Richard Blair: “Orwell là một người cha tuyệt vời”

RICHARD BLAIR: “ORWELL LÀ NGƯỜI CHA TUYỆT VỜI”

Nhân dịp ra mắt cuốn sách mới Trong suy tư của Orwell (Dans la tête d’Orwell), người con trai của tác giả cuốn 1984 trải lòng mình về “hậu vận” cuốn tiểu thuyết của thân phụ mình.

Thomas Mahler ghi

Tiểu thuyết gia người Anh, Eric Blair – bút danh George Orwell

Mười bảy năm sau khi bản in bằng tiếng Anh ra mắt và tám năm sau khi tác giả qua đời, nhà xuất bản Saint-Simon đã có ý tưởng chuyển dịch cuốn Trong suy tư của Orwell (Christopher Hitchens). Trong cuốn tiểu sử tuyệt vời này, gương mặt nổi bật theo chủ nghĩa vô thần và là tay bút chiến cay độc Hitchens đã tỏ lòng kính trọng và biết ơn nhà văn quan trọng nhất thế kỷ XX. Nhân dịp này, chúng tôi gặp gỡ Richard Blair, người con nuôi của Eric Blair (bút danh George Orwell). Richard Blair tầm 70 tuổi và hiện đang trông coi Hội Orwell, ông lý giải vì sao tác phẩm của cha ông luôn có thêm những độc giả mới, trong khi nhiều tác giả khác lại không có được điều này.

Sau đây là cuộc trò chuyện. Tiếp tục đọc

Hình thành giai cấp và chủ nghĩa tư bản nông nghiệp

Tania Murray Li (1959-)

HÌNH THÀNH GIAI CẤP VÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN NÔNG NGHIỆP

Tania Murray Li (Đại học Toronto, Canada)

Chuyển ngữ: Bùi Thế Cường (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)

Ai sở hữu cái gì? Ai làm gì? Ai kiếm được gì? Họ làm gì với thặng dư? Bốn câu hỏi đó, nhà nông học Henry Bernstein đặt ra, là một xuất phát điểm tốt cho phân tích hình thành giai cấp nông thôn. Những câu hỏi ấy đặc biệt phù hợp cho những nơi chế độ sở hữu ruộng đất và năng lực đầu tư thặng dư để làm tăng quy mô và hiệu quả canh tác, chúng quyết định nông hộ nào thì có thể duy trì sản nghiệp và tích lũy, nông hộ nào thì bị vặt trụi ruộng đất. Tôi đã nghiên cứu một nơi như vậy ở vùng sâu vùng xa nông thôn Indonesia, ở đó tôi dõi theo sự hình thành nhanh chóng những giai cấp nông thôn sau khi các hộ nông dân cao nguyên bản địa nhận phần từ đất công hữu trước kia và bắt đầu trồng cacao. Kể từ đó, họ không còn khả năng quay trở lại nền sản xuất tự cung tự cấp nữa, vì mảnh đất nhỏ của họ không thể cung đủ lương thực cho gia đình và đủ tiền mặt cho nhu cầu quần áo, học phí, v.v.. Do vậy, họ phải tăng cường sản xuất cho thị trường, hy vọng kiếm đủ tiền cho nhu cầu gia đình và duy trì sản xuất. Kẻ thất bại thì mất đất. Đấy chính xác là trường hợp, mà sách giáo khoa đã dạy, sẽ xảy ra khi nông hộ nhỏ trở nên giống hệt công ty nhỏ: bị thống trị bởi các quan hệ tư bản chủ nghĩa, nông hộ nhỏ­­­ dễ mất đi tất cả khi không thể đầu tư để giữ cho doanh nghiệp của mình đủ sức cạnh tranh; và họ lại không còn khả năng cứ mãi đầu tư khi không thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.

