Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể 2

PHƯƠNG PHÁP LUẬN CÁ THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN TỔNG THỂ

Kể từ thế kỉ XIX, những phương pháp được các khoa học xã hội triển khai đã là đối tượng của những cuộc bàn luận sôi nổi. Những cuộc bàn luận này đã được xem xét lại suốt các thập niên trước trong khuôn khổ của một cuộc tranh luận xuyên suốt bởi sự căng thẳng giữa phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể. Tính đa dạng của những ý nghĩa được gán cho hai thuật ngữ này, và đặc biệt cho thuật ngữ đầu, là cội nguồn của những nhầm lẫn hay hiểu lầm góp phần làm cho cuộc tranh luận có một chiều hướng ý thức hệ.

“Cuộc tranh luận về các phương pháp”

Carl Menger (1840-1921)
Gustav Schmoller (1838-1917)

Việc xuất bản vào năm 1883 tác phẩm Những nghiên cứu về phương pháp của các khoa học xã hội và đặc biệt của kinh tế chính trị học của Carl Menger là thời điểm đánh dấu điều được gọi là “cuộc tranh luận về phương pháp luận” (Methodenstreit). Nằm trong sự tiếp nối của cuộc xung đột truyền thống đối lập giữa, một mặt, phương pháp trừu tượng và suy diễn của các nhà cổ điển và, mặt khác, cách tiếp cận cụ thể và quy nạp của các nhà duy sử luận, cuộc tranh luận này là sự đối đầu giữa các lí thuyết gia Áo của cuộc cách mạng cận biên – chủ yếu là Menger – với các tác giả đại diện cho trào lưu “duy sử luận” đặc biệt là Gustav Schmoller. Chống lại Schmoller, người bảo vệ một cách tiếp cận tổng thể, tác giả của Principes d’économie politique (Các nguyên lí chính trị học) ([1871] 1907) nhấn mạnh rằng có thể phát biểu những quy luật kinh tế tổng quát, cho dù chúng chỉ áp dụng cho những hiện tượng xã hội đặc biệt, và nói rõ là các quy luật này chỉ có ý nghĩa khi xuất phát từ hành vi duy lí của các tác nhân. Bác bỏ đồng thời duy sử luận và thuyết duy cơ quan, Menger cũng nói đến “những hệ quả không chờ đợi của các hành động tự nguyện”. Tiếp tục đọc

Phương pháp luận cá thể 1

PHƯƠNG PHÁP LUẬN CÁ THỂ

Individualisme méthodologique / Methodological Individualism

Phương pháp cốt giải thích những hiện tượng kinh tế và xã hội từ những hành vi cá nhân. Các nhà lí thuyết tân cổ điển đòi hỏi vận dụng mạnh mẽ phương pháp này để suy ra (hay để dự báo) những qui luật từ những lựa chọn (dựa trên nguyên lí duy lí) của các tác nhân. Tuy nhiên, người ta có thể ủng hộ phương pháp cá thể mà không nghĩ rằng phương pháp này hướng dẫn mọi sự lựa chọn của con người (dù cho sự kết hợp của nguyên lí duy lí với phương pháp cá thể là điểm hấp dẫn nhất của phương pháp này).

Phương pháp luận cá thể thường được đem đối lập với phương pháp luận tổng thể. Phương pháp thứ nhất chủ trương đi từ cá thể (những cá nhân) đến tổng thể (xã hội) trong lúc phương pháp thứ hai theo một cách tiếp cận ngược lại, tức đi từ tổng thể (một xã hội nhất định) để xem bằng cách nào những quyết định cục bộ được lồng vào một khung chung.

Điểm mạnh của phương pháp cá thể là để cho phân tích xuất phát từ một điểm có giới hạn rõ ràng, một “cá nhân” mà nhà lí thuyết có thể gán cho những đặc tính chính xác và những mục tiêu nhất định (ví dụ tối đa hoá sự thoả mãn hay lợi nhuận của cá nhân ấy). Vậy thì có thể sử dụng những kĩ thuật và ngôn ngữ toán học; điều mà đối với nhiều người là một đảm bảo của tính khoa học. Kinh tế học vi mô hoàn toàn được xây dựng trên quan điểm này.

Điểm yếu chính của phương pháp cá thể là, ngoại trừ trường hợp Robinson (một nhân vật dù sao cũng phải có thân sinh…), không có hành vi cá nhân nào mà không qui chiếu về xã hội. Dấu hiệu của nhược điểm này là các nhà lí thuyết tân cổ điển – có lẽ là những người ủng hộ cuồng nhiệt nhất phương pháp luận cá thể – trong các phân tích của họ, viện đến những thực thể tập thể như hộ gia đình và doanh nghiệp (mà hình dạng có thể thay đổi với từng xã hội). Vả lại mô hình cạnh tranh hoàn hảo, mô hình qui chiếu của họ, giả định một hình thái tổ chức xã hội rất đặc biệt và gò bó (tất cả đều phải thông qua “trung ương”).

