Liệu Covid-19 có dẫn đến việc các nhà kinh tế học xét lại các đánh giá, sơ đồ phân tích, mô hình của họ hay không?

LIỆU COVID-19 CÓ DẪN ĐẾN VIỆC CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC XÉT LẠI CÁC ĐÁNH GIÁ, SƠ ĐỒ PHÂN TÍCH, MÔ HÌNH CỦA HỌ HAY KHÔNG?

André Cartapanis (1952-)
Jean-Hervé Lorenzi (1947-)

Các nhà kinh tế học André Cartapanis và Jean-Hervé Lorenzi, trong một diễn đàn trên tờ “Monde”, cho rằng giới kinh tế học, mà sự xác tín vào bộ môn này, vốn đã bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng y tế, từ nay sẽ tập trung mô tả những cơ chế của một sự thay đổi thực sự về hệ ý.

Diễn đàn. Trong suốt kỳ đại dịch, các nhà kinh tế học, bị các nhà dịch tễ học và virus học thế chỗ trong các chuyên mục của các báo đài đã không thất nghiệp trên các blog, trong các hội thảo trên web, các sách điện tử hoặc tạp chí điện tử chuyên ngành. Tuy không phải bao giờ cũng được giới chính trị lắng nghe, họ vẫn đánh giá các hiệu ứng của đại dịch và của việc phong tỏa đối với việc làm hoặc những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cú sốc cung, mà không quên lắng nghe các tin tức thời sự chính trị. Họ đã xem xét những tác động và chi phí của việc di dời nhà máy sản xuất một số loại dược phẩm. Họ đã nhấn mạnh đến những bất bình đẳng xã hội trong bối cảnh tiếp xúc với virus và tình trạng thất nghiệp. Phần lớn các nhà kinh tế học, bất kể vị trí nắm giữ trong giới học thuật hoặc chuyên môn, đã khuyến nghị hoặc chấp thuận các chính sách phản chu kỳ nằm ngoài các chuẩn mực của các Nhà nước và ngân hàng trung ương, khi từ bỏ những phản xạ giáo điều của chủ nghĩa bảo thủ trong lĩnh vực tiền tệ hoặc ngân sách.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, liệu cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19, do quy mô và bản chất của nó, có khiến các nhà kinh tế học xét lại các đánh giá, sơ đồ phân tích, mô hình của họ, và từ đó các chính sách kinh tế được suy ra từ các công cụ này không? Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để nói, khi con coronavirus mới xuất hiện chưa đầy một năm. Và phạm trù mà “các nhà kinh tế học” nghiên cứu tất nhiên bao phủ nhiều thực tế mang tính chuyên môn, học thuyết và lý thuyết rất khác nhau, và vì vậy các phân tích cũng mang tính rất tương phản.

Nhưng câu hỏi này có tầm quan trọng cho tương lai. Bởi vì, với việc tìm ra vắc-xin và triển vọng tiêu diệt đại dịch, đồng nghĩa với việc gỡ bỏ phong tỏa và hoạt động bình thường trở lại vào năm 2021, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp: đó sẽ không còn là vấn đề hạn chế đà sụt giảm tăng trưởng nữa so với tiềm năng sản xuất, mà là vấn đề làm tăng trở lại tiềm năng tăng trưởng, vốn đã bị đe dọa bởi sự mất giá của tư bản, sự sụt giảm đầu tư và những trở ngại về chính trị và xã hội đối với việc phân bổ lại các nhân tố sản xuất giữa những ngành nghề của tương lai với những ngành nghề sẽ không còn chỗ đứng trong tình hình mới về y tế và môi trường. Và thực thi điều này mà không gây hại đến đà tăng trưởng ngắn hạn, do đó cần phải tránh bằng mọi giá việc từ bỏ quá sớm các chính sách hỗ trợ cho hoạt động kinh tế. Đây là toàn bộ vấn đề của tiến trình “phục hồi”. Tiếp tục đọc

Tự do mậu dịch hay sinh thái!

TỰ DO MẬU DỊCH HAY SINH THÁI!

Serge Halimi

Khi chiếm được 10% số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu, những người thuộc chủ trương sinh thái đã đánh thức một cuộc tranh luận cũ về vị trí chính trị của phong trào của họ. Có phải đây là một phong trào cánh tả như gợi ý của phần lớn những đồng minh mà họ đã liên kết lâu nay, hay là thiên về xu hướng tự do, như đã cho thấy qua sự liên minh với Emmanuel Macron của nhiều cựu thủ lĩnh phong trào sinh thái (Daniel Cohn-Bendit, Pascal Canfin, Pascal Durand) và một vài liên minh ở Đức đã bao gồm cánh hữu và đảng Xanh?

