Năm biểu đồ để hiểu bộ mặt mới của toàn cầu hóa

NĂM BIỂU ĐỒ ĐỂ HIỂU BỘ MẶT MỚI CỦA TOÀN CẦU HÓA

Một báo cáo chi tiết của UNCTAD: động thái toàn cầu hóa bị kẹt, nhưng không ngừng hẳn. Sự quốc tế hóa các trao đổi được triển khai lại sang hướng các dịch vụ cao cấp và các sản phẩm môi trường.

Christian Chavagneux

Từ nhiều năm nay toàn cầu hóa kinh tế đã có những biến đổi quan trọng. Đó là điều được một báo cáo mới đây của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) xác nhận. Sau khi cho thấy là đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia có xu hướng giảm, các chuyên gia UNCTAD chọn không dùng đến các dữ liệu truyền thống do các cán cân thanh toán cung cấp để tiếp tục phân tích của họ. Vì trong hạng mục “đầu tư ra nước ngoài” của thống kê nhà nước bao gồm các khoản vay quốc tế giữa các công ti con cũng như lợi nhuận thu được từ nước ngoài và đầu tư trở lại trong nước.

Nhằm đo sức hấp dẫn của toàn cầu hóa, UNCTAD tập trung chú ý vào số dự án đầu tư ra nước ngoài được khởi động mỗi năm. Tất nhiên điều này chỉ đại diện cho toàn bộ những chi tiêu được các doanh nghiệp bỏ ra để tham gia toàn cầu hóa, và theo nghĩa này không cung cấp một phân tích đầy đủ và cuối cùng. Nhưng cho được một ý tưởng về ý chí các công ty để duy trì hay không động thái toàn cầu hóa được triển khai từ nhiều thập kỉ nay. Từ đó có thể rút ra năm bài học lớn.

1/ Một toàn cầu hóa cường độ thấp

Trong thập kỉ 1990, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trung bình hàng năm 16% trong khi tỉ suất đó là 16% cho GDP và cho thương mại thế giới là 6%. Đó là thời kì siêu toàn cầu hóa, như được nhà kinh tế Dani Rodrick đặt tên. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 và những hệ quả của nó, trong thập kỉ 2010 các khoản đầu tư này hầu như không còn tăng nữa trước khi tăng nhẹ trở lại thời hậu Covid (2%), thấp hơn tăng trưởng của GDP (5%).

Tư liệu kinh tế dẫn nhiều lí do để giải thích việc bước vào pha toàn cầu hóa cường độ thấp này: gia tăng chi phí lương ở Trung Quốc: gia tăng chi phí vận tải, rủi ro ngày càng đè nặng lên các chuỗi giá trị (các biến cố khí hậu cực đoan, xung đột …), ý chí giảm thiểu sự phụ thuộc kinh tế, các biện pháp kìm hãm đầu tư nước ngoài, v.v..

Những năm sắp tới sẽ cho biết sự chậm lại của việc toàn cầu hóa và rút bớt đóng góp vào các chuỗi giá trị thế giới của các công ty sẽ ở mức nào.

2/ Các dịch vụ cao cấp tăng vọt

Khi nói đến toàn cầu hóa, người ta chủ yếu nghĩ đến sản xuất công nghiệp. Nhưng trong thời kỳ 2020-2023, các dịch vụ đại diện cho 81% những đầu tư quốc tế của thế giới, con số này đã là hai phần ba cho thời kì 2004-2007.

Một diễn tiến bao phủ nhiều động thái: gia tăng của việc quốc tế hóa các hoạt động ngân hàng và tư vấn (consulting), gia tăng của những dịch vụ gắn với công nghiệp (ví dụ các văn phòng bán xe, v.v.) và của những hoạt động dịch vụ.

Thật vậy, toàn cầu hóa cung dịch vụ có giá trị gia tăng cao (nghiên cứu, số hóa, tiếp thị …) đã tăng nhanh chóng trong thập kỉ qua, tỉ phần của các dịch vụ này trong tổng các đầu tư từ 45% trong tổng đầu tư thời kì 2004-2007 vọt lên 63% thời kì 2020-2023.

3/ Trung Quốc thu hút ít nhà đầu tư hơn

Năm 2003 Trung Quốc thu hút 15% các dự án đầu tư mới, con số này chỉ còn 3% năm 2023. Một sụt giảm ấn tượng trải dài trên toàn bộ thập kỉ qua. Trong những năm gần đây, ta ghi nhận những sụt giảm đậm nét của đầu tư Mĩ và châu Âu vào Trung Quốc đồng thời với một sự sụt giảm của đầu tư Trung Quốc vào hai khu vực này.

Tuy nhiên sẽ là phiêu lưu khi kết luận sự suy yếu của Trung Quốc trong sản xuất công nghiệp thế giới, dù là bằng khái niệm giá trị hay giá trị gia tăng. Quốc gia này hiện vẫn là một tác nhân then chốt của toàn cầu hóa.

4/ Các công ty đa quốc gia về môi trường

Đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực môi trường, như tấm quang năng và máy turbine gió chỉ là 1% của các dự án đầu tư loại trừ các dịch vụ vào đầu những năm 2000 nhưng đã là 20% vào năm 2023.

Tiến triển quan trọng nhất là của các đầu tư gắn với việc sản xuất các động cơ và xe điện tăng 27% hằng năm từ năm 2016 đến năm 2023, với một sự tăng tốc rõ rệt những trong năm cuối. Quyết tâm thu hút các nhà sản xuất Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục làm gia tăng sự toàn cầu hóa trong những năm sắp tới.

5/ Các nước nghèo nhất ngày càng bị đẩy ra bên lề

Phần của các nước nghèo và đang nổi lên (không tính Trung Quốc và Hồng Kông) trong toàn bộ những dự án mới về đầu tư quốc tế không thay đổi suốt hai mươi năm qua, khoảng hơn một phần ba (35%).

Nhưng sự phân phối các đầu tư, trong nội bộ các nước nghèo và đang nổi lên (không tính Trung Quốc và Hồng Kông) đã biến đổi nhiều. Tỉ phần của các nước ở cuối bậc thang thu nhập (thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp) đã giảm một phần ba, có lợi cho những nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao).

Gia tăng mạnh của phần các đầu tư cho dịch vụ chất lượng cao và cho những sản phẩm công nghiệp môi trường khiến cho những nước nghèo nhất không có lợi thế tương đối trong các lĩnh vực này bị thiệt thòi. Đó là lí do vì sao ta gặp lại diễn tiến này trong tất cả mọi vùng của thế giới.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn:Cinq graphiques pour comprendre le nouveau visage de la mondialisation”, Alternatives economiques, 14.5.2024

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.