Phương pháp cá thể và những cấu trúc

François Bourricaud (1922-1991)
Raymond Boudon (1934-2013)

Tất nhiên là những đối thủ của phương pháp cá thể nhấn mạnh đến những khía cạnh “do xã hội ấn định” của những hành vi cá nhân trong khi những người ủng hộ phương pháp này nhấn mạnh đến tính “duy lí”, được tự do lựa chọn của các hành vi này. Song tính chất của hành vi cá nhân không độc lập với bối cảnh; để biết xem một quyết định có hợp lí hay không, trước hết phải biết trong khuôn khổ nào quyết định này được lấy. Ngay cả mô hình toán học nhất cũng giả định là có trước một hình thái tổ chức xã hội để cho những quyết định cá nhân lồng vào đấy. Trong chừng mực mà những cá nhân này “chấp nhận” hình thái xã hội này, thì những quyết định của họ góp phần duy trì (hay “tái sản xuất”) hình thái này.

Trong Dictionnaire de sociologie ([Từ điển xã hội học], Presses Universitaires de France) Raymond Boudon và FranVois Bourricaud, hai người ủng hộ công khai phương pháp luận cá thể, đã viết:

“Nhằm làm rõ là một phương pháp luận kiểu cá thể không hề dẫn đến, bằng bất cứ cách nào đi nữa, việc bỏ qua những ràng buộc của hành động và những cấu trúc hay thể chế quyết định những ràng buộc này, đôi lúc người ta nói đến phương pháp luận cá thể cấu trúc (Wippler) hay cá thể thể chế (Bourricaud) […] Các khái niệm cá thể cấu trúc và cá thể thể chế cho biết […] rằng để giải thích hành động của một cá nhân, thường cần phải xác định những dữ kiện cấu trúc và thể chế đặt mốc cho phạm vi hoạt động của cá nhân ấy cũng như những hiệu ứng của việc xã hội hoá tác động đến cá nhân này và những nguồn lực cá nhân này có được”.

Điều rõ ràng là “phạm vi hoạt động”, “việc xã hội hoá tác động đến cá nhân” và “những nguồn lực cá nhân này có được” ít ra cũng quyết định những lựa chọn lẫn những tính toán của cá nhân. Trong khi các nhà xã hội học tìm cách đặc trưng những thông số “cấu trúc” hay “thể chế” của những xã hội họ nghiên cứu thì các nhà lí thuyết tân cổ điển lại thích lí luận với những xã hội hoang đường (thuộc về ngụ ngôn). Tuy nhiên trong cả hai trường hợp, ở mức độ phân tích, khuôn khổ thể chế có một vị trí quan trọng. Quả thật là khuôn khổ này cùng với những ràng buộc đi kèm đã được những cá nhân khác “sản xuất” ra trong quá khứ; nhưng những cá nhân này cũng đã hành động trong một khuôn khổ nhất định; ta đứng trước vấn đề muôn thuở của con gà và cái trứng (ai sinh ra trước ai?).

Về tính phức tạp của những quan hệ giữa các cá thể

Khác với những nhà xã hội học thường xem xét trong thực tế những loại cá nhân (tùy theo “phạm vi hoạt động”, v.v.), các nhà kinh tế tân cổ điển ngay từ đầu vận dụng một cách tiếp cận không nhân nhượng bằng cách xét đến một xã hội hợp thành bởi vô số cá nhân, mỗi cá nhân chỉ khác nhau ở những sở thích hay ở những chu cấp ban đầu, mỗi người chỉ tính đến lợi ích của bản thân. Khuôn khổ tổ chức được ưu tiên là cạnh tranh hoàn hảo, một khuôn khổ đơn giản nhất về mặt xử lí toán học (một giá và một phương trình duy nhất cho mỗi sản phẩm, cung cầu không bị hạn mức) và là khuôn khổ duy nhất có thể đảm bảo sự phối hợp thông qua giá cả (tất nhiên là trong khuôn khổ đã định).

Mục đích của mô hình là, chỉ từ những hành vi cá nhân (luôn nằm trong khuôn khổ đã định), suy ra những “qui luật” mang tính “đều đặn”. Thế mà nghiên cứu toán học cho thấy rằng không có những qui luật như thế; chính xác hơn thì sự tương tác của những lựa chọn (duy lí) của các cá nhân phức tạp đến độ sự tương tác này có thể là bất kì “hợp lực” nào (định lí Sonnenschein). Định lí này cho thấy là phiên bản cực đoan của phương pháp luận cá thể mà các nhà lí thuyết tân cổ điển đeo đuổi dẫn đến một ngõ cụt.

Vì thế các lí thuyết gia này rút về cố thủ hai vị trí:

  • chấp nhận một quan điểm cân bằng bộ phận;
  • lập luận với một số ít tác nhân tiêu biểu.

