Ba thần tượng của bộ lạc sử gia (1903)

BA THẦN TƯỢNG CỦA BỘ LẠC SỬ GIA (1903)

Tác giả: François Simiand*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Như mọi suy tư đã tạo ra các cuộc cách mạng về nhận thức khoa học, trường phái Annales* và cái dự án sáng tạo mà nó đề xuất đã không xuất hiện từ hư vô, chứng cớ là ​​văn bn chuẩn bị cho những đổi mới của Tạp chí Annales này, đến từ François Simiand (1873-1935)[1].

Tác giả là nhà xã hội học theo trường phái “duy xã hội (sociologisme)” của Émile Durkheim*. Một mặt, lối tiếp cận xã hội học này đã chuyển tâm điểm của đối tượng nghiên cứu lịch sử từ cá nhân sang tập thể một sự di dời quan trọng, bởi ngoài sự phá vỡ các thói quen đã bám rễ lâu đời, nó còn kéo theo nhiều thay đổi nữa, từ phương pháp đến lý thuyết. Mặt khác, bó buộc phải chú ý đến những công trình khoa học nhân văn và xã hội lân cận đã góp phần mở ra và nhân lên các công trình nghiên cứu đa khoa hay liên khoa. Trong sử học, hành động cá nhân, và sự kiện hay biến cố đơn lẻ, được đặt vào một bối cảnh lớn hơn, rộng hơn, sâu hơn của hiện thực xã hội và lịch sử. Ở Simiand, đổi mới này được thể hiện chủ yếu thông qua nhận thức về tác động quyết định của những yếu tố kinh tế. Tiếp tục đọc

Bốn thần tượng cản trở tri thức khách quan (F. Bacon, 1620)

BỐN THẦN TƯỢNG CẢN TRỞ TRI THỨC KHÁCH QUAN (F. BACON, 1620)

Tác giả: Francis Bacon*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

39 – Có bốn loại Thần Tượng[1] vây hãm trí tuệ con người. Để phân biệt rõ ràng, chúng tôi đã đặt cho chúng bốn tên khác nhau, gọi loại thứ nhất là Thần Tượng Bộ Lạc, loại thứ hai là Thần Tượng Hang Động, loại thứ ba Thần Tượng Hội Chợ, và loại thứ tư là Thần Tượng Rạp Tuồng.

40 – Sự rút tỉa [từ hiện thực] những ý niệm và định luật[2] bằng phép quy nạp đúng đắn là biện pháp thích hợp nhất để tránh gặp phải các thần tượng và loại trừ chúng. Tuy nhiên, sự nhận diện và tố cáo các loại thần tượng [của trí tuệ] này vẫn là điều vô cùng hữu ích, bởi vì trong việc diễn giải thiên nhiên, học thuyết về thần tượng cũng đóng một vai trò giống như học thuyết về các ngụy lý[3] cần phải phản bác trong logic học phổ thông.

41 – Thần tượng Bộ Lạc[4] có nền tảng ngay từ bản chất con người, từ bộ lạc, hay chủng loại người. Nói rằng giác quan của con người là thước đo của vạn vật[5] là một khẳng định sai lầm; ngược lại, mọi nhận thức của ta, bằng giác quan cũng như bằng tinh thần, đều biến thiên theo kích thước của mỗi cá nhân, chứ không phải theo kích thước của vũ trụ. Và sự hiểu biết của con người cũng giống như một tấm gương biến dạng, nó tiếp nhận những tia sáng từ mọi vật, rồi làm cho chúng méo mó và mất sắc màu, bằng cách trộn lẫn bản chất con người vào với bản chất của sự vật. Tiếp tục đọc

Giá trị khai phóng của Khoa Học

GIÁ TRỊ KHAI PHÓNG CỦA KHOA HỌC

Nguyễn Xuân Xanh

Chính tính khí của bộ phận nóng nảy và mê tín của nhân loại trong những vấn đề tôn giáo luôn luôn thích thú những điều huyền bí, và vì lý do này, họ thích nhất những gì họ ít hiểu nhất.

