Cha đẻ của nghiên cứu về vi nhựa kể về 20 năm nghiên cứu ô nhiễm và cuộc chiến kêu gọi hành động toàn cầu

‘NHÌN ĐÂU CHÚNG TÔI CŨNG TÌM THẤY BẰNG CHỨNG: CHA ĐẺ CỦA NGHIÊN CỨU VỀ VI NHỰA KỂ VỀ 20 NĂM NGHIÊN CỨU Ô NHIỄM VÀ CUỘC CHIẾN KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU

Đại học Plymouth, CC BY-ND

Ba mươi năm trước, khi đếm hà, sên biển và rong biển dọc theo các bờ đá, tôi bắt đầu để ý tới lượng rác thải khổng lồ dạt vào bờ mỗi ngày, chủ yếu là nhựa. Là một nghiên cứu sinh tiến sĩ về sinh học biển tại Đại học Liverpool, tôi liên tục dọn sạch rác, nhưng đến hôm sau, chúng còn (dạt vào) nhiều hơn.

Giờ đây, tôi là chuyên gia quốc tế hàng đầu về vi nhựa, một thuật ngữ tôi đặt ra vào ngày 7 tháng 5 năm 2004 để mô tả những mảnh nhựa có kích thước nhỏ bằng một phần triệu mét. Đối với tôi, khi làm việc để giúp giảm bớt tình trạng ô nhiễm nhựa trên hành tinh của chúng ta, các giải pháp trở nên rõ ràng.

Các cơ quan quản lý, chính phủ và người dân đều cần khẩn trương chặn đứng tận gốc làn sóng ô nhiễm nhựa bằng cách giảm sản xuất nhựa. Tuy nhiên, tôi vừa trở về từ cuộc đàm phán về hiệp định toàn cầu về nhựa ở Ottawa, Canada, và thật thất vọng khi chứng kiến sự thiếu đồng thuận giữa các quốc gia về cách giải quyết vấn đề toàn cầu này.

Ám ảnh bởi quy mô ô nhiễm nhựa lần đầu mình chú ý đến tại bãi biển hồi năm 1993 đó, tôi thấy bản thân buộc phải hành động. Tôi đã tuyển sinh viên và cộng đồng địa phương tham gia hoạt động làm sạch bãi biển hằng năm của Hiệp hội Bảo tồn Biển. Chúng tôi đã ghi lại những gì mình tìm thấy trên các biểu mẫu in sẵn.

Hồi đó, một công cụ mới để tổng hợp dữ liệu vừa ra mắt: bảng tính Excel. Tinh thần khoa học đang nhen nhóm trong lòng đã thôi thúc tôi lập bảng kê những gì chúng tôi đã dọn sạch, dựa vào các danh mục trên các biểu mẫu in sẵn bao gồm chai, túi, dây thừng và lưới. Đột nhiên, tôi chợt nhận ra rằng phần lớn những mảnh rác (mà chúng tôi đã dọn) không thuộc về danh mục nào cả. Những mảnh vỡ của các vật dụng bằng nhựa lớn hơn, có vẻ chiếm số lượng lớn nhất, lại không được ghi lại. Tôi tò mò và tự hỏi những mảnh nhựa nhỏ nhất trên bờ là gì.

Richard Thompson nhận ra rằng sự xuống cấp cơ học của các mảnh nhựa lớn, có thể nhìn thấy được sẽ dẫn đến sự tích tụ các hạt vi nhựa nhỏ trong môi trường. Đại học Plymouth, CC BY-ND

Vài năm sau đó, khi bắt đầu giảng dạy, tôi thách các sinh viên của mình tìm ra những mảnh nhựa nhỏ nhất trên bãi biển. Nhìn vào những hạt cát, chúng ở đó – những sợi nhỏ màu xanh và đỏ và các mảnh vỡ.

Sau đó là một cuộc hành trình gần như (điều tra) hình sự để xác nhận danh tính của chúng. Phối hợp với một nhà hóa học polyme, chúng tôi xác nhận các mảnh nhỏ là các polyme nhựa thông thường – polyetylen, polypropylen, polyvinyl clorua (PVC) – có lẽ được hình thành thông qua quá trình phân hủy cơ học và tích tụ thành các mảnh vỡ hơn cả hạt cát.

