Xung lực nào khởi động Trào lưu Khai sáng

XUNG LỰC NÀO KHỞI ĐỘNG TRÀO LƯU KHAI SÁNG

Tác giả: Tôn Thất Thông

Rồi sẽ đến một lúc, ánh mặt trời trên quả đất chỉ tỏa sáng cho những con người tự do, những người không thừa nhận bất cứ ai là chủ nhân, ngoại trừ lý tính của chính mình. Kẻ độc tài và người nô lệ, giáo sĩ và các công cụ của họ chỉ còn hiện hữu trong sử sách và trên sân khấu kịch nghệ…[1]

(Marquis de Condorcet, 1743-1794)

Không có một thời đại nào trong lịch sử tư tưởng loài người cho đến hôm nay lại mang tính thời sự, đồng thời gây ra nhiều giải thích khác nhau như thời đại khai sáng. Nhưng dù theo xu hướng nào, cũng không ai nghi ngờ rằng, thế giới hiện đại như chúng ta thấy hôm nay được bắt đầu bằng những thành tựu của thời đại khai sáng. Bộ mặt của châu Âu và cả thế giới phương Tây cũng bắt đầu định hình nhờ những sáng kiến của thời đại đó. Nền triết học hiện đại và tư tưởng tự do được nẩy mầm trong thời đại này là cội nguồn tinh thần của sáng kiến, niềm khao khát thử nghiệm, ước vọng phát minh trong mọi lĩnh vực từ khoa học, kỹ thuật tới kinh tế, thương mại, và điều rõ nhất là, các định chế chính trị hiện đại hôm nay ở các nước dân chủ đều là sản phẩm có xuất xứ từ thời đại khai sáng.

Mặt khác, đi kèm với sự phát triển vũ bão trong công nghiệp là nhu cầu cấp thiết về nguồn cung ứng nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất. Vào lúc đó, lòng tham của người châu Âu chưa lùi bước trước lẽ phải và đạo đức, cho nên, thời đại khai sáng cũng đánh dấu điểm khởi đầu của chính sách bành trướng thuộc địa ở mức độ cao chưa từng có trên ba lục địa còn lại là châu Á, Phi và Úc. Đó là chính sách kéo dài hơn một thế kỷ với bạo lực, đàn áp, bóc lột và trong một số trường hợp là tội ác diệt chủng. Nó để lại hậu quả vô cùng tai hại lên các nước thuộc địa cho đến ngày hôm nay. Tiếc thay, vẫn chưa có một quốc gia châu Âu nào chính thức thừa nhận tội ác do mình gây ra, tuyên bố một lời xin lỗi, đồng thời bồi thường những thiệt hại về vật chất và văn hóa cho các nước thuộc địa.

Tuy nhiên, những phản đề với nhiều hệ lụy sâu sắc ảnh hưởng đến các nước thuộc địa là đề tài rộng lớn vượt ra ngoài khuôn khổ công trình khảo cứu này, cho nên chúng ta tạm gác qua một bên. Dù sao, chúng ta cũng khó lòng phủ nhận thành tựu to lớn của hai thế kỷ khai sáng và vai trò quyết định của nó trong tiến trình lịch sử nhân loại nói chung.

Trào lưu tư tưởng chủ đạo của thời đại đó, dù chưa hoàn chỉnh, thậm chí thiếu sót trong mối tương quan với các đòi hỏi đa diện trong thời đại chúng ta, vẫn là xung lực mở đầu cho những phát minh vĩ đại đã thúc đẩy nhiều cuộc cách mạng, cuối cùng dẫn đến cách mạng công nghiệp, mang lại phồn vinh cho loài người, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển hôm nay trong mọi lĩnh vực từ văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật đến kinh tế và chính trị, đồng thời mở đường cho những ngành khoa học mới mẻ chưa từng có trước đó có cơ hội phát triển. Những lĩnh vực mới như tâm lý học, xã hội học, kinh tế chính trị học chỉ là vài thí dụ điển hình.

Nói tóm lại trong hai thế kỷ này, hầu hết mọi mặt trong đời sống đều thay đổi tận gốc rễ để bắt đầu một thời đại mới của tính tò mò khoa học, niềm khao khát về tìm tòi phát minh, lòng can đảm, tinh thần kinh doanh, đồng thời nó đi kèm với bạo lực, đàn áp, bóc lột ở những vùng mới khám phá bên ngoài lục địa châu Âu.

Khai sáng – hay được gọi trong các ngoại ngữ quen thuộc như Siècle des Lumières (Thế kỷ ánh sáng – Pháp), Enlightenment (Khai minh, Soi sáng – Anh), Illuminismo (Chiếu sáng – Ý) – đều có một tính chất giống nhau, ấy là ánh sáng. Nếu ánh mặt trời buổi rạng đông có thể đẩy lùi bóng tối đêm trước, thì ánh sáng của lý tính trong thời đại khai sáng cũng đẩy lùi mê tín, ngu muội, sự thuần phục cường quyền để dọn đường cho tiến bộ mới, hệ tư tưởng mới, tạo nên những con người mới có tri thức và dũng cảm, sẵn sàng đứng lên bảo vệ lẽ phải.