Quá trình hình thành giai cấp mà tôi vừa mô tả ngày càng bị biến dạng vì những yếu tố khác. Quan trọng nhất là những trợ cấp [transfers] của Chính phủ và tiền di dân gửi về nhà. Một nông hộ nhận trợ cấp Chính phủ (chẳng hạn chương trình Bolsa Família ở Brazil) hoặc người nhà ở nơi khác gửi tiền về thì chống chọi được với nguy cơ mất sản nghiệp trong thời gian khó khăn (sản phẩm mất giá, nợ không thể trả, mùa màng thất bát, gia đình có người đau ốm hoặc gặp sự cố). Có thể dùng tiền gửi để mua đất, cho vay lãi, hoặc đầu tư vào giáo dục. Cũng có thể dùng để xây nhà lớn hay làm đám cưới hoành tráng, trông bề ngoài tưởng là chi phí vô bổ, song thực ra để tạo dựng mạng lưới xã hội cho gia đình và tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất (kiếm được hợp đồng, tín dụng, thông tin, nâng đỡ). Ngày nay, ta có thể nhìn thấy “những ngôi nhà nhờ tiền gửi về” và vô vàn dấu hiệu khác thể hiện sự chuyển đổi của đất, lao động, và tư bản trên mọi vùng nông thôn châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Ở đây, bốn câu hỏi nêu trên (ai sở hữu cái gì, ai làm cái gì, ai kiếm được cái gì, và họ làm gì với thặng dư) vẫn có thể dùng để phân tích sự hình thành giai cấp nông thôn, nhưng cần diễn giải chúng rộng hơn kết hợp với một loạt các quan hệ phi nông. Tiếp tục đọc

Trung Quốc nói rằng họ muốn có nhiều viện nghiên cứu “độc lập” hơn nữa

Chuyên mục kinh tế Chaguan

TRUNG QUỐC NÓI RẰNG HỌ MUỐN CÓ NHIỀU VIỆN NGHIÊN CỨU “ĐỘC LẬP” HƠN NỮA

Tuy nhiên, đó phải là những tổ chức độc lập “mang đặc sắc Trung Quốc”

Thất vọng vì chất lượng của các tấu chương nhận được, Tống Thái Tổ [Triệu Khuôn Dận – 趙匡胤] đã nảy ra một ý tưởng. Người ta kể rằng người trị vì ở thế kỷ 10 đã hứa với các vị quan lại sẽ không xử tử họ nếu họ nghịch ý của ông. Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang thử nghiệm một giải pháp ít khoa trương hơn cho vấn đề tương tự. Để đảm bảo có một nguồn cung cấp ý kiến đa chiều, ngay cả khi các cuộc tranh luận công khai phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ, ông Tập vẫn đang khuyến khích sự bùng nổ các “viện nghiên cứu mang đặc sắc Trung Quốc”.

Các viện nghiên cứu do nhà nước tài trợ – nhiều tổ chức trong số họ phục vụ cho các bộ đơn lẻ [thuộc chính phủ] hay cho các cơ quan của Đảng Cộng sản – đã tồn tại lâu nay ở Trung Quốc. Nhưng trong những năm gần đây, người ta đã chứng kiến ​​sự phát triển mạnh mẽ của những viện nghiên cứu không nhận được sự tài trợ trực tiếp của nhà nước. Một số tổ chức nhận tài trợ tư nhân, hay liên kết với các trường đại học. Những tổ chức khác đăng ký dưới hình thức công ty tư vấn tư nhân, mang đến sự linh hoạt lẫn khả năng bị tổn thương. Tiếp tục đọc

Khoa học xã hội không còn đóng vai trò quyền lực đối trọng của nó nữa

KHOA HỌC XÃ HỘI KHÔNG CÒN ĐÓNG VAI TRÒ QUYỀN LỰC ĐỐI TRỌNG CỦA NÓ NỮA

Dominique Boullier, giáo sư xã hội học và nhà nghiên cứu tại Medialab (Phòng nghiên cứu về media) ở trường Sciences Po Paris, là một chuyên gia về kỹ thuật số. Từ năm 2012, ông là giám đốc điều hành của chương trình quốc tế Forccast nhắm tới việc tạo điều kiện tốt cho sự thành hình của những dự án sáng tạo trong lãnh vực kỹ thuật số. Ông sẽ tham gia bàn tròn về chủ đề “Civilisation numérique: quels contre-pouvoirs?” (“Nền văn minh kỹ thuật số: đâu là những quyền lực đối trọng)”, được tổ chức trong khuôn khổ của Hội diễn của tờ Le Monde và do Laura Belot chủ trì.