Tôi bị cuốn vào việc khám phá thêm về dạng ô nhiễm mới này. Ban đầu, khi làm việc với các sinh viên sau đại học tại Đại học Plymouth nơi tôi đang giảng dạy lúc đó, chúng tôi phát hiện ra rằng những mảnh này rất phổ biến trên bờ và trong bùn dưới đáy biển và chúng tôi có bằng chứng cho thấy sinh vật biển đã ăn chúng. Đáng báo động nhất, chúng tôi đã dùng những mẫu sinh vật phù du được thu thập từ nhiều thập kỷ trước để chứng minh rằng độ phong phụ của vi nhựa đã tăng lên đáng kể kể từ những năm 1960 và 1970.

Tôi đã tổng hợp gần cả thập kỷ nghiên cứu này thành một bản tóm tắt dài một trang có tựa đề “Lạc trên biển cả: Tất cả nhựa đi đâu?” Bài báo đó, được xuất bản trên tạp chí Khoa học 20 năm trước, là bài báo đầu tiên sử dụng thuật ngữ vi nhựa trong bối cảnh này. Trong vòng vài tuần, nó đã thành chuyện được đưa tin khắp thế giới.

Mọi người đều muốn biết liệu vi nhựa có hại hay không. Tôi đã bắt đầu xác lập phạm vi phân bố rộng hơn và xác định xem liệu chúng (vi nhựa) có thể gây hại cho con người và động vật hoang dã hay không.

Bất chấp sự quan tâm lớn của giới truyền thông và chính sách, việc gây quỹ vẫn đầy thách thức. Một nhà phê bình ẩn danh nhận xét rằng sẽ chẳng bao giờ có đủ nhựa trong đại dương để gây ra kiểu tác hại mà Thompson muốn tìm ra. Trong những năm sau đó, tôi và nhóm của mình đã chứng minh rằng vi nhựa rất phổ biến trên các bờ biển trên toàn thế giới, chúng đầy rẫy ở vùng biển sâu, trong băng ở biển Bắc Cực và trong nhiều loài cá. Vi nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường biển. Chúng còn hiện diện ở những dòng sông và trong băng tuyết gần đỉnh Everest. Nhìn đâu chúng tôi cũng thấy bằng chứng về vi nhựa.

Richard Thompson lần đầu tiên nhận thấy hạt vi nhựa trôi dạt vào bãi biển vào năm 1993 và kể từ đó nghiên cứu của ông đã tập trung vào chúng. Đại học Plymouth, CC BY-ND

Đến năm 2008, thuật ngữ vi nhựa được nhấn mạnh trong chỉ thị khung chiến lược biển hàng đầu của EU, một chính sách được đưa ra nhằm duy trì hệ sinh thái biển sạch, khỏe mạnh, có năng suất và có khả năng phục hồi. Trong đó quy định rằng “số lượng nhựa và vi nhựa không được gây hại cho môi trường biển”.

Chúng tôi đã chứng minh rằng, nếu bị nuốt phải, vi nhựa có thể chuyển từ ruột đến hệ tuần hoàn của loài trai và các hạt nano đó có thể đi qua cơ thể sò điệp trong vòng vài giờ. Chúng tôi đã chứng minh được khả năng (vi nhựa) mang hóa chất vào động vật hoang dã và xác nhận rằng sự hiện diện của vi nhựa có thể gây ra hậu quả tiêu cực, làm giảm khả năng tăng cân của sinh vật.

Một ủy ban kiểm toán môi trường của quốc hội Vương quốc Anh đã yêu cầu bản báo cáo đặc biệt về vi nhựa vào năm 2016. Tôi được yêu cầu đưa ra bằng chứng và có lẽ được thúc đẩy bởi những nhận xét từ các đồng nghiệp của tôi, nghị sĩ Mary Creagh đã gọi tôi là “cha đẻ của vi nhựa” và danh xưng này đã trở nên phổ biến trong công chúng.