Trong tiếng Đức, thuật ngữ khai sáng (Aufklärung) có ý nghĩa rộng hơn, được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng đều có ý nghĩa giống nhau, là làm cho mọi chuyện trở nên sáng sủa rõ ràng, từ đó chân lý tất nhiên được hiển lộ. Thuật ngữ này có liên hệ ít nhiều đến tác phẩm nghệ thuật Aufklärung (Khai sáng) của Daniel Chodowiecki, một nghệ sĩ nổi danh của vương quốc Phổ đã sáng tác nhiều tuyệt phẩm liên quan đến thời đại khai sáng[2].

Bức tranh của ông dưới đây diễn tả một kỵ sĩ dẫn đầu cỗ xe ngựa đơn độc đi trên con đường mòn tiến về khu dân cư với hình ảnh quen thuộc là tháp chuông nhà thờ. Ở mặt tiền bức tranh là những bóng cây tối tăm tượng trưng cho ngu muội u ám, nhưng sắc màu nổi bật trong toàn cảnh là ánh bình minh tỏa ra rực rỡ sau rặng núi xa xa, phủ sáng khu dân cư, đánh tan những đám mây và màn sương mờ buổi sáng.

Tranh Aufklärung (Khai Sáng) của Daniel Chodowiecki

Dưới nhãn quan của nghệ sĩ, tác giả Chodowiecki diễn giải biểu tượng của khai sáng thể hiện qua bức tranh như sau: “Ý nghĩa cao nhất về lý tính ẩn chứa trong tác phẩm này, cho đến nay vẫn chưa làm cho mọi người hiểu được tính biểu tượng mang ý nghĩa trong sáng phổ quát ngoài vầng thái dương đang vươn dậy (có lẽ vì bản thân vấn đề vẫn còn quá mới mẻ). Chắc hẳn nó sẽ còn tồn tại lâu dài với dáng vẻ đoan trang nhất, tương phản với lớp sương mù che khuất vạn vật […]. Khi ánh mặt trời đã tỏa sáng, sương mù dày đặc cũng không thể làm gì tai hại được nữa[3]”.

Dù là một trào lưu có cùng xuất xứ từ châu Âu, nhưng bản chất và phong thái của nó cũng tương đối khác nhau ở mỗi vùng. Vì thế, để đi tìm nguồn gốc phát sinh trào lưu khai sáng, chúng ta cần xem xét bối cảnh lịch sử và đặc tính xã hội của các vùng văn hóa khác nhau, đặc biệt ở ba nước Anh, Pháp và Đức, nơi trào lưu khai sáng xảy ra rất nhộn nhịp, phong phú và mức độ xung đột giữa cũ và mới cũng rất gay gắt. Ngay từ trước, xã hội châu Âu phản ứng với các trào lưu mới bằng những cách khác nhau với tốc độ khác nhau, tùy thuộc vào truyền thống văn hóa tại mỗi nước kết hợp với ảnh hưởng của các xứ láng giềng, thì đến thời đại khai sáng, tiến trình lịch sử cũng xảy ra tương tự.

Bước vào thời hiện đại, tại mỗi nước, giới học giả tiên phong tự nhận thức được hoàn cảnh riêng của mình và của người khác trong xã hội, từ đó họ tìm phản ứng cho những biến cố thực tế để hoàn thành nhiệm vụ do chính mình đặt ra trong ý thức cải tạo xã hội. Vì thế, nguồn gốc dẫn đến trào lưu khai sáng ở mỗi vùng cũng tất yếu mỗi khác. Tuy nhiên, trên bình diện rộng ở lục địa châu Âu, trào lưu khai sáng ở các vùng đều có chung một xuất phát điểm giống nhau, ấy là phản ứng tâm lý của sự khủng hoảng về ba niềm tin: đối với chính trị, với tôn giáo và đối với chính bản thân mình[4].

Thứ nhất, mất niềm tin về chính trị: Châu Âu từ thế kỷ 17 chứng kiến sự chuyển hóa sâu sắc về quan hệ con người trong xã hội. Các cuộc chiến tranh tôn giáo và nội chiến đã tàn phá cấu trúc xã hội. Dù mỗi nước có những định chế chính trị khác nhau, nhưng trật tự xã hội phong kiến khắp nơi đều đang trên bước đường lung lay sụp đổ, đồng thời tầng lớp trung lưu tư sản ngày càng đông, chi phối đời sống kinh tế trong xã hội và chừng mực nào cũng làm phân hóa tầng lớp quý tộc và giới tăng lữ vốn dĩ trước đây hưởng nhiều đặc quyền trong chế độ phong kiến.