Isaac Newton

Tương lai của nền văn minh của chúng ta tùy thuộc vào sự truyền bá rộng rãi và sự bám sâu thói quen khoa học của tinh thần.

John Dewey

Khoa học hiện đại, cũng như đại học, là sản phẩm độc nhất vô nhị của nền văn minh phương Tây không nơi nào khác có. Đó là điều vẫn còn làm ngạc nhiên với đầy cảm hứng cho những ai suy nghĩ về nó. Nếu nói rằng nền khoa học có cái nôi ở Hy Lạp cổ đại, điều đó đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Bởi vì, tuy Hy Lạp có một nền văn minh khoa học sáng chói hơn bất cứ nơi đâu, nhưng không phải nền văn minh đó đã phát triển suôn sẻ theo đường thẳng từ Cổ đại qua Trung cổ, đến Phục Hưng và Hiện đại, mà nó đã phải trải qua những giai đoạn chấn động, được “thương yêu và ghét bỏ”. Nhưng cuối cùng, những con người được lớn lên trong truyền thống yêu chân lý, đi tìm chân lý không khoan nhượng, luôn luôn gìn giữ lý tính trong sáng không để nó bị “mua chuộc” hay thối nát, đã khám phá ra được khoa học hiện đại. Tiếp tục đọc

Sự kiện xã hội và sự kiện tâm lý (1895)

SỰ KIỆN XÃ HỘI VÀ SỰ KIỆN TÂM LÝ (1895)

Tác giả: Émile Durkheim*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Émile Durkheim (1858-1917)

[…] Một giải thích thuần túy tâm lý về các sự kiện xã hội không thể tránh làm thất thoát tất cả những gì là đặc trưng của chúng, nghĩa là tính chất xã hội[i]. Điều đã che mắt từng ấy nhà xã hội học về sự bất cập của phương pháp này là bởi họ thường gán cho các hiện tượng xã hội một số trạng thái tâm lý tương đối xác định và đặc biệt như điều kiện quyết định, trong khi trên thực tế chúng chỉ là kết quả – nghĩa là do họ thường lấy hậu quả làm nguyên nhân. Chính do cách xử lý này mà một ý thức nào đó về tôn giáo, một sự ghen tuông tính dục tối thiểu, lòng hiếu thảo, tình yêu gia đình, v.v. đã được cho là bẩm sinh nơi con người; hơn thế nữa, cũng chính qua chúng mà người ta muốn giải thích tôn giáo, hôn nhân, gia đình. Nhưng lịch sử cho thấy rằng, khác xa với bản chất con người, các khuynh hướng này hoặc hoàn toàn vắng mặt trong một số hoàn cảnh xã hội nhất định, hoặc phơi bày nhiều biến thể khi chuyển từ xã hội này sang xã hội khác, tới mức là sau khi đã loại bỏ tất cả những khác biệt ấy, cái còn giữ lại được và duy nhất có thể được cho là có nguồn gốc tâm lý, bị giảm sút xuống tầm một thứ gì đó rất mơ hồ và sơ sài, cách biệt với những sự kiện cần giải thích một khoảng vô tận. Như vậy chính những tình cảm này là kết quả của tổ chức tập thể, chứ không phải là cơ sở của nó. Thậm chí, cái xu hướng sống hòa đồng thành xã hội ngay từ đầu cũng chưa hề được chứng minh như một bản năng bẩm sinh của loài người. Nhìn thấy ở đấy một sản phẩm của đời sống xã hội đã dần dần được tổ chức trong ta còn tự nhiên hơn nhiều, bởi vì sự quan sát cho ta thấy rằng sự kiện động vật sống hòa đồng được hay không còn tùy thuộc vào việc bố trí môi trường sống của chúng; nó buộc chúng phải sống chung hay khiến chúng sống biệt lập với nhau. […] Sự đóng góp của tâm lý là quá tổng quát để quy định trước tiến trình của các hiện tượng xã hội. Và bởi vì nó chẳng bao hàm một hình thức xã hội này hơn là hình thức xã hội khác, nó không có khả năng giải thích bất kỳ hình thức nào cả. […] Tiếp tục đọc