Gary Becker (1930-2014)
Milton Friedman (1912-2006)

Một cách tiên nghiệm, chủ nghĩa tự do và bảo vệ môi trường phải tạo thành một cặp đối kháng dữ dội. Thực vậy, năm 2003, một nhà lý thuyết chính yếu thuộc xu hướng tự do như Milton Friedman đã kết luận: “Môi trường là một vấn đề được đánh giá quá cao. (…) Khi chúng ta thở chúng ta đã gây ô nhiễm rồi. Ta sẽ không đóng cửa các nhà máy với cái cớ là loại trừ mọi phát thải khí cacbonic vào không khí. Cầm bằng tự treo cổ ngay tức khắc[1]!” Và trước ông mười năm, Gary Becker, một người công kích khác về điều mà lúc đó người ta chưa gọi là “sinh thái trừng phạt”, ông cũng đã được giải “Nobel kinh tế”, đã nhận định rằng “luật lao động và bảo vệ môi trường đã trở nên thái quá trong phần lớn các nước phát triển”. Nhưng ông đã hy vọng: “Tự do mậu dịch sẽ kiềm chế một số điều thái quá này bằng cách buộc chúng phải giữ tính cạnh tranh trước những nhập khẩu từ các nước đang phát triển[2]. Tiếp tục đọc

Quân đội Miến Điện, một đội quân khổng lồ rạn nứt?

QUÂN ĐỘI MIẾN ĐIỆN, MỘT ĐỘI QUÂN KHỔNG LỒ RẠN NỨT?

Francis Christophe

Kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 ở Miến Điện, đã có nhiều vụ sĩ quan trẻ đào ngũ, với số lượng không xác định. (Nguồn: Guardian)

Trước sự thất vọng của phe đối lập phản đối cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân đội đảo chính, đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của ASEAN về Miến Điện vào ngày 24 tháng 4. Những người phản đối, ủng hộ cựu bà Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, đã thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, và đã yêu cầu được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh này thay cho vị tổng tư lệnh quân đội. Việc phản đối một chế độ độc tài mới ở Miến Điện đã bắt đầu tạo ra những hiệu ứng mới: việc các sĩ quan trẻ của Tatmadaw, tên gọi chính thức của quân đội Miến Điện, tham gia biểu tình và đào ngũ không còn là những trường hợp cá biệt. Liệu sự rạn nứt này, vốn rất khó đánh giá, có thể một ngày nào đó phá vỡ quyền lực của giới tướng lĩnh?

Trong 10 tuần, kể từ ngày Thống tướng Minh Aung Hlaing thực hiện cuộc đảo chính, quân đội Miến Điện đã không cam lòng trở thành kẻ câm lặng nữa. Họ đã trở thành một ẩn số lớn, trong lòng bị kịch của Miến Điện. Trong mắt và tiếng nói của đại đa số người dân Miến Điện, Tatmadaw hùng mạnh, khi duyệt binh hoành tráng vào ngày 27 tháng 3, đã lột xác biến thành “Bon Yan Thu” (“kẻ thù chung”), kể từ ngày 1 tháng 2. Giới tướng lĩnh phe đảo chính, lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện kể từ khi giành được độc lập, đã gần như thành công trong việc thống nhất đất nước. Sát cánh với họ và các công cụ tay sai của họ, là quân đội. Nhưng kể từ ngày 2 tháng 2, tất cả những người phản đối cuộc đảo chính đã coi lực lượng vũ trang Miến Điện là “lực lượng khủng bố” một cách có hệ thống. Tiếp tục đọc

Đọc lại Tư bản (I)

Trần Hải Hạc

ĐỌC LẠI TƯ BẢN (I)

LƯU Ý CỦA TÁC GI – DỊCH GIẢ.

Trần Hải Hạc (1945-)

Năm 2003, công trình nghiên cứu Pháp ngữ Relire Le Capital. Marx, critique de l’économie politique et objet de la critique de l’économie politique của Trần Hải Hạc ra mắt ở nhà xuất bản Page Deux (Lausanne, Thụy Sĩ) và gồm hai tập sách (t.1, 397 trang; t.2, 366 tr.). Từ đầu năm 2021, với nhan đề Đọc lại Tư bản. Marx, phê phán chính trị kinh tế học và đối tượng của phê phán chính trị kinh tế học, bản dịch tiếng Việt do tác giả tự thực hiện sẽ được công bố từng phần trên trang Phân tích kinh tế.

