Thời đại Khai sáng ở châu Âu (2): Phương châm của khai sáng

Giới thiệu: Không có một thời đại nào trong lịch sử tư tưởng loài người cho đến hôm nay lại mang tính thời sự, đồng thời gây ra nhiều giải thích khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau như thời đại khai sáng. Nhưng dù với xu hướng nào, cũng không ai nghi ngờ rằng, thế giới hiện đại như chúng ta thấy hôm nay được bắt đầu bằng những thành quả của thời đại khai sáng. Đối với người Việt Nam, trong bối cảnh văn hóa và tư tưởng còn thuộc độc quyền nhà nước và nguồn tin tức về lịch sử văn minh phương Tây còn hạn chế, việc tìm hiểu thời đại khai sáng lại càng thú vị hơn. Cho đến cuối năm 2019, chúng tôi sẽ phổ biến chừng 10 bài về đề tài này. Xin giới thiệu với độc giả bài thứ hai và mong được đón nhận nhiều góp ý, phê bình của độc giả.

THỜI ĐẠI KHAI SÁNG Ở CHÂU ÂU (2)

PHƯƠNG CHÂM CỦA KHAI SÁNG

Tác giả: Tôn Thất Thông

Khi thiên nhiên bóc lớp vỏ cứng để làm hiển lộ hạt mầm đã được săn sóc hết sức nâng niu – hạt mầm của xu hướng về lối tư duy tự do – thì dần dần nó sẽ trở lại tác động đến cảm xúc của toàn dân (nhờ thế mà họ sẽ từ từ trở nên có khả năng đạt đến sự tự do để hành động)[1].

Triết gia Immanuel Kant

Khi đi tìm một định nghĩa cho “khai sáng”, các sử gia thường nhắc đến bài tiểu luận trứ danh của Immanuel Kant – Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? – được phổ biến trên Nguyệt san Berlin[2] tháng 11 năm 1784. Bài tiểu luận dài không quá mười trang, và cho dù chưa nói hết mọi tính chất của tinh thần khai sáng, cũng như có một vài lập luận của Kant cần được tranh cãi, nhưng tiểu luận này cũng nói lên được các tính chất cốt lõi có giá trị chung nhất so với định nghĩa của những tác giả khác.

Johann F. Zöllner (1753-1804)
Moses Mendelssohn (1729-1786)

Trước đó một năm, vào tháng 9.1783, một tác giả vô danh[3] viết bài tiểu luận có tính cách khiêu khích, nhân danh một con người khai sáng chống lại truyền thống cổ hủ của giáo hội Kitô, qua đó mọi người muốn tiến đến hôn nhân phải làm lễ ở nhà thờ mới được công nhận là vợ chồng. Vị mục sư Tin lành Johann Friedrich Zöllner, cũng là nhân vật có tiếng trong giới học giả ở Berlin, trả lời tức khắc với tinh thần khiêu khích không kém. Nhưng điều để bàn luận ở đây về ý nghĩa của khai sáng không phải là nội dung bài viết của mục sư Zöllner, mà là một cước chú của ông với câu hỏi: “Khai sáng là gì? So với câu hỏi chân lý là gì, khai sáng cũng có tầm quan trọng không kém và cần được trả lời minh bạch, trước khi khởi đầu sự khai sáng! Nhưng tôi chưa thấy câu hỏi đó được trả lời bất kỳ ở đâu![4]”. Tiếp tục đọc