Giờ đây có hàng nghìn nghiên cứu về hạt vi nhựa được các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới công bố. Các biện pháp can thiệp chính sách từ công trình này bao gồm lệnh cấm sử dụng các hạt vi nhựa trong mỹ phẩm làm sạch của Vương quốc Anh và luật cấm cố ý bổ sung vi nhựa vào các sản phẩm của EU, điều có thể đã ngăn chặn hàng trăm nghìn tấn vi nhựa xâm nhập vào môi trường.

Lệnh cấm dẫn đến việc loại bỏ dần các hạt vi nhựa được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm như thế này. Hàng trên cùng hiển thị các hạt vi nhựa được tìm thấy trong các sản phẩm trong năm 2015, bên dưới là các sản phẩm từ năm 2018 sau quy định mới. Đại học Plymouth, CC BY-ND

Tuy nhiên, nguồn vi nhựa lớn nhất là sự phân mảnh của các vật lớn hơn trong môi trường. Vì vậy, cuối cùng, chúng ta cần phải hành động để giảm việc sản xuất nhiều loại sản phẩm bằng nhựa hơn là chỉ những sản phẩm có chứa hạt vi nhựa.

Nếu không hành động, sản lượng nhựa có thể tăng gấp ba vào năm 2060. Tuy nhiên, một số quốc gia dường như đang đi theo con đường gia tăng thay vì giảm sản lượng.

Đàm phán hiệp ước

Tuần trước, tôi đã ở Ottawa, nơi 180 quốc gia tranh luận về nội dung của hiệp ước ô nhiễm nhựa toàn cầu, một văn bản có hơn 60 tài liệu tham khảo về vi nhựa.

Có thể làm gì để ngăn chặn sự tích lũy này? Hạt vi nhựa gần như không thể loại bỏ được. Ngay cả đối với những món đồ lớn hơn, việc dọn sạch chúng cũng không giải quyết được vấn đề. Các vật liệu mới như nhựa phân hủy sinh học có thể hữu ích trong những trường hợp cụ thể nhưng sẽ không giải quyết được ô nhiễm nhựa.


Đọc thêm: Hiệp ước về nhựa toàn cầu sẽ chỉ có hiệu lực nếu giới hạn trần sản lượng, theo kết quả mô hình hóa


Tôi rời cuộc đàm phán với cảm xúc lẫn lộn. Vui mừng vì cộng đồng khoa học đã cung cấp đủ bằng chứng xác thực – bao gồm cả một số nghiên cứu của riêng tôi – về ô nhiễm nhựa để khởi xướng nhu cầu về hiệp ước toàn cầu này. Thật đáng buồn khi 180 quốc gia gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận về con đường phía trước. Các cuộc đàm phán đã thất bại trong việc quy định rằng ngay cả các nhà khoa học độc lập cũng nên được đưa vào các nhóm chuyên gia chính thức.”

Giống như nhiều nhà khoa học đã giúp đưa ra bằng chứng về tác hại, thật vô cùng khó chịu khi có khả năng bị gạt ra ngoài một quy trình quốc tế hy vọng sẽ đưa ra được giải pháp. Một số người có thể thấy khó chấp nhận – tôi thấy một đại biểu cầm chai nước nhựa dùng một lần sau lưng trong khi đàm phán. Trái ngược với kết quả của các cuộc thảo luận khuya khoắt ở Ottawa, trọng tâm phải là phòng ngừa bằng cách giảm sản lượng nhựa polyme trên toàn cầu và đảm bảo mọi mặt hàng nhựa chúng ta sản xuất đều thiết yếu, an toàn và bền vững.

Tác giả

Richard Thompson

Richard Thompson

Giáo sư Sinh học Biển, Đại học Plymouth

Tuyên bố công khai

Richard Thompson đã nhận được tài trợ từ Leverhulme Trust, NERC, ESRC, Defra, EU và National Highway. Ông là điều phối viên của Liên minh các nhà khoa học về Hiệp ước nhựa hiệu quả do Trung tâm kiến thức quốc tế chống ô nhiễm nhựa chủ trì.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: ‘Everywhere we looked we found evidence’: the godfather of microplastics on 20 years of pollution research and the fight for global action, The Conversation, May 3, 2024.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.