Phần thứ nhất (I) bao gồm các nội dung như sau:

– Lời nói đầu và Lời dẫn nhập [nối kết]

– Lời kết

– Thư mục

– Mục lục

Do không có đầy đủ bản Việt ngữ các trước tác của Marx, dịch giả chọn sử dụng bản Pháp ngữ của các tác phẩm và tự chuyển ngữ. Trong thư mục, các văn bản của Marx được xếp theo thứ tự năm xuất bản tác phẩm gốc hoặc năm Marx biên soạn bản thảo, tiếp theo là nhan đề tiếng Việt của tác phẩm và quy chiếu của văn bản tiếng Pháp. Đặt ở phía sau mỗi chương, các chú thích trích dẫn tác phẩm của Marx gồm có tên của văn bản Việt ngữ và quy chiếu đến văn bản Pháp ngữ.

Khi chuyển ngữ một số thuật ngữ của Marx chưa được thông dụng, lần đầu chúng tôi kèm theo từ Pháp ngữ trong dấu ngoặc đơn, đồng thời phía sau đây chúng tôi gom các thuật ngữ đó trong một bảng đối chiếu Việt – Pháp. Khi cần thiết, chúng tôi bổ sung bảng thuật ngữ với những chú giải về chọn lựa cách chuyển ngữ. Tiếp tục đọc

Khi tác động Xã hội gặp gỡ Kinh tế học Hành vi

KHI TÁC ĐỘNG XÃ HỘI GẶP GỠ KINH TẾ HỌC HÀNH VI

Nate Andorsky

Nếu như tổ chức có tác động xã hội của bạn dựa vào những người ủng hộ đã bỏ ra thời gian, tiền bạc và các nguồn lực (họ há chẳng vậy rồi sao?) để đóng góp thì bạn có thể tự hỏi làm sao mọi người lại dấn thân nhiều hơn vào lý tưởng của bạn — không chỉ để biểu lộ sự cảm thông mà còn để đầu tư theo hướng tích cực. Nếu như bạn cảm thấy thật khó để thúc đẩy mọi người cam kết tham gia, thì đó cũng chẳng phải là lỗi của bạn. Hãy đổ lỗi cho hoạt động truyền thông của bạn. Và hãy đổ lỗi cho kinh tế học nữa.

Tại sao các tổ chức có tác động xã hội lại đòi hỏi cách truyền thông khác nhau

Hiểu được cách mọi người ra quyết định là chìa khóa cho bất kỳ tổ chức nào, nhất là khi mục đích là để thúc đẩy đối tượng mục tiêu cam kết bỏ thời gian hoặc tiền bạc cho một điều thiện — tuy mơ hồ — nhưng lớn lao hơn. Hãy nghĩ về điều đó — khi bạn nhìn thấy một quảng cáo từ hãng Zappos, nó có thể ảnh hưởng đến việc bạn mua một đôi giày. Bạn sẽ thanh toán cho hãng và vài ngày sau, bạn sẽ nhận được một đôi giày qua đường bưu điện. Nhưng khi quyên góp tiền cho dự án Make a Wish |Thực hiện một điều ước|, bạn có được sự hài lòng trong tận đáy lòng khi biết mình đã hỗ trợ một tổ chức thực hiện sứ mệnh biến ước mơ của một đứa trẻ thành hiện thực. Với một số nhà tài trợ tiềm năng, sự hài lòng trong tận đáy lòng là động lực thúc đẩy, còn với những người khác, điều đó vẫn chưa đủ. Những người tạo thêm nhiều động lực, thông qua các bài học về kinh tế học hành vi, có thể tiếp cận đối tượng này và tăng khát khao được tham gia của họ. Tiếp tục đọc

Đối với Đại học Singularity, liệu Covid-19 có biện minh cho việc tăng tốc sử dụng các kỹ thuật công nghệ … gây thiệt hại cho các quyền tự do?

ĐỐI VỚI ĐẠI HỌC SINGULARITY, LIỆU COVID-19 CÓ BIỆN MINH CHO VIỆC TĂNG TỐC SỬ DỤNG CÁC KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ … GÂY THIỆT HẠI CHO CÁC QUYỀN TỰ DO?