Nhưng cả hai điểm này, trong thực tế, đã từ bỏ phương pháp luận cá thể. Quả vậy, những phân tích cân bằng bộ phận không đi từ những cá nhân mà từ những đường cung và đường cầu “cho trước”, và cách tiếp cận bằng những tác nhân tiêu biểu biến các tác nhân này thành những thực thể tập thể, có những động cơ riêng trong khi phương pháp cá thể phủ nhận hoàn toàn cách làm này (thế mà những ai làm theo cách này lại cho đấy là phương pháp cá thể với lí do rằng họ đồng nhất các tác nhân tiêu biểu với những “cá nhân”; song đấy chỉ là chơi chữ).

Kết luận

Phân tích những dữ kiện kinh tế và xã hội, dù cho là một phân tích thực nghiệm hay một phân tích “thuần túy lí thuyết”, cần phải đồng thời tính đến những hành vi cá nhân và những “cấu trúc” trong đấy các hành vi này được lồng vào. Cấu trúc có trước hành vi – nếu không thì không thể xác định được hành vi – song hành vi cũng có thể làm thay đổi các cấu trúc. Do đó tác động qua lại giữa cấu trúc và cá thể rất phức tạp và khó được nhà lí thuyết (và nhà thực hành) nắm bắt; vả lại không dễ gì tách bạch hai khái niệm “cá thể” và “cấu trúc”.

Các lí thuyết gia tân cổ điển, những người ủng hộ cuồng nhiệt cho phương pháp luận cá thể, không làm như trên. Tuy nhiên nghiên cứu những mô hình của họ cho thấy là hình thái xã hội được họ giả định có một vai trò ít nhất cũng có tính quyết định bằng với vai trò của các cá nhân. Do đó, bất kì ai muốn suy nghĩ về các mô hình này trước hết phải nêu bật hình thái tổ chức xã hội khỏi mớ bòng bong toán học thường che lấp hình thái này, để xét xem là hình thái có thích đáng không. Vì có ích gì khi thuyết giáo mãi về những lựa chọn của các “cá nhân” hoạt động trong những thế giới hoàn toàn tưởng tượng?

Marx tóm tắt rất đúng vấn đề nối khớp giữa phương pháp cá thể và phương pháp tổng thể: “Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã có sẵn và do quá khứ để lại” (Ngày 18 sương mù của Louis Bonaparte[1]).

PHƯƠNG PHÁP LUẬN TỔNG THỂ

Holisme / Holism

Quan điểm theo đấy có thể tiến hành những phân tích lí thuyết – và thực nghiệm – từ những thực thể tổng quát được gán cho những đặc tính chuyên biệt. Chẳng hạn, nhà sinh học vận dụng phương pháp luận tổng thể khi lí luận về những cơ quan với tư cách là cơ quan – mà không đi vào chi tiết hoạt động của những tế bào hợp thành cơ quan hay những phân tử hợp thành tế bào v.v.. Thật ra bất kì phân tích nào không rút về phân tích những “hạt cơ bản” cấu thành vũ trụ (nếu giả định sự tồn tại của những hạt này) đều theo, ít nhất trong một chừng mực nhất định, một phương pháp kiểu tổng thể.

Trong khoa học xã hội, những cá nhân – nam hay nữ – thường được xem là những “đơn vị cơ bản”, không rút nhỏ được nữa, của xã hội (dù cho có người xem gen là những đơn vị cơ bản “thật sự”). Như vậy, phương pháp luận tổng thể đối lập với phương pháp luận cá thể theo đó những hiện tượng xã hội phải được giải thích chỉ từ những hành vi cá nhân. Vì đối với người theo phương pháp tổng thể, các hành vi này lồng trong một bối cảnh được xác định trước (hình thái tổ chức xã hội, quyền sở hữu, thành phần xã hội…); việc nghiên cứu bối cảnh này ít nhất cũng quan trọng không kém việc nghiên cứu chính bản thân những hành vi cá nhân. Vì thế, khuôn khổ thể chế có một vai trò chủ yếu trong tất cả các mô hình kinh tế, kể cả những mô hình nhấn mạnh đến những lựa chọn cá nhân (mà trước hết là mô hình cạnh tranh hoàn hảo, một trong những mô hình qui chiếu chính của các nhà tân cổ điển).

Các nhà tân cổ điển tự nhận là những địch thủ quyết liệt của phương pháp tổng thể. Tuy nhiên, ngay cả trong những mô hình cơ bản của họ, họ không tránh khỏi phải nhờ cậy đến, một cách không rõ ràng, những thực thể tập thể như các hộ gia đình và các doanh nghiệp. Thật ra khi vấp phải những tương tác phức tạp và khó tháo gỡ của những lựa chọn cá nhân (mà một trong những biểu hiện là định lí Sonnenschein), các nhà tân cổ điển, đặc biệt trong khuôn khổ các nghiên cứu về những cơ sở kinh tế vi mô của kinh tế học vĩ mô, thường viện dẫn khái niệm tác nhân tiêu biểu, một khái niệm rõ ràng là tổng thể vì, đối với họ, tác nhân tiêu biểu là sự “cô đúc” những cá nhân cùng loại được đồng hoá với một tác nhân duy nhất có những động cơ và mục đích riêng biệt (thường được tóm tắt bằng một hàm lợi ích hay một hàm sản xuất).

