Daniel Kahneman đã thay đổi cách chúng ta nghĩ về bản chất con người

DANIEL KAHNEMAN ĐÃ THAY ĐỔI CÁCH CHÚNG TA NGHĨ VỀ BẢN CHẤT CON NGƯỜI – NHÀ TÂM LÝ HỌC ĐƯỢC CỰU SINH VIÊN NHỚ ĐẾN

Người đoạt giải Nobel Daniel Kahneman đã để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực (1934-2024). Roger Parkes/Alamy Stock Photo

Sự ra đi của Daniel Kahneman ở tuổi 90 đã để lại một khoảng trống lớn trong lĩnh vực khoa học hành vi và trong cộng đồng trí thức rộng lớn hơn.

Những đóng góp khoa học của ông, nhiều trong số đó là công trình cộng tác với nhà tâm lý học nhận thức Amos Tversky, đã làm thay đổi các ngành tâm lý học và kinh tế học. Chúng cũng có tác động to lớn đến triết học, khoa học chính trị và nhiều ngành khác.

Tôi gặp Danny lần đầu tiên vào năm 1984 khi còn là sinh viên. Tôi chuyển đến Vancouver, Canada để học trong phòng thí nghiệm của ông ấy tại Đại học British Columbia, nơi ông làm việc chung với nhà tâm lý học Ann Triesman. Mặc dù lúc đó Danny chưa nổi tiếng như hiện giờ nhưng tài năng của ông đã được công nhận rộng rãi.

Ba người từng hoặc sẽ giành giải Nobel đã đến thăm lớp học. Richard Thaler, khi ấy vẫn còn trẻ, đã dành cả năm làm việc với chúng tôi, Thomas Schelling và Francis Crick cũng có ghé qua. Dù bận đến thế, Danny vẫn dành thời gian cho tất cả mọi người. Đến tận giờ, tôi vẫn thường chia sẻ những lời khuyên của Danny với học trò và đồng nghiệp của mình.

Năm 2002, Danny nhận được Giải của Ngân hàng trung ương Thụy Điển về các khọc kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel. Từ đó, ông có lẽ đã trở thành một trong những cây bút có ảnh hưởng và nổi tiếng nhất với công chúng trong lĩnh vực các khoa học hành vi (ngang với người bạn thân và cũng là cộng tác viên Richard Thaler của mình). Cuốn sách Tư duy, nhanh và chậm xuất bản năm 2011 của Danny là một tác phẩm kinh điển về văn phong của sách khoa học phổ thông.

Trong sách, ông đã phổ biến và phát triển ý tưởng về hai hệ thống tư duy. Hệ thống đầu tiên hoạt động nhanh, hiệu quả, tự tin và dễ mắc lỗi (hệ thống 1), trong khi hệ thống còn lại chậm, tốn nhiều năng lượng, đầy nghi ngờ và có lẽ ít xảy ra lỗi hơn một chút (hệ thống 2).

Các hệ thống này làm việc cùng nhau. Hệ thống 1 cho chúng ta biết món tráng miệng có vẻ ngon và đáng cân nhắc thử, trong khi hệ thống 2 (có lẽ) sẽ can thiệp để kiểm tra lượng calo trước khi ta ăn.

Trong giới học thuật, thật khó để xác định chính xác những đóng góp quan trọng nhất của Danny, nhưng lý thuyết triển vọng [prospect theory], được trình bày trong bài báo khoa học năm 1979 của ông với Tversky, cho đến nay vẫn là công trình được trích dẫn nhiều nhất. Bài báo thách thức quan điểm kinh tế chủ đạo cho rằng con người về cơ bản là “duy lý” ngay cả khi dễ mắc sai lầm.

Nhiều nhà khoa học nhận ra điều này có thể không hoàn toàn đúng. Nhưng Danny và Tversky đã chứng minh rằng việc kết hợp các nguyên tắc tâm lý quan trọng vào kinh tế học có thể giải thích nhiều quan sát khó hiểu về bản chất con người.

Tâm lý học cú hích

Bài báo về lý thuyết triển vọng cũng cung cấp cả tá minh chứng thực nghiệm cho những tuyên bố của họ. Các giảng viên (như tôi) vẫn sử dụng những minh chứng này trong lớp học, bởi các kết quả họ báo cáo rất đáng tin cậy.

Một ví dụ đơn giản: nếu được lựa chọn giữa chắc chắn nhận được 100 bảng và cơ hội 50/50 để kiếm được 200 bảng, hầu hết mọi người sẽ chọn 100 bảng. Nhưng nếu phải lựa chọn giữa việc chắc chắn mất 100 bảng và khả năng mất 200 bảng là 50/50, mọi người sẽ nắm lấy cơ hội 50/50. Người ta không thích rủi ro khi nói đến lợi nhuận nhưng lại chấp nhận rủi ro khi đối mặt với các khoản lỗ.