Yaëlle Amsallem

file-20201214-18-16d9br0

Tổ chức do giám đốc trí tuệ nhân tạo của Google đồng sáng lập vào năm 2009 giải thích việc dùng đến kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều hơn có thể giúp hạn chế những hiệu ứng của đại dịch. Ảnh: PopTika/Shutterstock

Những phản ứng khác nhau khi đối phó với đại dịch coronavirus đặt ra nhiều câu hỏi sâu sắc về mối quan hệ của chúng ta với quyền tự do. Bên cạnh những hạn chế rõ ràng về quyền tự do của chúng ta do các biện pháp được chính phủ ban hành – đeo khẩu trang bắt buộc, đóng cửa doanh nghiệp, giới nghiêm, cách ly -, đã xuất hiện một hình thức kiểm soát khác, gián tiếp và nham hiểm hơn, liên quan đến việc phổ biến một điều không tưởng về công nghệ trong xã hội, đặc biệt là có thể nhìn thấy được vào thời điểm này thông qua các ứng dụng truy vết đại dịch.

Ray Kurzweil (1948-)
Ray Kurzweil (1948-)
Peter Diamandis (1961-)
Peter Diamandis (1961-)

Có những tổ chức đóng vai trò then chốt trong việc chính đáng hóa các giải pháp công nghệ mới này. Công thức của họ: thúc đẩy những công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ nanô, như là những công cụ hiệu quả để chống lại cuộc khủng hoảng hiện tại, và đặc biệt là chống lại tất cả các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Tôi đã có dịp quan sát một trong các tổ chức này, Đại học Singularity, trong một chuyến đi nghiên cứu ở Thung lũng Silicon. Tổ chức lai tạp này, vừa là một think tank, vườn ươm và tổ chức đào tạo, được nhà tương lai học Ray Kurzweil, giám đốc về trí tuệ nhân tạo tại Google và Peter Diamandis, giám đốc và là người sáng lập quỹ X Prize, thành lập vào năm 2009. Tiếp tục đọc

Từ phương pháp luận đến phương pháp nghiên cứu (chứ không phải ngược lại)

TỪ PHƯƠNG PHÁP LUẬN ĐẾN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU (CHỨ KHÔNG PHẢI NGƯỢC LẠI)

Dẫn nhập cho Hồ sơ “Từ quan sát đến sản xuất kiến ​​thức. Các sự trung gian trong nghiên cứu khoa học xã hội”

Nathalie Mondain, Jean-Marc Larouche Stéphanie Gaudet

Tóm tắt

“Dữ liệu” thường bị giới hạn trong các thông tin thu thập được trong quá trình nghiên cứu trong khi chúng là kết quả của các động thái về quan hệ đã góp phần tạo ra nó. Hồ sơ này tập hợp một mẫu những suy nghĩ về chủ đề này tại Đại học mùa hè thứ 9 của RéDoc (Mạng lưới quốc tế các trường đào tạo tiến sĩ về xã hội học/khoa học xã hội của Hiệp hội quốc tế các nhà xã hội học nói tiếng Pháp/Réseau international d’écoles doctorales en sociologie/sciences sociales de l’Association internationale des sociologues de langue française) được tổ chức tại Đại học Ottawa năm 2018. Các cuộc thảo luận tập trung vào động thái của các mối quan hệ xã hội định hướng quá trình sản xuất tri thức mới từ khái niệm trung gian xã hội. Khái niệm này, vừa đề cập đến các mối quan hệ giữa người quan sát và người được quan sát, vừa đề cập đến các trung gian tạo những cột mốc suốt quá trình nghiên cứu, từ sự thiết kế đối tượng nghiên cứu đến sự phân tích dữ liệu thông qua sự khảo sát thực địa, cho phép chúng ta có cái nhìn phê phán về việc (tái) sản xuất kiến ​​thức và diễn ngôn.

============================================================================

Howard S. Becker (1928-)