Laure Belot phỏng vấn

Nếu là một quốc gia, Facebook, với 1,4 tỷ thành viên sẽ đông dân hơn Trung Quốc. Công ty đã thông báo không chỉ muốn “nối kết” cả hành tinh mà còn muốn “hiểu được thế giới”. Vậy phải chăng nhà nghiên cứu phải đến với Facebok để nghiên cứu về xã hội?

Để phân tích những dữ liệu mà họ thu thập được, những nền tảng kỹ thuật số như Google, Facebook hay Linkedln tuyển dụng đại trà những người được đào tạo trong những ngành khác nhau (truyền thông, kinh tế, chính trị học và ngay cả nhân học). Chúng ta đang chứng kiến một sự thu hút các bộ não, có rất nhiều người trẻ mơ ước được đến với những tập đoàn này. Tuy nhiên họ không phải phân tích xã hội và dư luận mà chỉ phân tích những dấu vết kỹ thuật số mà những cá nhân để lại trong tài khoản của họ: tweet, “like (ưa thích)”, bình luận …. Sau đó họ tìm kiếm những tương quan. Không cần phải có những giả thuyết lý thuyết để khởi động các máy tính. Rồi sau đó họ bán những phân tích này hay những hình thức làm tăng giá trị của nó, bằng cách gợi ý cho khách hàng nên bố trí một quảng cáo ở chỗ này hơn là ở chỗ khác. Tiếp tục đọc

Shibusawa Eiichi: Doanh Nhân Lập Quốc Vĩ Đại của Nhật Bản + Shibusawa Eiichi, sơ lược về cuộc đời và tác phẩm

SHIBUSAWA EIICHI: DOANH NHÂN LẬP QUỐC VĨ ĐẠI THỜI MINH TRỊ DUY TÂN

Lời nói đầu. Dưới đây là hai bài giới thiệu, một của GS Trần Văn Thọ, một của tôi, cho quyển Tự truyện có tên Vũ Dạ Đàm (Nói chuyện trong đêm mưa) của Shibusawa Eiichi, một trong những nhà lập quốc vĩ đại của Nhật Bản Minh Trị. Nếu Fukuzawa Yukichi truyền bá văn minh khai sáng vào Nhật Bản để thức tỉnh dân tộc, thì Shibusawa có thể nói là một trong những người dựng nước qua việc xây dựng nền kinh tế theo mô hình phương Tây tại Nhật Bản dựa trên tri thức quản lý và công nghệ. Một quốc gia không chỉ thành công bằng những ý tưởng khai sáng thuần túy để có một quốc gia mới phú cường, mà còn bằng muôn vàn đóng góp của những người con thân yêu của đất nước gieo những hạt giống mới của một nền sản xuất hiện đại dựa trên tri thức, công nghệ, trên mảnh đất khai sáng đó. Nước Đức thế kỷ XIX cũng thế, không chỉ có các nhà tư tưởng lớn như Kant mà còn có cả một thiên hà các nhà công nghiệp vĩ đại như Krupp. Và hơn nửa thế kỷ sau, Nhật Bản cũng thế. Đó là quỹ đạo của sự phát triển của các quốc gia đi sau. Đọc Vũ Dạ Đàm chúng ta thấy một Nước Nhật mới manh nha thế nào từ buổi đầu của cuộc Duy Tân trên một mảnh đất trống không. Chỉ có tri thức còn phôi thai học được từ phương Tây, có lòng yêu nước nồng nàn, đạo đức truyền thống kiên định, ý chí và sự đoàn kết cao độ. Shibusawa, cũng như các nhà cải cách khác, không lập ra một lý thuyết mới nào cả, mà nhanh chóng áp dụng nền kinh tế phương Tây vào Nhật Bản. Muốn lấy lại sự bình đẳng đã mất đi trong các hiệp ước thương mại bất bình đẳng với phương Tây, và tránh số phận của Việt Nam hay Trung Hoa, thì đơn giản phải nhanh chóng xây dựng một quốc gia hiện đại như phương Tây để có sức mạnh kinh tế ngang bằng để được công nhận. Để làm điều đó, Shibusawa đã giúp khởi nghiệp – theo đúng nghĩa của từ này hôm nay – mấy trăm công ty ở thời điểm 150 năm trước như một người “khởi nghiệp hàng loạt” – serial entrepreneur – theo kiểu Thung Lũng Silicon, ở mức độ chưa từng thấy.