Lịch sử của khoa học có ích cho ngay chính sự tiến bộ của khoa học (1926)

LỊCH SỬ CỦA KHOA HỌC CÓ ÍCH CHO NGAY CHÍNH SỰ TIẾN BỘ CỦA KHOA HỌC (1926)

Tác giả: Paul Langevin[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Paul Langevin (1872-1946)
Louis-J. Thénard (1777-1857)

Thời còn là sinh viên tại Ecole Normale (Trường Sư phạm)*, tôi đã phải làm một bài giảng về hyđro peoxit, như chúng tôi đều vẫn phải lần lượt làm. Sách giáo khoa – loại “giáo lý” đáng ngưỡng mộ của khoa học thực nghiệm – đã cho biết mọi đặc tính vật lý của nó, cũng như những phản ứng mà chất thể này có thể tạo ra, v.v.. Nhưng tôi lại có ý tham khảo các báo cáo khoa học của Thénard[2] là người đã khám phá ra hyđro peoxit kia! Đọc những trước tác đáng ngưỡng mộ này – dù tuổi đã hơn một thế kỷ mà ngay cả ngôn từ sử dụng vẫn còn là yến tiệc thực sự –, tôi chợt nhận ra rằng những điều thú vị nhất, đặc biệt là cách Thénard đã được đặt lên con đường khám phá, cũng như những suy tư rất sâu sắc và rất thời sự của ông về cơ chế oxy hóa, đều bị bỏ qua một cách cẩn thận trong loại thông tin gián tiếp mà chúng ta thường nhận được ngày nay. Những gì đã thấm qua được sự gạn lọc của nhiều thế hệ tác giả sách giáo khoa đều ít thú vị hơn nhiều. Khổ thay, chúng lại quá thường xuyên là như vậy; tốt hơn là nên quay lại đầu nguồn, tiếp xúc càng thường xuyên và đầy đủ càng tốt, với những người đã làm ra khoa học, những kẻ hơn ai hết đã định hình khía cạnh sống động nhất của khoa học. Tiếp tục đọc

Khoa học Tạp chí và nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu (I)

KHOA HỌC TẠP CHÍ VÀ NHÀ KHOA HỌC NGUYỄN CÔNG TIỄU (I)

Facebook của Diễn Đàn – Forum sẽ đưa lên một số bài viết trong Giai phẩm Xuân 2019. Riêng hai bài viết của tôi trong đó, bài này và bài giới thiệu cuốn sách “Làng báo Sài Gòn 1916-1930” của Philippe Peycam, sẽ đưa thẳng lên đây.

Bài này cũng sẽ được đưa thành hai phần, phần đầu dưới đây viết về tờ Tạp chí Khoa học này, Tiểu sử cụ Nguyễn Công Tiễu tách riêng thành phần II (tức là phần Nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu dưới đây – PTKT).

Đây cũng là bài thứ hai tôi viết về các tạp chí phổ biến khoa học của VN đầu thế kỷ 20 (không phải tạp chí khoa học phổ biến, Duong Tu!). Bài đầu cũng đã đưa lên Phây, ở đây:

https://www.facebook.com/notes/ha-duong-tuong/%C4%91i-t%C3%ACm-t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ph%E1%BB%95-bi%E1%BA%BFn-khoa-h%E1%BB%8Dc-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam/1142732335745750/

Xin mời các bạn quan tâm vào đọc (hay đọc lại!).

Thực ra, đề tài các tạp chí phổ biến khoa học của Việt Nam đủ rộng và có thể khơi lên nhiều vấn đề về văn hoá, tri thức (và trí thức) của người Việt cần được nghiên cứu sâu, nhưng sức tôi có hạn, chỉ mong có các bạn trẻ nhảy vào (dư chỗ để làm một hay vài ba luận án tiến sĩ về Lịch sử Khoa học, một lĩnh vực cần thiết nhưng theo tôi hiểu chưa từng được quan tâm ở trong nước).