Một vấn đề cơ bản và ngày càng mang tính thời sự đối với nhiều nhà nghiên cứu (nam và nữ) trong khoa học xã hội là việc đặt câu hỏi về những chiều kích liên quan đến việc tạo ra kiến thức, trong khi vẫn tránh rút gọn những vấn đề này thành một cuộc thảo luận về các phương pháp để tập trung nó vào khái niệm phương pháp luận phức tạp hơn. Howard S. Becker, trong cuốn sách Những mẹo của nghề/Les Ficelles du métier, chẳng hạn gợi ý những hướng giúp các nhà nghiên cứu “tiến bộ khi họ đối mặt với những vấn đề nghiên cứu cụ thể” (Becker, 2002, trang 25). Theo hướng này, cần phải suy nghĩ về cách thức mà các trải nghiệm xã hội hóa (cá nhân, nghề nghiệp) của những người này đã định hướng quan điểm của họ về một dạng thực tại xã hội cụ thể (mà họ sẽ nghiên cứu) và xem xét sự thiết kế phương pháp luận như một phần không thể thiếu của quá trình lý thuyết hóa (Lahire, 2012, 2007). Thật vậy, khi việc sản xuất kiến thức dựa trên sự lao động thực nghiệm, lao động này thường có xu hướng bị rút gọn thành việc “thu thập dữ liệu” tách ra khỏi toàn bộ quá trình khái niệm hoá đã dẫn đến việc thực hiện nghiên cứu thực địa. Kết quả của điều này là việc tạo ra các kiểu phân loại thực tại xã hội bằng những kỹ thuật đa dạng (điều tra bảng câu hỏi, phỏng vấn định tính, v.v.) dẫn đến việc hình thành hoặc tái tạo các biểu tượng về các nhóm và các sự kiện xã hội. Tuy nhiên, nếu dữ liệu được tạo ra tách rời khỏi quá trình lý thuyết hóa mà toàn bộ nghiên cứu dựa vào, thì không chỉ sự nghiên cứu thực địa mất đi ý nghĩa của nó, mà cả những biểu tượng xã hội này cũng sẽ tự tách rời khỏi thực tại xã hội mà chúng dựa vào. Do đó, “thực địa” nghiên cứu tạo nên chính không gian xã hội trong đó những vấn đề này hiện thực hóa, do đó thu hút mạnh mẽ sự chú ý của các nhà nghiên cứu, đôi khi gây thiệt thòi cho sự suy nghĩ phương pháp luận sâu sắc (Stavo-Debauge et al., 2017) mà khái niệm về các trung gian xã hội giúp chúng ta có thể xem xét trong bất kỳ lĩnh vực nào. Tiếp tục đọc

Thăng trầm của Maya – Bài học về môi trường

THĂNG TRẦM CỦA MAYA – BÀI HỌC VỀ MÔI TRƯỜNG

Tác giả: Tôn Thất Thông

Phần 1. Tổng quan về lịch sử Maya, có video

Ai có một ít quan tâm đến văn hóa cổ châu Mỹ La-Tinh chắc hẳn đã biết đến Maya. Đó là một dân tộc lạ kỳ, đã phát triển văn minh rất cao từ những năm trước Công Nguyên, nhưng rồi suy tàn một cách bí ẩn. Về thiên văn, Maya với kiến thức chính xác về thuyết nhật tâm (Heliocentrism) đã đi trước châu Âu hơn 1500 năm. Về toán học, họ có một hệ thống số độc đáo bao gồm cả số 0, vốn dĩ là thành tố quan trọng hàng đầu trong toán học hiện đại. Để so sánh: châu Âu hơn 1000 năm sau, đến thế kỷ 12 mới biết sử dụng số 0 để tích hợp vào hệ thống thập phân hôm nay. Nhưng nguyên do nào đã khiến Maya lặp lại chu kỳ hưng thịnh rồi thoái trào nhiều lần trong lịch sử? Chúng ta học được gì từ bài học Maya?

***

Cho đến giữa thế kỷ 19, không ai hay biết gì về một nền văn minh huy hoàng đã từng hiện hữu ở Trung Mỹ. Người Tây Ban Nha khi đến xâm chiếm châu Mỹ có hai mục đích lớn: mang của cải từ vùng đất chiếm được về cho mẫu quốc và truyền bá Thiên Chúa giáo vào châu Mỹ. Để thực hiện nhiệm vụ đó, các giáo sĩ thừa sai được quyền làm mọi chuyện để tiêu diệt dị giáo. Chắc hẳn họ cũng đã thấy ít nhiều các công trình văn hóa ở Trung và Nam Mỹ, nhưng họ mang sứ mạng phải tiêu diệt tận gốc tôn giáo và văn hóa bản địa, làm sao họ nghĩ đến chuyện khai quật để nghiên cứu? Sau khi Tây Ban Nha thôn tính hầu hết khu vực Trung Mỹ giữa thế kỷ 16, phải đợi thêm 300 năm sau, một cuốn sách ra đời ở Nữu Ước năm 1842 của hai nhà thám hiểm nghiệp dư, luật sư John Stephens người Mỹ và trắc họa viên Frederik Catherwood người Anh. Cuốn sách trình bày về 44 công trình kiến trúc độc đáo của một dân tộc bản địa chưa ai hề biết nguồn gốc. Mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc và điêu khắc tinh xảo. Trên các bức tường bên trong cũng như mặt ngoài đều có ghi những biểu tượng khó hiểu, mà mãi đến đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ mới giải mã rằng, đó là chữ viết của người Maya.

