Hegel nói về Trung Hoa, Khoa học và Tinh thần phương Đông

HEGEL NÓI VỀ TRUNG HOA, KHOA HỌC VÀ TINH THẦN PHƯƠNG ĐÔNG

W. F. Hegel (1770-1831)

Lời nói đầu. Bài này tôi đã thực hiện khoảng năm 2010 và được đăng trong số Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm, tr. 461-467. Nó có phần abstract tiếng Anh và phần tóm tắt tiếng Việt. Tôi vẫn giữ nguyên. Tôi đăng lại và vẫn giữ nguyên nội dung, trước nhu cầu hiện nay muốn hiểu về Trung Quốc.

Mô hình hiện tại của Trung Quốc vẫn dựa trên mệnh lệnh của một người mà quyền lực tương đương với hoàng đế thuở trước. Ông khôn ngoan hơn, biết phát triển kinh tế thị trường (theo Adam Smith) đồng thời ra sức kích thích nghiên cứu khoa học công nghệ bằng nhiều chính sách đầu tư có định hướng, một loại bàn tay hữu hình, để phục vụ cho kinh tế và làm cho nó có tính ưu việt, biết nghiên cứu và áp dụng những kinh nghiệm và thành tựu của các quốc gia phương Tây đi trước rồi làm cho tốt hơn một cách tham vọng. Trong khi đó, truyền thống của phương Tây là dựa vào sự sáng tạo cá nhân của dân chúng là chính, nguồn sáng tạo muôn đời đã tạo ra nhiều cuộc cách mạng, như cách mạng khoa học, cách mạng công nghiệp, và những cuộc cách mạng như thế trong thế kỷ 20 – vì lợi ích chính của cá nhân, self-interest, trước tiên, nhưng thông qua bàn tay vô hình của Adam Smith, lại phục vụ lợi ích chung rất lớn. Bàn tay hữu hình của họ cũng có, như sự đầu tư có tính entrepreneurial, của các quốc gia phát triển vào công nghệ lõi đi trước thời cuộc như Hoa Kỳ thời Thung lũng Silicon, hay các quốc gia phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sau đó, được xem như một phần của nhà nước kiến tạo phát triển của các quốc gia đi đầu của Đông Á, nhưng không phải có tính chất “chỉ huy chủ nghĩa” như ở Trung Quốc. Và cũng không phải để đổi lấy tự do dân chủ của người dân. Mà ngược lại. Chỉ có trong tự do khoa học đích thực mới phát triển được. Hy lạp cổ đại thời Khai sáng Ionia sáu thế kỷ trước Công nguyên là nền tảng và mẫu mực, cái nôi của khoa học phương Tây. Người dân phương Tây tự chủ, tự-hành động, tự-ý thức, và có lòng yêu thích khoa học, sáng tạo, như Hegel nói, và là cái bể sáng tạo muôn đời. Khoa học đã từng tắt đi cả ngàn năm rồi cũng tự động sáng lại cùng với các đại học Trung cổ, không phải chỉ chờ sự kích thích từ minh quân. Kant viết trong cuộc Tranh cãi của các khoa: “Chỉ có một yêu cầu khiêm tốn là được tự do, và chỉ tự do thôi, để tìm ra chân lý, điều có lợi cho khoa học và cho các phân khoa khác (ứng dụng), và chân lý đó đối với chính quyền không có gì phải nghi ngờ và cũng không thể thiếu được.” Tìm hiểu Trung Quốc vẫn còn là đề tài ở phía trước.

Abstract. In his “Lectures on Philosophy of History” (1822-1830) Hegel examined Chinese society’s social-political structure and mentality of Chinese people developed under the despotism and argued among other things why Chinese scientific spirit couldn’t develop as in western Europe. There is in China absolute egality, but not freedom. The emperor is like the sun, which people have to turn around. He is chief both in religious affairs and in science. Hegel also examined the ‘oriental spirit’ in his historical-political studies at Frankfurter time. The lack of freedom is the key to understanding the oriental society. “World history is the record of the spirit’s efforts to attain knowledge of what it is in itself. The Orientals do not know that the spirit or man as such are free in themselves. And because they do not know that, they are not themselves free. They only know that One is free…. The consciousness of freedom first awoke among the Greeks, and they were accordingly free; but, like the Romans, they only knew that Some, and not all men as such, are free…. The Germanic nations, with the rise of Christianity, were the first to realize that All men are by nature free, and that freedom of spirit is his very essence”. We translate some extracts.

Tóm tắt. Hegel đã có một số bài viết về Trung Hoa để tìm hiểu và lý giải nhiều đặc tính của dân tộc đông dân nhất này, cũng như ông đã viết về Tinh thần của phương Đông. Sự thiếu vắng tự do là chìa khóa để hiểu xã hội phương Đông. “Lịch sử thế giới là sự ghi lại các nỗ lực của tinh thần để đạt đến tri thức cái gì là nội dung trong đó. Người phương Đông không biết rằng tinh thần hay con người tự nó là tự do. Và bởi vì họ không biết điều đó, họ không tự do. Họ chỉ biết rằng Một người tự do…Ý thức tự do lần đầu tiên được đánh thức bởi người Hy Lạp, và cho nên họ tự do; nhưng, cũng như người La Mã, họ chỉ biết Vài người, và không phải tất cả mọi người tự do. Các quốc gia german, với sự xuất hiện của Kitô giáo, là những người đầu tiên nhận thức rằng Tất cả mọi người là tự do tự bản chất, và tự do của tinh thần là nội dung chủ yếu của nó.” Những suy nghĩ của Hegel vẫn còn đáng để suy ngẫm cho hôm nay. Quá khứ giúp hiểu thêm hiện tại, nhưng cũng không phải tất cả. Mỗi dân tộc có thể tự mình vượt lên những rào cản lịch sử để đổi mới. Chúng tôi xin lược dịch một số đọan liên quan để tìm hiểu tinh thần xã hội và khoa học của người Trung Hoa (phần đầu), và về tinh thần của người phương Đông (phần 2) nhân có các bài viết về Trung Quốc trên đường đổi mới hiện nay trong số kỷ yếu.

Tiếp tục đọc