Sự phát triển của giới trung lưu tư sản khởi đầu từ tình hình kinh tế và thương mại phát triển suốt gần hai thế kỷ, làm cho đời sống sung túc hơn, nhu cầu nâng cao kiến thức nhiều hơn, khả năng tiếp cận giáo dục đại học cũng cao hơn. Với trình độ tri thức của giới trung lưu ngày càng cao, ranh giới phân biệt giữa họ với giới tăng lữ và quý tộc ngày càng được xóa nhòa. Cũng chính giới trí thức mới nổi này đã tăng thêm sức mạnh tinh thần cho tầng lớp học giả cấp cao. Họ trở nên tự tin hơn trên bước đường đứng lên thách thức các tầng lớp thống trị, về thần quyền cũng như thế quyền.

Ngoài ra, với tri thức thu lượm được, các tầng lớp trí thức dần dần nhận thấy sự bất lực và phi lý của các định chế chính trị có sẵn. Từ đó, ước muốn thay đổi chế độ phong kiến là một yêu cầu cấp thiết không tránh được, mặc dù phần lớn các học giả cấp cao đều xuất thân từ giới quý tộc giàu sang và có quyền lợi gắn bó với chế độ phong kiến đương thời. Có thể nói, thế kỷ 17 và 18 chứng kiến sự vươn dậy của ý thức hệ tư sản châu Âu, và gắn liền với nó là những mầm mống ban đầu để kiến tạo những chế độ chính trị hiện đại. Trong ý nghĩa đó, các cuộc cách mạng xảy ra nhộn nhịp trong thời đại khai sáng mang một bản chất rất rõ nét, mà sau này Karl Marx gọi bằng khái niệm “trào lưu cách mạng của giai cấp tư sản” hay chúng ta gọi ngắn gọn là cách mạng tư sản.

Thứ hai, mất niềm tin tôn giáo: Người châu Âu ở ngưỡng cửa 1500 bắt đầu đặt lại nhiều vấn đề về tôn giáo. Nói cho cùng, mọi người châu Âu, ai cũng tự nhận mình là người Kitô, chấp nhận văn hóa Kitô như là một phần của bản sắc châu Âu. Tuy nhiên, sau những biến cố xảy ra dồn dập trong quá khứ như trào lưu phục hưng trong thế kỷ 15, cách mạng tôn giáo trong thế kỷ 16, chiến tranh tôn giáo trong thế kỷ 17, niềm tin của họ đã mang một nội dung mới.

Họ vẫn tin vào Thượng đế toàn năng toàn trí, nhưng nghi ngờ những lý giải huyễn hoặc của giới tăng lữ, nghi ngờ cả tri thức và tính chính danh của Giáo Hoàng. Những phát hiện mới trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, đặc biệt là tư tưởng cách mạng của Nicolaus Copernicus về vũ trụ, đã làm cho người đương thời nghi ngờ thế giới quan và vũ trụ quan của hàng giáo phẩm, vốn dĩ là hệ tư tưởng cứng nhắc, bất di dịch của triết lý thần học được quảng bá từ hơn một ngàn năm trước.

Lòng tin vào tôn giáo càng bị lung lay hơn sau khi Kitô giáo bị phân hóa vào thế kỷ 16 và gắn liền với nó là làn sóng đàn áp, sát hại các tông đồ thuộc giáo phái khác, đi kèm với nhiều cuộc chiến tranh vô nghĩa giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi mà các lãnh chúa thuộc các giáo phái đối nghịch nhau nhân danh việc bảo vệ đức tin vào Chúa để gây ra chiến tranh. Cao điểm của những biến cố vô nghĩa đó là cuộc chiến-tranh-30-năm[5] khốc liệt ở tiền bán thế kỷ 17. Nhưng điều làm cho lòng tin giảm sút nặng nề hơn là thái độ của Giáo hội về những phát hiện mới trong khoa học tự nhiên. Dường như sức ỳ của ý thức hệ đã làm cho tư tưởng của hàng giáo phẩm cao cấp trở nên chật hẹp, trí tuệ trở thành thui chột và họ mất khả năng tiếp thu những điều mới mẻ.

Khi những phát hiện của khoa học gia tiến bộ đi ngược lại nền tảng lý luận của Giáo hội thì các tác phẩm liên quan bị cấm phổ biến và tác giả bị trù dập. Việc cấm phổ biến tác phẩm “Về chuyển động vòng của các hành tinh[6]” của Nicolaus Copernicus vào năm 1622 và phiên tòa xử Galileo Galilei năm 1633 là những giọt nước tràn ly làm cho niềm tin của khoa học gia vào Giáo hội và Giáo Hoàng sụp đổ. Khi quan sát thế kỷ 18, chúng ta thấy rằng, khoa học tự nhiên càng phát triển thì niềm tin của con người vào giáo lý Kitô càng giảm sút. Và đó cũng là nguyên nhân làm cho tư tưởng của nhiều học giả thay đổi để tự phát triển tinh thần độc lập, duy lý, duy nghiệm, thay vì định hướng niềm tin vào thần học như trước đây.