Lý thuyết triển vọng tiếp tục tạo ra những nghiên cứu mới và là nền tảng cho khoa học “cú hích”. Lý thuyết cú hích [nudge theory] cho rằng ta có thể tác động thành công đến hành vi con người thông qua các biện pháp can thiệp “mềm”. Một trong những nguyên tắc trọng tâm trong đó là nỗi e ngại sự mất mát [loss aversion], có nghĩa là mọi người nhạy cảm với các khoản lỗ hơn là việc đạt được lợi nhuận tương đương.

Nếu bạn muốn mọi người mang cốc của họ đến quán cà phê, việc tính phí cốc giấy (khoản lỗ) sẽ hiệu quả hơn việc giảm giá khi họ tự mang cốc (cái lợi). Ý tưởng cho rằng hành vi có thể bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến như vậy giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong khoa học hành vi.

Những phát hiện khác của lý thuyết triển vọng bao gồm xu hướng con người bị “neo” [anchored] khi họ đưa ra những đánh giá mang tính định lượng. Ví dụ, nếu bạn đề nghị mua nhà, mức định giá của người bán có khả năng sẽ dịch chuyển theo hướng đề nghị của bạn. Danny cũng mô tả sự ảo tưởng khi lập kế hoạch, xu hướng mà các dự án tốn nhiều chi phí hơn, cho kết quả kém hơn và mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Một hướng nghiên cứu hấp dẫn khác của Danny xem xét các cảm xúc và đánh giá của một người về các sự kiện phụ thuộc thế nào vào những lựa chọn thay thế tưởng tượng của họ đối với những sự kiện đó. Một cách mà trí tưởng tượng hoạt động là “hoàn tác” [undoing] các sự kiện. Những sự kiện càng dễ bị hoàn tác thì tác động của chúng lên chúng ta càng lớn. Quy tắc này là trung tâm của lý thuyết chuẩn mực [norm theory] trong bài báo năm 1986 của ông cùng Dale Miller.

Một ví dụ về cách hoàn tác vận hành: nếu một chiếc ô tô đâm vào tường cách chỗ ta đang đứng một mét, ta tin rằng mình vừa thoát chết trong gang tấc và thấy nhẹ nhõm. Nhưng nếu ngày mai có một chiếc ô tô tông vào đúng vị trí mà chúng ta đang đứng hôm nay, ta có lẽ sẽ không nghĩ nhiều đến nó. Trí tưởng tượng của chúng ta tự động tạo ra một kịch bản rằng chúng ta đang đứng cách bên trái một mét ngay lúc này (tức vị trí vừa bị xe tông – ND), chứ không phải kịch bản mà chúng ta đứng tại cùng một chỗ (vừa bị tông trúng) vào ngày mai.

Khoa học về hạnh phúc

Danny cũng là người đi tiên phong trong việc phân tích hạnh phúc. Những suy ngẫm của chúng ta về một trải nghiệm có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi cách chúng ta diễn giải chúng hơn là những cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực mà ta có xuyên suốt trải nghiệm đó.

Ví dụ, quy tắc đỉnh-kết [peak-end rule] là mức độ chúng ta thích một trải nghiệm trong quá khứ phụ thuộc vào phần tốt nhất hoặc tệ nhất của trải nghiệm đó, và cách nó kết thúc. Danny cho thấy rằng những người đàn ông được nội soi sẽ có trải nghiệm tốt hơn nếu quá trình xâm nhập đau đớn này là một khoảng thời gian dài hơn nhưng đau vừa phải, thay vì kết thúc sớm hơn nhưng lại đau nhiều hơn.

Một điểm khiến Danny khác biệt so với các nhà nghiên cứu khác là công việc của ông được thúc đẩy bởi mong muốn không chỉ đóng góp cho một lĩnh vực nghiên cứu mà còn tạo ra những lĩnh vực mới. Và sau đó, nếu có thể, hãy trả lời tất cả những câu hỏi chúng đặt ra. Đó là lý do tại sao nghiên cứu của ông, kể cả số đã xuất bản cách đây nhiều thập kỷ, vẫn tiếp tục đóng vai trò nền tảng cho những ý tưởng và cuộc tranh luận mới.

Lần cuối tôi gặp Danny cách đây chưa đầy một năm. Tôi đến thăm nhà ông ấy ở New York để ăn tối. Trong tối đó, Danny đã nói rằng mọi người đang đến gặp ông để nói lời tạm biệt.

Đôi mắt Danny tràn đầy ý cười và ông đã giơ tay lên khi nói điều đó – nụ cười và cử chỉ mà tôi đã thấy ông dùng nhiều lần, một sự kết hợp giữa “tôi không cảm thấy bị xúc phạm”, “bạn không nên cảm thấy bị xúc phạm bởi sự thẳng thắn của tôi” và “hãy để tôi giải thích”. Tôi không muốn đối mặt với những gì ông ấy đang nói nhưng tôi hiểu. Ông hiểu rõ về viễn cảnh của cái chết. Danny không sợ chết, ông không sợ bất cứ điều gì.

Tác giả

Daniel Read

Giáo sư Khoa học Hành vi, Trường Kinh doanh Warwick, Đại học Warwick

Tuyên bố công khai

Daniel Read không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Daniel Kahneman changed how we think about human nature – the psychologist remembered by a former student, The Conversation, April 2, 2024.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.