Bernard Guerrien (1943-)

Như vậy trong kinh tế học, gần như không thể lập luận mà không viện đến những thực thể tập thể (tất nhiên trừ khi giả định rằng nền kinh tế chỉ gồm một cá nhân như Robinson). Trong số những thực thể này tất nhiên có Nhà nước, hiện ra dưới khuôn mặt, theo các nhà tân cổ điển, của người xướng giá, làm việc không công, bảo đảm cho một trật tự xã hội nhất định. Quả thật là bản thân Nhà nước, cũng như các hộ gia đình, doanh nghiệp, nghiệp đoàn, “thị trường”, v.v., cũng được hợp thành bởi những cá thể mà hành động tạo nên và biến đổi các thực thể tập thể này, đồng thời lại vừa bị các thực thể này chi phối. Quan hệ qua lại hai chiều giữa tổng thể và các bộ phận còn xa mới là tức thì, nhất là khi có một cám dỗ lớn để xem tổng thể như là một “siêu cá nhân” có ý chí riêng. Một cám dỗ khác là đánh giá những thực thể tập thể theo chức năng của chúng (quan điểm “chức năng”); điều này tóm lại là nêu một nhận xét hậu nghiệm chứ không phải là một giải thích hiện tượng (tuy nhiên cần ghi nhận là lối lập luận này thường được sử dụng trong sinh học, đặc biệt trong lí thuyết tiến hoá).

Như vậy viện dẫn đến những thể chế tập thể không phải là không có vấn đề (do tính không thể thu gọn được nữa của chúng). Nhưng nếu loại thực thể này cũng có mặt trong hầu hết các phân tích lí thuyết (kể cả trong các lí thuyết tân cổ điển) chính là vì không thể không cần đến chúng. Cuối cùng điều phân biệt lí thuyết này với lí thuyết khác là những thực thể tập thể (trong đó có khuôn khổ thể chế) được mỗi lí thuyết nêu bật (ví dụ, đối với các nhà tân cổ điển đó là hộ gia đình, doanh nghiệp và người xướng giá, còn đối với những nhà marxist và những nhà thể chế đó là những tập đoàn xã hội).

Bernard Guerrien

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Từ điển phân tích kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007, trang 503-507.

* * *

PHƯƠNG PHÁP LUẬN CÁ THỂ

Chiến lược nghiên cứu trong khoa học xã hội, một chiến lược nhằm giải thích các giữa các biến phản ảnh các quy luật cấu trúc từ những hành vi sơ cấp. Trong các lí thuyết đương đại, phương pháp luận cá thể trang bị cho các tác nhân nguyên lí của hành động duy lí, và tìm cách làm hiện lên những kết quả tổng gộp như là đặc tính nổi trội của những tương tác giữa các tác nhân. Chính trong bối cảnh này mà phương pháp luận này cầu viện đến những mô hình được hiểu như là sự đơn giản hóa hình thức và trừu tượng hóa, và bằng cách ấy nhằm sản sinh tất cả những thực thể tập thể từ các tương tác cá nhân này. Phương pháp này không những có mặt đặc biệt trong kinh tế học, mà còn được mở rộng sang xã hội học, khoa học chính trị và ngay cả sang phương pháp luận sử học. Như vậy, những hiện tượng xã hội, kinh tế và chính trị được phân tích như là những cân bằng của một trò chơi trong những mô hình ngày càng sử dụng ngôn ngữ của lí thuyết trò chơi. Theo quan niệm này, các thể chế, quy ước, quy tắc và lề thói hiện lên như cân bằng của một trò chơi của những tác nhân không có bản sắc xã hội. Nhưng như vậy là quên rằng mọi trò chơi đều diễn ra theo những quy tắc được những người chơi chấp nhận, do đó trò chơi mở ra cho một tập thể ngầm ẩn được giả định là có trước đó. Vả lại, đó là điều được một số nghiên cứu có mục đích giải thích sự nổi lên của một vài thể chế từ một số quy tắc nhất định [Aoki, 2001][2], theo một thủ tục có thể lặp lại ở những cấp khác nhau, thừa nhận. Như vậy ta đi đến một quan niệm tổng-cá thể (hol-individualism).

PHƯƠNG PHÁP LUẬN TỔNG-CÁ THỂ

(HOL-INDIVIDUALISME)