Thứ ba, mất niềm tin với chính mình: Đó là tình trạng bất lực của con người trước những vấn nạn xã hội trong quá trình suy đồi của chính trị và tôn giáo: Uy tín của Vương triều và Giáo hội càng suy giảm thì họ càng sử dụng nhiều phương tiện bạo lực hòng duy trì quyền lực. Nhưng con người vẫn bó tay, cúi đầu thuần phục. Nhiều học giả hàng đầu phải bỏ xứ ra đi, trốn chạy đến các nước có chế độ khoan dung hơn, như Pierre Bayle, Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, René Descartes chẳng hạn. Các triết gia vẫn bế tắc trên con đường tìm kiếm một lời giải. Giáo sư Paul Hazard đã dùng nguyên một bộ sách[7] hơn 500 trang để phân tích sự khủng hoảng về lòng tự tin của con người, và cũng là khủng hoảng về lương tâm trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thế kỷ 17 và 18.

Cả thế quyền và thần quyền đều trở thành những thế lực hủ bại. Khắp nơi trên lục địa xảy ra thường xuyên các cuộc tranh chấp biên giới. Trong nội bộ quốc gia – nếu quả thật có cái gọi là quốc gia trong một vùng văn hóa nhất định – các tầng lớp thống trị tranh nhau để chia chác của cải thu được từ thiên nhiên và thuế má, đó là những thế lực áp đảo xã hội như Vương triều, lãnh chúa, tướng tá sĩ quan, Tổng giám mục, thương gia có quan hệ với Vương triều[8]. Các học giả can đảm, vốn dĩ cũng là nạn nhân của cấu trúc xã hội đó, không có con đường nào khác hơn là dùng những phương tiện có sẵn để bày tỏ thái độ phê phán. Nhưng ở thế kỷ 17, phương tiện họ có trong tay thì vẫn còn rất yếu ớt.

Từ sự khủng hoảng niềm tin với chính mình, các triết gia đương thời tự đặt ra nhiệm vụ thiết thân là, phải tìm đường để cải thiện thế giới. Họ không tìm lời giải bằng cách phục hồi lại một quá khứ đầy lý tưởng đã trôi qua nhiều thế kỷ, mà bằng sự tự tin vào chính sức mạnh của con người thế tục, sức mạnh của lý tính và sức mạnh của lương tâm trong ý thức cải tạo xã hội hiện hữu.

Kể từ thời đại này, viễn kiến của con người không còn là sự hoài niệm về một cuộc đời đáng mơ ước với khái niệm thiên đường trong thế giới thần thánh sau khi chết, mà là hướng nhìn về một tương lai tươi đẹp trên trần thế[9]. Nhất là, họ có ham muốn hành động để biến ước mơ đó thành sự thật. Sự chuyển biến này về tư tưởng, đi kèm với kỹ thuật in ấn phát triển và hàng loạt tạp chí định kỳ bằng tiếng địa phương ra đời, đã gây được ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp trong xã hội, thay đổi phong cách sống và suy nghĩ của thanh niên, sinh viên và tạo nên một ý thức chính trị sống động trong công chúng. Đó chính là gốc rễ sâu xa của cuộc vận động khai sáng với hậu quả chính trị là hai cuộc cách mạng vĩ đại làm rung chuyển thế giới vào cuối thế kỷ 18, trước hết ở Mỹ năm 1776 và tiếp đó tại Pháp năm 1789.

Tấn công ngục Bastille. Họa sĩ Jean-Pierre Houël. Nguồn: Bibliothèque Nationale de Paris.

Hai cuộc cách mạng nói trên là hai trong những thành quả lớn lao nhất của thời đại khai sáng. Nó làm sáng tỏ một quan điểm chính trị mới mẻ và đáng kinh ngạc, mà con người chưa từng trải nghiệm trước đó. Quan điểm đó được John Locke (1632-1704) tóm tắt rằng, mọi người sinh ra đều có quyền sống, hưởng tự do và sở hữu tài sản. Chính phủ chỉ được xem là hợp pháp, khi nó thừa nhận và bảo vệ các quyền tự nhiên đó. Chính phủ nào không làm được việc đó, thì mọi người có quyền chống lại.

