn sách Kinh tế Nhật Bản – Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 tập trung trình bày điển hình thứ nhất, “để cung cấp một tham khảo cho những bàn luận về mục tiêu năm 2045 của Việt Nam” (Lời nói đầu sách), “bàn luận” mà tác giả đã phác hoạ vài nét trong bài viết nói trên, đặt mục tiêu là “làm thay đổi Việt Nam, thay đổi diện mạo Việt Nam trên trường quốc tế và thay đổi hẳn cuộc sống của người Việt Nam cả chất và lượng” trong 4.000 ngày, từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2030, một mục tiêu theo ông là có thể thực hiện được, nếu có chiến lược, chính sách đúng đắn, kèm theo là những cải cách cần thiết. Vì “nếu có khát vọng trở thành đất nước giàu mạnh để thực hiện các cải cách cần thiết và các chính sách thích hợp” thì, theo ông, thập niên 2020 sẽ là giai đoạn tăng trưởng cao của Việt Nam, “kết quả có thể lớn hơn dự tưởng” khi các nguồn lực trong và ngoài nước được giải phóng, được tận dụng. Tiếp tục đọc