Cụm từ này được hợp thành từ việc nối hai thuật ngữ chỉ phương pháp luận có tiếng là đối lập nhau trong khoa học xã hội: một mặt, phương pháp luận tổng thể và mặt khác phương pháp luận cá thể. Như vậy, bằng cụm từ này người ta chỉ một chương trình nghiên cứu nhằm nối khớp cái vi mô và cái vĩ mô, khi tự giải thoát khỏi phương pháp luận tổng thể tầm thường vốn xử lí cái vĩ mô như là kết quả của một điều tương đương với một hành động cá nhân cũng như khỏi phương pháp luận cá thể thuần tuý vốn bác bỏ mọi quy chiếu về cái tập thể và xã hội. “Sự nối kết trở thành việc nối khớp giữa cấp độ thể chế vĩ mô, nơi các hành động cá nhân sáng tạo ra những thể chế và cấp độ thể chế vi mô, nơi các hành động này vận động trong một bối cảnh thể chế nhất định; như vậy, cấp độ vĩ mô là cấp độ của những tác nhân định chế mà các hành động nhắm vào các quy tắc trong lúc cấp độ vi mô là cấp độ của những tác nhân đơn thuần hành động trong khuôn khổ của những quy tắc nhất định” [Defalvard, 2000, trang 16][3]. Cách tiếp cận này tránh được một sự thoái bộ đến vô tận để tìm một cơ sở cá thể cho tất cả các hình thái tổ chức tập thể, và không lẫn lộn thời gian hình thành các thể chế và thời gian phát huy ảnh hưởng của các thể chế trên những quyết định hằng ngày của các tác nhân và cho phép sắp xếp phân tích thể chế theo một thứ bậc phân biệt chính xác trật tự hiến pháp, định chế, thể chế, lề thói, quy ước, tập tính (habitus) [bảng dưới đây].

Bản chất

Thành tố

Định nghĩa Nguyên lí hành động Nhân tố thay đổi
Trật tự hiến pháp Tập những quy tắc chung cho phép giải quyết các xung đột ở cấp thấp hơn (thể chế, tổ chức, cá nhân) Tính chính danh nhờ có sự thảo luận, chuẩn y và bầu cử · Sức ì lớn của các nền dân chủ

· Vai trò của những quá trình chính trị trong việc cấu hình lại

Thể chế Thể cách phi vật chất cho phép cấu trúc hoá những tương tác của các tổ chức (và cá thể) với nhau Giảm bớt hoặc loại trừ sự bất trắc gắn với các hành vi chiến lược · Khủng hoảng cấu trúc

· Hiệu quả thấp không phải là lí do đủ để thay đổi

Tổ chức Một cấu trúc quyền lực và một tập những lề thói nhằm khắc phục những vấn đề phối hợp và hành vi cơ hội Củ cà rốt và cây gậy (nghĩa là hệ thống thù lao và kiểm tra) gắn liền với các thể chế và quy ước · Kết quả kém so với cạnh tranh

· Những cuộc khủng hoảng quan trọng khuyến khích việc tái cấu trúc

Lề thói Tập những quy tắc hành động được suy ra từ việc điển chế hoá một hiểu biết ngầm Việc chuẩn mực hoá đơn giản hoá các thủ tục phức tạp và tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiểu biết phản ứng chung · Diễn tiến bất lợi của môi trường

· Thiếu nhất quán giữa một loạt những lề thói hay tiến hoá từ sản xuất vật chất sang khoa học

Quy ước Tập những dự kiến và hành vi tự củng cố nhau, nổi lên từ một loạt những tương tác phi tập trung Đánh mất kí ức nguồn gốc của những lề thói nay hiện ra là “tự nhiên” · Khủng hoảng tổng quát, xâm lấn, v.v.

· Hiếm khi tính hiệu quả là tiêu chí chọn lọc

Tập tính Tập những hành vi hợp nhất trong các cá nhân, được hun đúc trong quá trình xã hội hoá của các cá nhân Thích hợp với một trường đặc biệt, nhưng có thể mất cân bằng khi chuyển sang một trường khác · Dịch chuyển tập tính sang một trường khác

· Tập huấn mới thường là khó khăn

Nguồn: Mở rộng từ [Boyer, 2001][4].

Robert Boyer Yves Saillard

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Théorie de la régulation. L’état des savoirs, La Découverte, Paris 2002, trang 564-565.

—-

Chú thích:

[1] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 8, trang 145 (ND).

[2] Aoki M. [2002], Toward A Comparative Institutional Analysis, MIT Press, Cambridge (MA).

[3] Defalvard H. [2000], “L’économie des conventions à l’école des institutions”, Document de travail, Centre d’études de l’emploi, Noisy-Le-Grand, n02, juillet.

[4] Robert Boyer [2001], “The Regulation Approach As a Theory of Capitalism: A New Derivation”, in Labrousse Agnès and Weiss Jean-Daniel (dir.), International Economics in France and Germany. German ordoliberalism versus The French Regulation School, Springer Verlag, Berlin, pp. 49-92.

So sánh cái không thể so sánh: một câu trả lời xã hội học cho khoa học luận của Augustin Cournot

Antoine-Augustin Cournot (1801-1877)

SO SÁNH CÁI KHÔNG THỂ SO SÁNH: MỘT CÂU TRẢ LỜI XÃ HỘI HỌC CHO KHOA HỌC LUẬN CỦA AUGUSTIN COURNOT[1]