Ngay cả khi sách đã trở thành tác phẩm ăn khách nhất, được bán 20.000 cuốn trong vòng ba tháng và sau đó còn tái bản, đa số mọi người vẫn nghĩ rằng, các công trình vừa được khám phá là thành quả của một nền văn hóa khác từ xa mang đến, vì họ cho rằng, thổ dân bản địa khó lòng xây dựng được những công trình văn hóa có giá trị cao như thế. Tuy nhiên, những phát hiện đột phá được mô tả trong sách đã khởi đầu cho những cuộc thám hiểm và hoạt động khảo cổ nhộn nhịp. Đến đầu thế kỷ 20, các sử gia và nhà khảo cổ từ Canada, Mỹ, Anh, Pháp, Đức mới dần dần giải mã chữ viết bí ẩn của người Maya và mở rộng cánh cửa để soi rọi vào lịch sử của một nền văn minh vĩ đại đã suy tàn. Họ kết luận rằng, lịch sử văn minh cổ ở Tây bán cầu không chỉ có văn minh vùng biển Địa Trung Hải như Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Ba Tư, Ả Rập, mà còn có Maya, một nền văn minh cổ ở châu Mỹ mà trong một số lĩnh vực, Maya còn hơn xa các nền văn minh thuộc khu vực Địa Trung Hải.

Trong thời kỳ hưng thịnh, Maya chiếm ngự một vùng đất rộng lớn ở Trung Mỹ, bao gồm khu vực ở miền Nam Mexico, bán đảo Yucatán, Belize, một phần ở Bắc Honduras và El Salvadore.

Những giai đoạn lịch sử

Chu kỳ hưng thịnh rồi tiếp đến thoái trào vốn thường xảy ra trong mọi nền văn hóa, đối với mọi dân tộc. Nhưng thoái trào với hệ lụy bi thảm lên dân số và cấu trúc xã hội, dẫn đến mức độ suy tàn, thì Maya đã chứng kiến ba lần trong suốt lịch sử hơn 5000 năm. Hai lần đầu, Maya suy tàn đến mức bi thảm nhưng họ tự phục hồi được sau chừng một thế kỷ và văn hóa được xây dựng lại ở mức độ cao hơn. Đến giữa thế kỷ 16, khi Tây Ban Nha chiếm Trung Mỹ thì sự suy tàn của Maya cuối cùng đã dẫn đến sụp đổ. Dân số phần lớn bị tiêu vong, tất cả kinh thư văn tự bị thiêu đốt, văn hóa bị hủy diệt, giới tinh hoa không còn nên dân tộc cũng dần dần mất hết sức sống. Ba thời kỳ lịch sử có thể tóm tắt như sau:

Thời kỳ tiền cổ điển (1000 BC – 250 AD): Công trình khảo cổ cho thấy rằng, dấu vết người Maya đã có từ 3000 năm trước Công Nguyên, tức là cách đây đã 5000 năm. Đến năm 2000 trước CN thì họ bắt đầu sống thành từng làng nhỏ, khai hoang rừng để định cư và xây dựng nông nghiệp. Nhưng lịch sử văn hóa Maya có thể xem như thực sự bắt đầu khoảng năm 1000 trước CN, khi các công trình kiến trúc, đền thờ, cung điện bắt đầu được xây dựng. Giai đoạn hưng thịnh nhất của thời kỳ này kéo dài bốn thế kỷ từ năm 400 trước CN, rồi suy tàn một cách bí ẩn kể từ năm 150 sau CN, khi kinh đô khổng lồ của họ, El Mirador, không còn một bóng người. Và El Mirador giờ đây cũng chỉ là vang bóng một thời, không còn tồn tại trên bản đồ thế giới, vì phần lớn các công trình kiến trúc đã chìm sâu dưới lòng đất, trong khu rừng già khó tìm được lối đi vào.

Thời kỳ cổ điển (250 – 900 sau Công Nguyên): Với sức sống mãnh liệt, người Maya xây dựng quê hương mới bằng cách di chuyển từ trung tâm El Mirador để tỏa ra khắp các vùng chung quanh, bao gồm một vùng đất rộng lớn kéo dài từ bắc, tức bán đảo Yucatán ở Mexico hiện nay, xuống Belize, Guatemala, El Salvador và Honduras. Văn minh của họ phát triển lên một mức cao hơn, cấu trúc chính trị thay đổi từ trung ương tập quyền biến thành quyền lực địa phương có trao đổi thương mại với nhau và duy trì một tập tục văn hóa tương đối thống nhất. Sau thời kỳ xây dựng và ổn định kéo dài 300 năm, văn hóa Maya bắt đầu phát triển mạnh từ năm 600 sau Công Nguyên, nhưng chỉ kéo dài ba thế kỷ và rồi lại suy tàn một cách bí ẩn vào thế kỷ 10 sau CN.

