Mười giới hạn của phương pháp Duflo

MƯỜI GIỚI HẠN CỦA PHƯƠNG PHÁP DUFLO

Agnès Labrousse và Arthur Jatteau, hai nhà kinh tế nghiên cứu các thử nghiệm ngẫu nhiên, giải thích vì sao phải thận trọng với các cuộc thử nghiệm này.

Michael Kremer (1964-)
Abhijit Banerjee (1961-)

Việc trao giải kinh tế học của Ngân hàng Thuỵ Điển cho Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michaël Kremer thổi một ngọn gió hào hứng. Trao giải cho một phụ nữ, hơn thế nữa là một phụ nữ trẻ tuổi hơn tuổi trung bình của các khôi nguyên là một điều tuyệt vời vì ban giám khảo thường dè sẻn trên vấn đề này: đây là lần thứ hai trong vòng năm mươi năm qua. Đã thế, phần thưởng này đánh dấu một bước ngoặt thực nghiệm của kinh tế học thống trị mà ta có thể chào mừng. Cuối cùng, vấn đề nghèo khó – chủ đề nghiên cứu của ba nhà kinh tế này – quay trở lại đứng hàng đầu. Một điều mà ta chỉ có thể lấy làm vui mừng.

Các công trình của ba khôi nguyên nhắm vào những lĩnh vực cực kì khác nhau (dinh dưỡng, giáo dục, tiếp cận tín dụng, v.v.). Điểm chung của các công trình này là một phương pháp được họ mạnh mẽ góp phần đại chúng hoá và được Uỷ ban của Ngân hàng Thuỵ Điển đón nhận như là biện minh cho việc trao giải: các thử nghiệm ngẫu nhiên. Vậy các thử nghiệm này là gì?

Giống như các cuộc thử nghiệm lâm sàng được “ngẫu nhiên hoá”, người ta chia một tổng thể thành hai nhóm, được xác định bằng việc chọn ngẫu nhiên nhằm bảo đảm tính so sánh được – một khi số cá thể cấu thành mẫu là đủ nhiều thì có nhiều khả năng có được những nhóm giống nhau. Từ đó, để đo tác dụng của một “liệu pháp”, chỉ cần điều trị một nhóm duy nhất (gọi là nhóm kiểm định) và không dùng bất kì liệu pháp nào đối với nhóm kia (gọi là nhóm đối chứng). Sau một khoảng thời gian, so sánh hai nhóm cho phép xác định tác dụng của liệu pháp.

Phương pháp này, theo những người ủng hộ nó, các nhà randomista, có tham vọng cách mạng hoá các khoa học kinh tế và chính sách xã hội, đưa chúng thoát khỏi vòng kim cô ý thức hệ để đưa vào cõi thực tiễn và hiệu quả. Bằng cách kiểm định “điều gì là khả thi” với một sự chặt chẽ chưa từng có, kinh tế học phát triển sẽ bước vào thời đại của khoa học.

Tuy nhiên, một khi chú ý đến việc triển khai trong thực tiễn các thử nghiệm ngẫu nhiên trong kinh tế thì cần phải điều chỉnh nhiều những sắc thái của diễn ngôn này về tính mới mẻ và khoa học của phương pháp. Các thử nghiệm ngẫu nhiên có nhiều giới hạn. Chúng tôi sẽ đề cập mười trong số đó, mà không có tham vọng bao quát đầy đủ vấn đề[1]. Tiếp tục đọc