Nhưng mục đích tối hậu của ông không phải làm giàu, mà vì lý tưởng xây dựng quốc gia, và trách nhiệm của một “sỹ phu doanh nhân” ở buổi giao thời, làm cho tri thức và những cách làm ăn mới lan tỏa trên cả nước một cách thuyết phục để quốc gia thắng lợi. Một dân tộc có những kỳ vọng vĩ đại phải có những người con vĩ đại để thực hiện và trung thành một cách gương mẫu với lợi ích tối thượng của quốc gia. Shibusawa xuất hiện rất đúng lúc lịch sử yêu cầu. Shibusawa không những lập công ty, mà dựng cả quốc gia. Người ta có thể nói đến các nhà khai sáng, giáo dục, chính trị gia, tướng lãnh, nhưng sự hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng có ảnh hưởng to lớn, nếu không muốn nói quyết định, lên sức mạnh sống còn của quốc gia. Nhìn hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp-tài chính, người ta có thể chẩn đoán sức khỏe của quốc gia.

Xin giới thiệu nồng nhiệt với quý độc giả một cuốn sách rất lôi cuốn. NXX Tiếp tục đọc

Từ Jakarta đến Bangkok, các thành phố lớn của châu Á sẽ chẳng bao lâu nữa bị chìm dưới nước?

TỪ JAKARTA ĐẾN BANGKOK, CÁC THÀNH PHỐ LỚN CỦA CHÂU Á SẼ CHẲNG BAO LÂU NỮA BỊ CHÌM DƯỚI NƯỚC?

Cyrielle Cabot

Bangkok có thể bị lún 1,8 mét từ nay đến năm 2025. (Nguồn: Slate)

Phần lớn các thành phố lớn của châu Á đang đứng đầu một bảng xếp hạng rất đáng lo ngại. Đó là những thành phố bị chìm dưới nước nhanh nhất trên thế giới. Nằm trên những vùng châu thổ hoặc duyên hải, và được xây dựng trên các nền đất yếu, nền đất của các thành phố đó đang sụt lún theo tốc độ của một quá trình phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa phi mã.

Từ hệ quả của hiện tượng nói trên, được gọi là hiện tượng sụt lún, nạn lũ lụt trên quy mô lớn đã gia tăng trong nhiều năm gần đây, đặc biệt trong các mùa gió mùa. Năm 2011, sông Chao Phraya, con sông chảy qua Bangkok, đã tràn bờ, làm ngập 40% thành phố. Đã có nhiều khu phố bị tê liệt hoạt động hoàn toàn trong nhiều ngày, dẫn đến thiệt hại về kinh tế lên đến 47,21 triệu euro. Ít được quan sát thấy hơn, nhưng không kém phần đáng lo ngại, đường xá đang sụt lún khiến đường phố có nhiều ổ gà ổ voi, vỉa hè không những bị méo mó mà còn có những vết nứt, đôi khi dài đến nhiều cây số, đe dọa các đường dây tải điện và đường tàu hỏa. Các tòa nhà thì bị nghiêng ngã và nền móng của chúng thì bị suy yếu, dẫn đến những rủi ro sụp đổ.