Alain Desrosières

Augustin Cournot (1801-1877) thường được giới thiệu như một trong những người cha của mô hình hoá toán học trong kinh tế học. Ngày nay việc mô hình hoá này có thể là, hoặc những kiến thiết thuần tuý lí thuyết và mang tính giả thiết-suy luận, hoặc thường hơn là sự đối chiếu những giả thiết lí thuyết với những dữ liệu thống kê, bằng những công cụ của kinh trắc học. Tuy nhiên hình thức kết hợp này giữa lí thuyết và thường nghiệm là mới có đây. Kinh trắc học hiện đại chỉ được phát triển kể từ những năm 1930 (Morgan, 1930; Armatte, 1995). Sự nghiệp của Cournot gồm hai phần tách biệt, được biểu trưng bằng hai cuốn sách: cuốn sách năm 1838 đề cập đến “lí thuyết của cải”, cuốn sách năm 1843 bàn về “lí thuyết cơ may và xác suất”, và hai lí thuyết này không liên thông với nhau. Ta gặp lại sự phân đôi này ở những nhà kinh tế xuất sắc khác, như tác giả người Ireland, Francis Edgeworth (1845-1926) và người Anh, John Maynard Keynes (1883-1946). Tiếp tục đọc

Toán học và kinh tế học, tính phong phú và những giới hạn của một hình thức hoá

Ivar Ekeland (1944-)

TOÁN HỌC VÀ KINH TẾ HỌC, TÍNH PHONG PHÚ VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA MỘT HÌNH THỨC HOÁ

Ivar Ekeland*

Nghiên cứu trong kinh tế học dưới mắt một nhà nghiên cứu

Bất hạnh thay cho ai không có vài người đối thoại riêng và quen thuộc mà họ có thể tiếp tục trao đổi suốt cuộc đời mình. Về phần mình, tôi đã sớm gặp tác phẩm của Pierre Bourdieu và ngay tức thì nhận thấy trong đó giá trị đầu tiên mà người ta gọi là chân lí. Tất cả các bạn đều biết là ông ấy không mấy mặn mà với sự hình thức hoá trong các khoa học xã hội lẫn với cách tiếp cận kinh tế về hành vi con người, chủ đề của hội thảo này. Sự căng thẳng này giữa những phê phán mà tôi hiểu, vả lại là một sự phê phán nhắm xa hơn lí thuyết kinh tế để nhắm đến thái độ kinh viện nói chung, và cách thực hành chuyên nghiệp của tôi, đã buộc tôi suy nghĩ về nó và biện minh cho nó so với những giá trị mà Bourdieu thích nhấn mạnh rằng chúng chính là kết quả của cách thực hành của tôi và của lựa chọn của bản thân khi theo đuổi một sự nghiệp hàn lâm. Như vừa nói, đứng đầu các giá trị này là chân lí: tôi nghĩ rằng có những điều là đúng và những điều là sai, và nhiệm vụ đầu tiên của các nhà trí thức, như Chomsky nói, là vạch ra sự khác biệt giữa cái đúng và cái sai. Tiếp tục đọc

Kinh tế học và Thực tại + Phỏng vấn Tony Lawson

KINH TẾ HỌC VÀ THỰC TẠI

Lars Pålsson Syll

Tony Lawson (1950-)

Kinh tế học hiện đại ngày càng không liên quan đến sự hiểu biết về thế giới hiện thực. Trong cuốn sách có ảnh hưởng sâu rộng Kinh tế học và Thực tại [Economics and Reality] (1997), Tony Lawson đã vạch ra sự không liên quan này với sự thất bại của các nhà kinh tế trong việc gán ghép phương pháp suy luận diễn dịch-tiên đề của họ với chủ đề của họ.

Thật là buồn khi những vấn đề đã được vạch ra từ 20 năm trước vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Trong kinh tế học dòng chính vẫn tồn tại một thực tế là người ta chỉ chú trọng tính hợp lý bên trong (internal validity)[1] mà không hề quan tâm đến tính hợp lý bên ngoài (external validity)[2]. Thật khó có thể tưởng tượng được tại sao lại có người quan tâm đến loại lý thuyết và mô hình đó. Chừng nào các nhà kinh tế dòng chính chưa đưa ra bất kỳ giấy phép-xuất khẩu nào cho các lý thuyết và mô hình của họ ra thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống, thì chừng đó họ thực sự không nên ngạc nhiên nếu mọi người nói rằng kinh tế học chẳng phải là khoa học, mà chỉ là chứng tự kỷ thôi! Tiếp tục đọc

Không có ranh giới cố định giữa các bộ môn

“KHÔNG CÓ RANH GIỚI CỐ ĐỊNH GIỮA CÁC BỘ MÔN”

L’ECONOMIE POLITIQUE N°006

Edmond Malinvaud, giáo sư danh dự của trường Collège de France

Ngày nay, các nhà kinh tế học xem sự tồn tại của một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể của xã hội, được gọi là “kinh tế học”, như là một sự đã rồi, để có thể phân tích một cách khoa học với các công cụ của họ. Như vậy, lịch sử tư tưởng kinh tế thường được giới thiệu như là lịch sử phát triển tuần tự của một thời kì lộn xộn của kinh tế học, hợp nhất nhiều khía cạnh của xã hội (chính trị, xã hội, đạo đức…), cho đến khi bước vào một hình thức tiền khoa học được Adam Smith khai trương và kết thúc với những tác phẩm của Léon Walras, được coi là nhà kinh tế học khoa học đầu tiên.