Mặc dù quan điểm đó đã được phát triển, thảo luận trong giới học thuật trước đó cả thế kỷ, nhưng khi nó trở thành hiện thực, thì cơn địa chấn vẫn bùng ra, kéo dài và lan rộng đến mọi nước trên lục địa. Quan điểm chính trị nói trên đã được hai cuộc cách mạng Mỹ và Pháp thực hiện trọn vẹn; không những người dân có khả năng chống lại chính phủ chuyên chế đương thời, mà còn hạ bệ chúng để xây dựng thể chế chính trị mới với hiến pháp mới có đầy đủ những quy định bảo vệ quyền tự do tự nhiên của con người.

Nói tóm lại, trào lưu khai sáng có nguồn gốc chủ yếu từ sự dằn vặt nội tâm của con người trong thời đại đó, khi một mặt, tư tưởng và niềm tin đã thay đổi sâu sắc, nhưng mặt khác, họ không tìm thấy trong các định chế thần quyền cũng như thế quyền một hứa hẹn cụ thể cho tương lai phù hợp với thế giới quan của họ, vốn dĩ đã thay đổi khi châu Âu bước vào thời kỳ hiện đại.

Con đường họ đi cũng không còn mang tính chất thụ động và thuần túy học thuật của trào lưu nhân bản chủ nghĩa trong thời đại phục hưng, mà đã mang ý nghĩa cải cách xã hội một cách tích cực, bắt đầu bằng sự rèn luyện nhân cách và lý tính cho bản thân, sau đó quảng bá ra đại chúng, chuẩn bị tinh thần và xây dựng lực lượng để dần dần biến những xung khắc về tư tưởng thành các hoạt động thực tiễn có chủ đích.

Thế kỷ 18 là một thế kỷ đầy rẫy phản kháng dưới nhiều hình thức. Những con người khai sáng không muốn thuần phục trật tự có sẵn. Họ không muốn lặp lại những giáo huấn đã được truyền bá trước đây. Từng cá nhân sẵn sàng ném mình vào các cuộc đấu tranh cho công lý, cho thành đạt cá nhân, cho danh dự, cho sự thật được kiểm chứng bằng khoa học, cho hạnh phúc của công chúng mà họ là thành viên. Trong lịch sử của văn hóa phương Tây, thế kỷ 18 nổi lên như một ốc đảo đầy nước ngọt và cây xanh trong bãi sa mạc hoang vu khô cằn[10].

Ý tưởng về tinh thần khai sáng hội tụ với nhau trong thế kỷ 17 để phát triển rực rỡ trong thế kỷ 18, nhưng trong sự xuất hiện và chuyển hóa của từng giai đoạn, chúng ta có thể thấy dáng dấp tương đồng với thời đại phục hưng trong thế kỷ 15 và 16. Con người khai sáng, con người phục hưng và các nhà nhân bản giống nhau ở cảm giác an toàn do chính họ tạo ra, khi họ không còn nhu cầu phải nương tựa vào bất kỳ một sức mạnh nào ở bên ngoài[11]. Đối với họ, “tri thức là sức mạnh” như khẩu hiệu đanh thép của Francis Bacon vào đầu thế kỷ 17, một loại sức mạnh vô biên giới, như hai triết gia thuộc trường phái phê phán Frankfurt tóm tắt: “Vốn bản thân là sức mạnh, tri thức không biết một giới hạn nào, dù chỉ là sự nô lệ vào tạo vật, hay cho đến sự ngoan ngoãn thuần phục vị chúa tể thế giới[12]”.

Nếu thời đại phục hưng được định hình bởi phần đông là văn thi sĩ, nghệ sĩ, nhà sử học, nhà giáo thì trong thời đại khai sáng, bên cạnh lớp người quen thuộc đó còn nổi bật lên nhiều triết gia, nhà tư tưởng, nhà toán học và nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên. Cũng chính vì thế, so với thời kỳ phục hưng, ý thức độc lập của họ đối với tôn giáo và các định chế thần quyền được nâng lên một tầm cao hơn. Nhiều phát hiện phong phú trong khoa học làm họ vững tin hơn trên hành trình mới. Nhất là, những phát hiện mới mẻ của họ không chỉ dựa trên tư duy lý luận như trong quá khứ, mà nhiều lập luận của họ đã được kiểm nghiệm bằng những quan sát và phân tích các hiện tượng trong tự nhiên. Đấy là một đặc trưng của nền văn minh hiện đại, một bước chân bảy dặm trên bước đường làm chủ thiên nhiên thay vì sợ hãi và thuần phục thiên nhiên. Đó là một đặc tính khác hẳn các biến cố lịch sử suốt hơn hai ngàn năm trước kể từ thời Hy Lạp cổ đại.

Con người của thời đại khai sáng vẫn là những người ngoan đạo, tin vào Thượng Đế, nhưng không phải là Thượng Đế trong thần học giáo điều với những phán quyết thần thánh, mà là Thượng đế có lẽ phải đứng trên vạn vật. Giờ đây, các yếu tố chi phối mạnh mẽ lên đời sống con người và tiến trình phát triển của xã hội không còn là mặc khải thần thánh, mà là các khái niệm của “chuyên gia” thuộc mọi ngành, từ triết học đến khoa học và kỹ thuật.