Diego de Landa (1524-1579)

Thời kỳ hậu cổ điển (900 – 1550 sau CN): Không lâu sau khi suy tàn lần thứ hai, Maya bắt đầu phát triển trở lại với một ít thay đổi về thể chế chính trị: chế độ đặt cơ sở trên liên minh giữa thần dân và Thiên Hoàng (God-King) được thay bằng quí tộc phong kiến cát cứ. Phong cách kiến trúc cũng mới mẻ và sắc sảo hơn. Các thành quả đạt được từ hai thời kỳ trước được bảo tồn và phát triển. Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp cho đến lúc người Tây Ban Nha đến xâm chiếm vào giữa thế kỷ 16. Với chế độ tàn bạo vô song của Tây Ban Nha sau một thế kỷ, dân số Maya chỉ còn 1% của thời kỳ hưng thịnh [xem Diamond tr. 199-224]. Với tư tưởng cực đoan của các giáo sĩ thừa sai quyết tiêu diệt dị giáo, hàng vạn văn tự của Maya bị truy lùng và thiêu đốt vì họ xem đó là kinh văn ngoại đạo. Người điều khiển việc hủy diệt văn hóa là giáo sĩ Diego de Landa, thống đốc của Yucatán, sau đó được Giáo hội La Mã phong làm Giám mục địa phận Yucatán vào năm 1572 để thưởng công cho thành quả tiêu diệt dị giáo trong sự nghiệp truyền bá Kinh Thánh vào khu vực Trung Mỹ. Kể từ thế kỷ 17, văn hóa Maya hoàn toàn bị hủy diệt. Văn tự của Maya chỉ còn bốn phiên bản Codice không đầy đủ nhưng may mắn còn lưu truyền lại đến hôm nay. Khác với hai lần suy tàn trước đây, lần này dân tộc Maya kiệt quệ không ngóc đầu dậy nổi dưới sự đàn áp tàn bạo của người Tây Ban Nha suốt 500 năm, đi kèm với chính sách kỳ thị chủng tộc của thành phần thống trị gốc da trắng châu Âu. Giờ đây, người Maya sống như công dân hạng hai trên chính quê hương của mình.

Bài biên khảo này bao gồm ba phần:

Phần một: Sơ lược những điểm chính yếu của lịch sử hai thời kỳ tiền cổ điểncổ điển, tức bao gồm giai đoạn lịch sử từ lúc khởi đầu cho đến thế kỷ thứ 9 sau Công Nguyên. Phần này được trình bày dưới dạng video, lấy phim tài liệu của đài truyền hình ZDF Dokumentation[*] làm gốc, kèm thêm phụ đề tiếng Việt. Video này sẽ cung cấp dữ liệu cho việc phân tích tiếp theo sau về nguyên do sự suy tàn của văn hóa Maya.

Đây là một phim tài liệu có giá trị cao. Cộng tác viên và cố vấn khoa học cho phim này bao gồm những chuyên gia tầm cỡ về Maya và văn hóa châu Mỹ cổ đại (Pre-columbian era) như:

Richard D. Hansen
Antje Gunsenheimer (1967-)

Tiến sĩ Richard Hansen, đại học Idaho USA, hiện là Giám đốc Mirador Basin Project.

Giáo sư Nikolai Grube, đại học Bonn, một trong số ít chuyên gia Maya xuất sắc trên thế giới.

Tiến sĩ Antje Gunsenheimer, đại học Bonn, chuyên gia về châu Mỹ cổ đại.

Phần hai và ba: Từ video nói trên, bổ sung thêm những tài liệu khảo cổ sau này, phần hai và ba tìm cách lý giải nguyên nhân của hai lần suy tàn trong lịch sử Maya trong hai thời kỳ nói trên. Trong nhiều nguyên do, phần này sẽ chú trọng đến những nguyên do liên quan đến việc phá hủy môi trường, sự biến đổi khí hậu và chiến tranh vì xung khắc quyền lực, để từ đó rút ra bài học cho thời đại chúng ta đang sống.

Trước hết, xin mời độc giả xem phần một – video có phụ đề tiếng Việt.
(Tập tin dài đến 1 GB, cho nên thời gian tải để bắt đầu có thể lâu một chút):

.

https://photos.app.goo.gl/z3XcAM7RjtMVQKdb6

.