Tạp chí L’Economie Politique [Kinh tế Chính trị] đã phỏng vấn Edmond Malinvaud, giáo sư danh dự của trường Collège de France, về các mối liên hệ giữa kinh tế học và các khoa học xã hội khác, đặc biệt về sự tách biệt hiện tại giữa kinh tế học và khoa học chính trị. Cơ hội để điểm chung về khoa học kinh tế ngày nay[1]. Tiếp tục đọc

Thời kinh tế học mang tính cấp tiến

THỜI KINH TẾ HỌC MANG TÍNH CẤP TIẾN

Marshall SteinbaumBernard Weisberger

Katherine Streeter cho tờ The Chronicle Review

Vào ngày 1 tháng 5 năm 1886 – cùng ngày với việc tổ chức Knights of Labor [Các Hiệp sĩ lao động] kêu gọi cuộc tổng đình công dẫn đến cuộc bạo loạn Haymarket ở Chicago, một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về bạo lực lao động trong lịch sử nước Mỹ – một giáo sư trẻ về kinh tế chính trị tại Đại học Yale tên là Arthur Hadley đã gửi một lá thư cho đồng nghiệp Henry Carter Adams tại Đại học Michigan để bày tỏ sự miễn cưỡng gia nhập Hiệp hội Kinh tế nước Mỹ (AEA, American Economic Association) vừa mới được sáng lập, trong đó Adams là thành viên của ủy ban chấp hành.

AEA đã được quan niệm như là một thách thức mới nổi đối với giới kinh tế chính thống cổ điển. Cương lĩnh sáng lập của nó tuyên bố rằng, “Chúng tôi coi nhà nước là một cơ quan giáo dục và đạo đức mà sự hỗ trợ tích cực là một điều kiện không thể thiếu của sự tiến bộ của con người” – một quan điểm gây tranh cãi làm cho Hadley lo lắng. Ông viết cho Adams:

Việc cho rằng các nguyên lý là đúng, chỉ làm cho nguy cơ hiểu sai càng nghiêm trọng hơn. … Sự thông cảm của tôi đã thể hiện rất mạnh mẽ ở nhiều khía cạnh với phong trào. Những khuynh hướng của tôi đã dẫn tôi đến việc tham gia phong trào ngay từ đầu. Nhưng tôi sợ, và vẫn còn sợ, việc vướng vào một quan điểm có thể gây hại cho tôi và cả cho người khác, khi mà tôi có vẻ như bênh vực những biện pháp và châm ngôn mà tôi không thể không coi là cực đoan nguy hiểm.

Nói cách khác, sẽ không thành vấn đề nếu một mệnh đề là đúng đắn. Điều phải được xem xét là những hàm ý triệt để không hay có thể có – và cách thức mà chủ nghĩa cấp tiến đó có thể làm hoen ố phần còn lại của giới kinh tế khi tập hợp lại thành hiệp hội. Tiếp tục đọc

Nguyên do học lịch sử và triết lý sử học

Giải thích trong sử học

Ngẫu nhiên (Khái niệm) trong sử học

C2

Antoine-Augustin Cournot (1801-1877)

NGUYÊN DO HỌC[1] LỊCH SỬ VÀ TRIẾT LÝ SỬ HỌC

Tác giả: Antoine-Augustin Cournot*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Cournot là nhà toán học của thế kỷ XIX đã đưa ra nhiều ý tưởng độc đáo liên quan đến lịch sử và triết lý sử học. Nhưng do sự tách biệt truyền thống giữa khoa học và triết học, cũng như tính đa dạng trong sinh hoạt tri thức của ông, đóng góp của Cournot chỉ được các sử gia và nhà xã hội học tham gia vào cuộc tranh luận về nền tảng phương pháp của các khoa học xã hội và khoa học nhân văn hồi cuối thế kỷ này khám phá lại và đề cao, sau một tiếp xúc ban đầu lạnh nhạt.

Ngày nay, ông được nhìn nhận như một trong các triết gia hàng đầu, và một trong hai triết gia khoa học lớn của Pháp (cùng với A. Comte) của thế kỷ XIX, người đã để lại dấu ấn đậm nét trên tư duy sử học của thế kỷ XX, và là nhân vật bản lề đã góp phần đẩy dần mối quan tâm triết học về sử từ quan điểm siêu hình thống trị đương thời (Comte, Hegel, Marx) sang quan điểm phê phán, thông qua việc xem xét lại các phương thức giải thích và vấn đề nhân quả trong sử học – mặc dù triết lý sử học của ông cũng không hoàn toàn vắng bóng một số ý tưởng siêu hình! Ông đã để lại ảnh hưởng đáng kể trên nhiều sử gia Pháp lớn của thế kỷ XX, như Henri Berr, Lucien Febvre, và Fernand Braudel. Tiếp tục đọc