So với thời đại phục hưng, điều khác nhau đặc biệt sau chưa đầy hai thế kỷ là, trong lúc phong trào phục hưng xuất phát từ Ý và chính các nhà nhân bản Ý vạch hướng đi cho các nước châu Âu còn lại, thì ngược lại, trào lưu khai sáng bắt đầu từ nước Anh, nó thăng hoa ở Pháp, tiếp tục phát triển ở Đức, Hà Lan và sau đó mới lan tỏa ra các vùng khác trên lục địa. Nước Ý thì mới dè dặt bắt đầu khi trào lưu này đã lên đến đỉnh cao ở các nước tiên phong, mặc dù như chúng ta biết, Galileo Galilei người Ý là một học giả nổi danh trong buổi bình minh của thời đại khai sáng. Tại sao có nghịch lý này? Điều đó có liên quan gì đến sự việc Giáo Hoàng và Giáo hội Công giáo vẫn ngự trị ở La Mã hay không? Nó có liên quan gì đến phiên tòa xử Galilei năm 1633 hay không? Trong chương bàn về tôn giáo và triết học trong thời đại khai sáng, chúng ta sẽ trở lại đề tài này.

Nhưng dù sao, khi so sánh hai thời đại phục hưng và khai sáng, chúng ta cũng không thể quên một công trình vĩ đại mà các nhà nhân bản Ý trong thời đại phục hưng để lại cho các nhà khai sáng sau này thừa hưởng, đấy là ý thức sử dụng tiếng mẹ đẻ trong các tác phẩm văn hóa cũng như trong một số ít giáo trình đại học. Sự kiện đó đã phá vỡ các rào cản còn lại để con người bình thường cũng có thể tiếp cận với tri thức.

Nếu trước đây, tiếng La-tinh là ngôn ngữ học thuật của giới học giả, tu viện và đại học, thì kể từ thế kỷ khai sáng, tiếng La-tinh dần dần trở thành một ngôn ngữ chết, phức tạp và phiền toái so với ngôn ngữ địa phương, vốn dĩ đã trở thành một phương tiện truyền thông đại chúng mà người bình thường cũng có thể dùng để tiếp cận với những tác phẩm nổi danh nhất. Nhìn từ góc độ này, bộ Bách khoa Toàn thư do D’Alembert và Denis Diderot làm chủ biên, là một công trình vĩ đại vượt lên trên mọi công trình học thuật lúc bấy giờ và cả nhiều thế kỷ về sau. Nhờ Bách khoa Toàn thư, ai cũng có thể tiếp cận đến những tri thức hiện đại nhất trong mọi lĩnh vực, được soạn thảo bởi hơn 150 học giả hàng đầu đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chủ yếu là Anh, Pháp, Đức, Ý và Hà Lan.

Với ngôn ngữ địa phương trong văn học, sự giao lưu giữa giới học giả và người bình thường với nhau xảy ra khắp nơi, và đó là điều kiện tiên quyết để văn học phát huy tác dụng trong thời đại khai sáng: Lĩnh vực khoa học được nâng lên tầm cao của văn học để mọi người bình thường có thể tiếp cận được[13]. Những quan tâm thường nhật trong xã hội được phản ánh phong phú trong nhạc, kịch, văn thơ, nghệ thuật trào phúng, tất nhiên là bằng tiếng địa phương. Đại thi thánh người Ý, Dante Alighieri vào đầu thế kỷ 14 có một sáng kiến vĩ đại là dùng tiếng mẹ đẻ trong thơ phú khi sáng tác tuyệt phẩm Thần Khúc[14]. Sau đó, sáng kiến mới lạ này dần dần được các nước khác đón nhận nồng nhiệt và việc sáng tác bằng ngôn ngữ địa phương đã trở thành hình thái văn học đại chúng trong thời đại khai sáng ở châu Âu.

Tuy có một số điểm tương đồng, nhưng sự khác nhau căn bản giữa trào lưu khai sáng của hai thế kỷ 17, 18, và phong trào phục hưng cũng như các trào lưu khác trong lịch sử trước đó là sự xuất hiện rất sâu rộng của những nỗ lực đòi hỏi cải cách, hay nói cách khác là sự tham gia của đông đảo nhiều người, một mặt tự nhận mình là người cải cách, vì họ có quyết tâm thúc đẩy sự cải thiện và đổi mới xã hội, mặt khác họ tự nhận mình là những người khai sáng trong tinh thần là, đổi mới xã hội xuất phát trước hết từ sự chuyển hóa tư tưởng của chính bản thân con người. Như vậy, khai sáng có thể xem là hành động có ý thức, hay có thể nói là có kế hoạch để “cải thiện lý trí” hoặc hỗ trợ lý tính trong mọi lĩnh vực, nhằm mục đích đẩy lùi định kiến, ngu muội, mê tín, cuồng tín và cực đoan[15].