Vài lời ngắn ngủi, mong được chỉ giáo. Tiếp tục đọc

Giả thuyết xưa như quy chiếu sai cho các lý thuyết hiện đại (1759)

GIẢ THUYẾT XƯA NHƯ QUY CHIẾU SAI CHO CÁC LÝ THUYẾT HIỆN ĐẠI (1759)

Tác giả: Jean-Baptiste Le Rond d’Alembert*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

d’Alembert (1717-1783)

Đúng là các giả thuyết khác nhau mà người hiện đại nghĩ ra để giải thích hệ thống thế giới đều đã được người xưa tưởng tượng ra trước; và nếu chúng ta coi như, trong loại giả thuyết này, những cái có vẻ là thực đều có khả năng hiện ra một cách khá tự nhiên trong tâm trí, chúng ta sẽ không ngạc nhiên thấy rằng sự kết hợp các ý tưởng tổng quát sẽ phải sớm cạn kiệt thôi, và bởi một thứ cách mạng bó buộc, cái này sẽ thay thế cái kia một cách liên tục. Có lẽ chính vì lý do đó mà ngày nay chúng ta hầu như không có trong môn Vật lý của ta một nguyên tắc tổng quát nào mà lời phát biểu, hoặc ít ra là mầm mống của nó, đã không được tìm thấy nơi những tác giả xưa. […] Dù sao, những gì người xưa từng tưởng tượng về hệ thống thế giới, hoặc ít ra những gì còn lại trong ý kiến ​​của họ về nó, đều rất mơ hồ và được chứng minh rất tệ, đến mức ta không thể rút ra từ chúng bất kỳ một tia sáng thực sự nào. Ta không hề tìm thấy ở đấy những chi tiết cụ thể, chính xác và sâu sắc, vốn luôn luôn là nền tảng của tính chân lý của một hệ thống; một số tác giả ưng gọi chúng là thiết bị, nhưng những chi tiết cụ thể này thực sự là cơ thể và chất nền của hệ thống, bởi vì chúng chứa đựng những bằng chứng tinh tế nhất và không thể bài bác được của nó, và vì vậy mới đúng là cái đã làm cho việc xây dựng hệ thống là khó khăn và đáng giá. Có gì nguy hại cho danh dự của Kopernik* đâu, khi một số triết gia cổ đại từng tin vào sự chuyển động của trái đất trước ông, nếu các bằng chứng họ đưa ra là hoàn toàn không đủ để ngăn cản phần đông người đương thời tin rằng mặt trời quay quanh trái đất? Có gì đe dọa sự vinh quang của Newton* đâu, nếu Empedoklês* hoặc những người khác từng có một số ý tưởng mơ hồ, với dạng hình bất định, về hệ thống lực hấp dẫn, nếu các ý tưởng này hoàn toàn thiếu vắng những chứng cớ cần thiết để hỗ trợ chúng? Nhận nợ từ Triết học cổ đại cho những giả thuyết và ý kiến ​​của chúng ta, như một nhà khoa học lừng lẫy đã làm, tưởng rằng hành động như thế là trả thù cho sự miệt thị bất công của ta đối với nó, chỉ là điều vô ích, bởi vì các nhà khoa học thực sự và những đầu óc tinh anh không bao giờ có sự khinh miệt ấy đối với triết học cổ đại. Luận văn của ông về chủ đề này, theo tôi, chẳng gây thiệt hại gì cho người hiện đại, cũng chẳng mang lại vinh quang gì cho người xưa, mà chỉ gây nhiều tai tiếng cho sự uyên bác và tỏa sáng của chính tác giả. Tiếp tục đọc

Nhân ngày phụ nữ quốc tế: Madame Roland

NHÂN NGÀY PHỤ NỮ QUỐC TẾ: MADAME ROLAND

Nguyễn Xuân Xanh

Cách mạng ăn thịt con của nó như Saturn[1]

Pierre Vergniaud/Georg Büchner

Nếu chúng ta không chết cho tự do, chúng ta sẽ nhanh chóng không còn gì để làm ngoài việc than khóc nó.