Tại sao kinh tế học cần đến lịch sử kinh tế

Economic HistoryTại sao kinh tế học cần đến lịch sử kinh tế

Cái đẹp của internet là cho phép bạn thỉnh thoảng lướt qua các bài viết như bài viết này mà bạn có thể bỏ lỡ (H/T Greg Mankiw). Như các bạn mong đợi, tôi đồng ý với Temin rằng lịch sử kinh tế đóng một vai trò cơ bản trong giáo dục kinh tế, và MIT là một ví dụ điển hình. Để lặp lại một điểm mà tôi đã viết trước đây trên blog, nhiều siêu sao từng tốt nghiệp từ trường này có một sự nhạy cảm lịch sử đã làm cho họ trở thành những nhà kinh tế giỏi hơn. Obstfeld và Rogoff nổi tiếng với công trình đột phá của họ về kinh tế học vĩ mô mở, nhưng cả hai đều đã viết nhiều cuốn sách quan trọng về lịch sử kinh tế (Obstfeld cùng với Taylor, và Rogoff cùng với Reinhart), và tôi không nghĩ đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên rằng phong cách của Obstfeld-Rogoff trong kinh tế học vĩ mô mở có xu hướng dựa nhiều hơn vào thế giới thực so với một số tương đương trong kinh tế học đóng. Paul Krugman thường xuyên cho thấy một sự quan tâm và kiến ​​thức về lịch sử, mà ông ứng dụng một cách hiệu quả; thậm chí đừng để tôi bắt đầu nói về Ron Findlay, v.v. Tiếp tục đọc

Hướng tới một sự thay đổi hệ chuẩn trong kinh tế học?

Cyril Hédoin
Cyril Hédoin

Hướng tới một sự thay đổi hệ chuẩn trong kinh tế học?

Thư trả lời gửi đến James K. Galbraith

Cyril Hédoin, ngày 06 Tháng tư 2010

Sự hồi sinh của lý thuyết kinh tế xuất phát từ đâu? Từ vùng biên hay từ vùng trung tâm của lí thuyết này? Để trả lời tiểu luận của James K. Galbraith, Cyril Hédoin cho rằng kinh tế học tự thân đã mang trong lòng nó những cách tiếp cận mang tính cách tân cho phép hiểu được những hiện tượng như cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong bài báo của ông “Nhưng những nhà kinh tế đó, họ là ai?“, James K. Galbraith tiến hành làm rõ ai là những nhà kinh tế đã có đủ sự sáng suốt để báo trước cuộc khủng hoảng tài chính. Galbraith bảo vệ luận thuyết cho rằng các nhà kinh tế đó không ở nơi mà người ta mong đợi, có nghĩa là ở vùng trung tâm của kinh tế học. Ngược lại, người ta phải tìm họ ở vùng biên, hoặc thậm chí ở bên ngoài lĩnh vực kinh tế học hàn lâm.

Như ông đã giải thích rõ cho đọc giả, danh sách các nhà kinh tế mà ông đưa ra hoàn toàn chưa phải là đầy đủ. Dĩ nhiên nó được xác định một phần bởi sự nhạy cảm và sự hiểu biết của tác giả. Một cách lộn xộn, Galbraith viện dẫn những cái tên sau đây: Dean Baker, Hyman Minsky, Wynne Godley hay Gary Dimsky. Các tác giả trên có những nguồn gốc trí thức khác nhau, nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, theo Galbraith, là có khả năng dự đoán cuộc khủng hoảng tài chính, hoặc trong trường hợp của Minsky (mất năm 1996), đã cung cấp những công cụ lý thuyết để hiểu được các cơ chế của sự bất ổn tài chính. Các tác giả trên cũng có một điểm chung khác: họ không xuất phát từ vùng trung tâm của nghề nghiệp, điều mà một số người đôi khi còn gọi là “dòng chính thống” (“mainstream”) hay một cách vụng về hơn là “lý thuyết tân cổ điển“. Nền tảng trong lập luận của Galbraith là nhận định trên chỉ cho biết, hoặc làm hiển nhiên hơn, sự việc cho rằng kinh tế học từ lâu đã đi sai đường. Do đó, vấn đề quan trọng là nhân cơ hội cuộc khủng hoảng tài chính này mà trở lại đúng đường, thậm chí cho dù phải đoạn tuyệt hoàn toàn với khoa học chuẩn định. Như Galbraith đã viết ở phần cuối của bài báo ông: “Do đó, không cần thiết phải giới hạn các cuộc thảo luận trong phạm vi hẹp của một môn khoa học kinh tế truyền thống. Vấn đề cấp bách ở đây là mở rộng nhiều hơn nữa không gian học thuật và tầm nhìn của công chúng đối với những công trình thực sự hữu ích để đối phó với những vấn đề sâu sắc về kinh tế trong thời đại của chúng ta. […] Ý tưởng không phải là tranh luận bất tận về vấn đề kẻ tám lạng và người nửa cân, mà là vượt qua những cuộc tranh cãi về vỏ dưa và vỏ dừa nằm bên ngoài các cuộc tranh cãi ấy, nơi có những giải pháp nhất quyết nằm ở đâu đó, và đúng thực sự đang ở đó.” Tiếp tục đọc