Các học giả không chỉ dừng lại ở những tư tưởng mang tính chất lý thuyết, mà họ còn có nhiều nỗ lực biến lý thuyết thành những hành động thực tiễn có khả năng thu hút sự tham gia của công chúng. Họ cũng không dừng lại ở sự phê phán và trao đổi lẫn nhau giữa các học giả, mà còn đào luyện năng lực để có thể đưa ra những giải pháp cải cách xã hội. Thành quả to lớn của họ là đã truyền được cảm hứng đến đại chúng, hướng tầm nhìn và ước vọng của công chúng đến những hình thái xã hội mới mẻ và các định chế chính trị hiện đại vốn chưa hề tồn tại trước đó.

Nói cách khác, trào lưu khai sáng không phải là cuộc vận động chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, và cũng không chỉ giới hạn trong tầng lớp học giả có điều kiện vật chất và tinh thần, mà đó là một phong trào rộng lớn có khả năng tạo nên sự chuyển hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau, được lan tỏa ra nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Những học giả khai sáng hàng đầu vẽ nên những bức tranh có tính biểu tượng về một thế giới lý tưởng vượt lên trên những hình thái xã hội tầm thường trước mắt. Những biểu tượng ấy xuất hiện như những vì sao trên bầu trời u tối. Chúng ở xa, trông thật mới mẻ và không thể sờ mó được, nhưng ánh mắt người thường hướng về đó chính là con đường dẫn dắt mọi người đi đến mục đích.

Người khai sáng không chỉ nói đến lý thuyết hay thực hành, mà họ đã vạch ra con đường chuyển tiếp từ lý thuyết đến thực tiễn, từ phê phán đến hành động cải cách trong mọi lĩnh vực đời sống cũng như trong chính trị. Họ đã làm cho nhiều nguyên thủ của các quốc gia chuyên chế trở thành người khai sáng, đã xây dựng hai nền cộng hòa ở Bắc Mỹ và Pháp trong những thập niên cuối thế kỷ 18[16].

Nói tóm lại, xung lực ban đầu để tạo nên phong trào sống động dẫn đến trào lưu khai sáng là sự dằn vặt nội tâm của giới học giả về sự bất lực của chính mình trước sự suy đồi của xã hội. Xung lực đó đã tạo nên những luồng tư tưởng mới, công trình nghiên cứu mới, sáng kiến mới của giới học giả đương thời, lớp người mà chúng ta gọi là giới trí thức tư sản theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay.

Xung lực ấy đã giúp giới học giả vượt qua mọi sợ hãi, sẵn sàng đứng lên nắm lấy trách nhiệm cải tạo xã hội, mặc dù các chế độ chuyên chế lúc ấy không chừa một thủ đoạn nào để đàn áp. Khác hẳn với các trào lưu trong quá khứ, đòi hỏi về tinh thần của học giả thời đại khai sáng đã thâm nhập được vào nhiều lớp người trong xã hội và tạo nên ý thức chính trị sống động để biến thành trào lưu cách mạng khi hoàn cảnh xã hội đã chín mùi. Kinh nghiệm thời đại khai sáng cho chúng ta thấy rằng, sau khi đám đông quần chúng đã được trang bị bằng ý thức cách mạng, thì giới trí thức dấn thân và quần chúng có ý thức là hai lực lượng không thể tách rời nhau, và cũng không thể thiếu một trong hai, nếu muốn cuộc cách mạng đi đến thành công.

Tôn Thất Thông, tháng 2 năm 2024

Xem bài viết này trên video Youtube:

Tài liệu tham khảo

  1. Brinton, Crane: The Anatomy of Revolution. Vintage Books 1965. (Mổ xẻ các cuộc cách mạng).
  2. Bùi Văn Nam Sơn: Trò chuyện triết học. Nhà xuất bản Tri Thức, 2012.
  3. Châtelet, François chủ biên và nhiều tác giả: Geschichte der Philosophie Band IV – Die Aufklärung. ISBN 3-548-03063-7. Bản gốc tiếng Pháp: Les Lumières. (Lịch sử triết học tập IV – Khai sáng).
  4. Durant, Will và Ariel: Europa und der Osten im Zeitalter der Aufklärung. ISBN 3-548-36115-3. Bản gốc tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. X. (Châu Âu và các nước phía Đông trong thời đại khai sáng).
  5. Euchner, Walter: Naturrecht und Politik bei John Locke. ISBN 3-518-07880-1. (Luật tự nhiên và chính trị với John Locke).
  6. Guizot, François: The History of Civilization in Europe. Penguin Books 1997. Bản gốc tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). (Lịch sử Văn minh châu Âu).
  7. Hazard, Paul: Die Krise des Europäischen Geistes 1680-1715 NXB Hoffmann und Campe Hamburg 1939. Bản gốc tiếng Pháp: La Crise de la Conscience Européenne 1680-1715. (Khủng hoảng lương tâm ở châu Âu 1680-1715).
  8. Hirschberger, Johannes: Geschichte der Philosophie – Band II: Neuzeit und Gegenwart. ISBN 3-933366-00-3). (Lịch sử triết học – Tập II: Thời cận và hiện đại).
  9. Hobsbawm, Eric J.: Industry and Empire. ISBN 0-1402-0898-4. (Công nghiệp và Đế quốc).
  10. Höffe, Otfried (I) chủ biên và nhiều tác giả: Klassiker der Philosophie I. ISBN 3-406-08048-0. (Những nhà kinh điển của triết học, Tập I).
  11. Horkheimer, Max và Adorno, Theodor W.: Dialektik der Aufklärung. ISBN 3-10-031829-3. (Biện chứng pháp của khai sáng).
  12. Im Hof, Ulrich: Das Europa der Aufklärung. ISBN 3-406-37091-8. (Châu Âu trong thời đại khai sáng).
  13. Mann, Golo và Nitschke, August: Weltgeschichte Band VII – Von der Reformation zur Revolution. ISBN 3-549-05017-8. (Lịch sử thế giới bộ VII – Từ cải cách tôn giáo tới cách mạng).
  14. Pleticha, Heinrich chủ biên và nhiều tác giả: Aufklärung und Revolution – Europa in 17. und 18. Jahrhundert. ISBN 3-577-15008-4. (Khai sáng và Cách mạng – Châu Âu trong thế kỷ 17 và 18).
  15. Rousseau, Jean-Jacques: The Social Contract. ISBN 978-1-85326-781-9. Bản gốc tiếng Pháp: Du Contrat Social. (Về Khế Ước Xã Hội).
  16. Schneiders, Werner chủ biên và nhiều tác giả: Lexikon der Aufklärung. ISBN 3-406-39920-7. (Từ điển Tường giải về Trào lưu Khai sáng).

Nguồn: Xung lực nào khởi động Trào lưu Khai sáng, DienDanKhaiPhong.Org, 20.03.2024

—-

Chú thích:

[1] Xem H. Pleticha (1) trang 93 – Alexander Dreichsel.

[2] Xem thêm Klaus Rothe, “Chodowiecki und die Kunst der Aufklärung in Polen und Preussen” (Chodowiecki và nghệ thuật thời khai sáng ở Ba Lan và Phổ). ISBN 3-412-03186-0.

[3] Xem U. Im Hof, trang 11.

[4] W. Schneiders (1), trang 12-15

[5] Cuộc chiến-tranh-30-năm kéo dài từ 1618-1648, lúc khởi đầu là cuộc chiến tranh tôn giáo giữa các lãnh chúa và Vương triều ủng hộ các giáo phái khác nhau, chủ yếu là Công Giáo và Tin Lành. Dù không có thống kê, nhưng nhiều sử gia cho rằng, thiệt hại nhân mạng trên vùng đất Đế chế La mã Thần thánh Đức khoảng 30-45% dân số (ở đó có 16 triệu dân trước chiến tranh).

[6] De revolutionibus orbium coelestium (Tiếng Đức: Über die Kreisbewegungen der Himmelskörper).

[7] Paul Hazard – Crise de la conscience européenne (Khủng hoảng lương tâm ở châu Âu) đã trở thành sách kinh điển về cuộc khủng hoảng tinh thần tại châu Âu trong giai đoạn 1680 đến 1715. Sử gia Paul Hazard (1878-1944) là giáo sư đại học Sorbonne, viện sĩ hàn lâm Pháp.

[8] Xem F. Châtelet, trang 14.

[9] Xem U. Im Hof, trang 141.

[10] Xem F. Châtelet, trang 209.

[11] Xem G. Mann trang 469 – Fritz Schalk.

[12] Xem Horkheimer & Adorno, trang 10.

[13] Xem G. Mann trang 471 – Fritz Schalke.

[14] Commedia (sau này Giovanni Boccaccio thần thánh hóa với tựa đề Divina Commedia) viết bằng tiếng Ý là tác phẩm vĩ đại của văn học thế giới và còn được tiếp tục bình phẩm cho đến ngày nay. Tác phẩm này, dài hơn 14.000 câu thơ, đánh dấu bước ngoặt trong phong cách sáng tác mới và trong việc sử dụng ngôn ngữ địa phương trong văn học châu Âu.

[15] Xem W. Schneiders (1), trang 9-10.

[16] Xem U. Im Hof trang 16.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.