Ngày nay, các chính quyền địa phương đã nhận thức được hiện tượng này và đang đẩy mạnh các biện pháp để hạn chế những hậu quả của hiện tượng này. Nếu như Bắc Kinh có thể tự xem mình là một kiểu mẫu trong việc xử lý hiện tượng nói trên, thành công trong việc kiềm chế quá trình sụt lún, thì các thành phố khác như Jakarta hay Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục sụt lún với một tốc độ khác thường. Tiếp tục đọc

Lí thuyết điều tiết: Hướng dẫn sử dụng (khái niệm và phương pháp)

PTKT: Nhân GS Robert Boyer, một trong những tác giả khởi xướng lí thuyết điều tiết, sẽ tham gia Hội thảo Rethingking Asian Capitalism and Society in the 21st Century, dưới đây là bản dịch chương 3 cuốn “La théorie de la régulation: une analyse critique”

LÍ THUYẾT ĐIỀU TIẾT: HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG (KHÁI NIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP)

Robert Boyer*

Robert Boyer (1943-)

Bạn đọc nào muốn tự mình đánh giá cách đặt vấn đề này sẽ vấp phải một loạt khó khăn, ít nhất thuộc ba loại.

Điều đầu tiên đáng chú ý là hầu hết những quan điểm đánh giá cách tiếp cận này dựa trên sự hiểu biết rất tản mạn của những công trình được xem xét. Trong thập niên qua, những tài liệu chủ yếu trong thời gian dài là dưới dạng ronéo và chỉ mới trong vòng năm năm gần đây mới được nhân rộng thành những bài viết và sách có tính tổng hợp. Ngay cả ngày nay, mỗi người đọc và trích dẫn những công trình gần nhất với lĩnh vực nghiên cứu quen thuộc (lí thuyết marxist tổng quát, kinh tế học lao động, mô hình hoá kinh tế vĩ mô, lịch sử kinh tế, v.v…). Do đó có thể là một điều có ích nếu cung cấp một trình bày tổng hợp những khái niệm chính, và nếu có thể đan chéo chúng, của hầu hết các tác giả và lĩnh vực. Đó là mục đích đầu tiên của chương này.

Tiếp đến nhà quan sát nào lao mình vào đọc những công trình của các nhà “điều tiết” có khả năng đi đến một chẩn đoán đơn giản. Một cách cơ bản, những nhà nghiên cứu này có một kết luận duy nhất, được lặp đi lặp lại và nở rộ trong một loạt những trích dẫn đan chéo: sự gián đoạn của những xu hướng kinh tế sau 1973 phát sinh từ cuộc khủng hoảng của chế độ Ford[1], được coi như là nguyên lí tổ chức kĩ thuật, xã hội và kinh tế. Nhưng những nhà quan sát có óc phê phán nhất sẽ nhận ngay rằng kết quả này chẳng đặc sắc lắm cũng như là không được đặc biệt lí giải trong chi tiết của sự chứng minh thực nghiệm. Từ đấy nảy sinh ý cho rằng đó chỉ là một thành công có tính thời trang, một hồi trống được khuếch đại quá đáng so với những thành tựu thật sự của lí thuyết điều tiết. Thế mà chương này cố gắng cho thấy điều đó là lấy một kết quả, tuy quan trọng nhưng đặc biệt, thế cho một cách đặt vấn đề tổng quát. Do đó chương này sẽ tập trung trình bày phương pháp mà những điểm ứng dụng có thể rất khác nhau trong không gian và thời gian… nghĩa là rất khác với phương thức phát triển fordist và với sự điều tiết độc quyền vốn chỉ đặc trưng cho bốn thập niên qua của các nước tư bản lớn đã công nghiệp hoá lâu đời. Có thể nói, cây không thể che khuất hạt giống (phương pháp) lẫn rừng (toàn bộ những kết quả). Tiếp tục đọc