Madame Roland

Chân dung của Madame Roland (1754-1793)

Lời nói đầu. Bài ngắn này được viết năm 2013, tức 5 năm trước, nay được bổ sung đôi chút. Xin giới thiệu với bạn đọc. Đây chưa phải xứng đáng là một bài giới thiệu tấm gương vĩ đại của nhân vật. Lịch sử của bà là vô cùng lôi cuốn. Tiếp tục đọc

Đồng cảm (khái niệm)

ĐỒNG CẢM

Tác giả: Bruno Bettelheim*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Từ tương đương với đồng cảm là empathy (Anh) hay empathie (Pháp). Dù xuất phát từ empatheia của Hy Lạp cổ đại (với nghĩa khác là đam mê, nhiệt tình), hay chỉ mới được nhà tâm lý học Anh-Mỹ G. G. Titchener (1867-1927) dịch từ Einfühlung của Đức trong khoảng thế kỷ XIX-XX, empathy chỉ sự hiểu biết người khác thông qua cảm thông nhờ cùng chia sẻ những tình cảm chung của con người, hay phương thức tìm hiểu kẻ khác bằng cách tự đặt mình vào chỗ của họ. Ngày nay, đồng cảm là khái niệm nền tảng của nhiều triết phái, cũng như của hầu hết các bộ môn khoa học nhân văn và xã hội. Tiếp tục đọc

Lịch sử, “sàn diễn của những cá nhân vĩ đại”

LỊCH SỬ, “SÀN DIỄN CỦA NHỮNG CÁ NHÂN VĨ ĐẠI”

Tác giả: Antoine-Augustin Cournot*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Lịch sử là sàn diễn của những cá nhân vĩ đại. Nhiệm vụ chủ yếu của tâm lý học là giải thích xem cuộc sống của xã hội đã được phản ánh trong việc giáo dục cá nhân như thế nào, còn nhiệm vụ của sử học là chỉ cho ta thấy những con người ưu việt đã tác động lên xã hội ra sao – nghĩa là đã nâng cao mức trung bình của trí tuệ (khai dân trí), vực dậy ý thức và lòng dũng cảm của dân chúng khi chúng tụt đến đáy vực thẳm của biếng nhác và đồi bại (chấn dân khí) như thế nào. Nhưng nếu quả vậy, như chúng ta đều không thể nghi ngờ, thì khi tính ưu việt cá nhân ngày càng phôi pha trong các xã hội tuổi tác, hay khi ảnh hưởng của những người con ưu tú này ngày càng mờ nhạt dần, thì thanh điệu của quốc sử cũng như lòng tha thiết với quốc sử, tất yếu cũng đều rơi xuống mức u trầm. Khi sức mạnh của con người biến mất trước các lực lớn của thiên nhiên, trong số đó ta phải kể cả loại vận động quần chúng mù quáng, thì nhiệm vụ của lịch sử là cho ta nghe và thấy, thông qua loại nguyên nhân nhỏ mà con người còn làm chủ nào, những đám cháy lớn đã bắt lửa, và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người – nhưng nói chung thì ở đây báo chí là đủ[1]. Giai đoạn này phải xảy ra, ngay cả khi nhờ những định chế tốt, người ta có khả năng thay thế phần nào tác động bổ ích của những cá nhân ưu tú, và chặn đứng sự tụt xuống quá thấp các mức trung bình đang bị chấm điểm tệ như vậy trong mọi lĩnh vực. Các cuộc triển lãm thế giới và đoàn hợp xướng[2] không ban tặng năng khiếu sáng tạo cho nhà cơ khí, họa sĩ và nhạc sĩ. Chăm lo việc phổ biến giáo dục cơ bản sẽ luôn luôn là điều tốt đẹp, nhưng nó sẽ không tạo ra các thiên tài, anh hùng hay thánh nhân[3]; nó không miễn trừ sự tồn tại của tòa án và hiến binh; và quốc gia nào trông cậy vào một ông giáo làng[4] để phục hồi cái ưu thế đánh mất, sẽ gặp rủi ro là được tha hồ thỏa mãn với những vọng tưởng. Tiếp tục đọc