Kim Tự Tháp Kukulcán ở Chichén, Itza thuộc bán đảo Yucatán, Mexico (được xây vào khoảng thế kỷ 9)

* * *

Phần 2. Những thành quả khoa học của Maya

Tóm tắt: Trong phần một, chúng ta đã có một cái nhìn sơ lược về lịch sử thăng trầm của Maya. Trình độ văn minh và các sự kiện lịch sử Maya được các giáo sĩ và học giả ghi chép cẩn thận trong các văn thư. Tiếc là trong hàng vạn kinh văn đó, chỉ còn sót lại bốn văn tự còn tồn tại và được lưu giữ cẩn thận. Từ bốn văn tự đó, chúng ta xem thử Maya đã có những thành quả khoa học nào, từ đó so sánh sơ bộ với văn minh thế giới đương thời. Việc phân tích nguyên do của sự suy tàn được dời lại vào phần 3.

***

Trong thời cổ đại và trung cổ, “người Maya là bậc thầy về kiến trúc, thiên văn, toán học và là người khám phá một loại chữ viết phức tạp” [xem Obländer]. Giáo sĩ và học giả Maya ghi chép rất cẩn thận mọi hoạt động trong xã hội của họ. Đó là những sách xếp (Codices) như chúng ta thường thấy ở những tài liệu quảng cáo hiện nay. Tiếc là tất cả các sách này đã bị người Tây Ban Nha thiêu hủy gần hết. Những điều chúng ta biết về văn minh Maya ngày nay, một phần do công trình khảo cổ để đưa đến kết luận, nhưng vì thế, không phải kết luận nào cũng được mọi người đồng ý tán thành. Chỉ có những điều được chính người Maya ghi chép lại thì mới có mức độ chính xác cao. Tiếc thay, trong hàng vạn văn tự của họ chỉ còn sót lại bốn Codices may mắn thoát khỏi nạn bị thiêu đốt bởi các giáo sĩ Tây Ban Nha. Đó là bốn văn tự được lưu giữ rất cẩn thận ở Dresden, Paris, Madrid và Mexico City, tổng cộng chỉ còn 220 trang. Vì thế, những điều chúng ta biết hôm nay về Maya chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ nền văn hóa vốn được xây dựng qua hai thiên niên kỷ, được ghi chép cẩn thận trong hàng vạn cuốn sách không còn tồn tại.

Bức họa truyền thần của Catherwood: Nữ tu viện của người Maya ở Uxmal.
Khám phá năm 1840 bởi hai nhà thám hiểm nghiệp dư Stephens và Catherwood.

Sử gia nghệ thuật Suzanne Nolan tóm tắt như sau: “Maya là một xã hội phát triển rất cao. Họ có một hệ thống toán học hoàn chỉnh, một hệ thống số độc đáo. Họ là dân tộc đầu tiên của loài người biết sử dụng số 0, vốn là một khái niệm vô cùng quan trọng của toán học hiện đại. Họ có một hệ thống khảo sát thiên văn rất chi tiết về sự chuyển động của các hành tinh và các vì sao. Họ tính toán rất chính xác vị trí từng ngày của Venus, vì hành tinh này là thần chiến tranh của họ. Bộ lịch phức tạp của họ chính xác hơn các bộ lịch đương thời trong thế giới phương Tây. Họ xây dựng nhiều công trình vĩ đại mà không hề sử dụng phương tiện bằng kim loại. Không có súc vật để kéo, không có bánh xe, xe đẩy hoặc các phương tiện tương tự. Dù thế, họ vẫn có thể xây dựng đền đài, kim tự tháp rất lớn, chính xác là lớn nhất thế giới, hơn cả Ai Cập” [xem Pomeroy].

Về nông nghiệp, người Maya nổi tiếng về phương pháp đa canh để tăng sản lượng lương thực. Trên cùng một mảnh đất, họ canh tác rất khoa học một lúc ba loại hoa màu mang tính chất cộng sinh: bắp, đậu leo và bí ngô. Cây bắp là chỗ dựa cho đậu leo. Ngược lại, đậu nhả khí ni-tơ ra đất, vốn là chất dinh dưỡng cần thiết cho bắp. Bí ngô thì có tàn lá rộng, có vai trò giữ độ ẩm, bảo vệ đất chống mưa lớn và cản các tia sáng mặt trời. Bắp cũng là thực phẩm chính của người Maya và theo truyền thuyết, họ cũng chính là “người bắp” do thần linh nhào nặn từ bột bắp mà ra.

Nhà khảo cổ Richard Hansen tìm thấy những minh chứng khảo cổ về năng lực sáng tạo của người Maya để biến những vùng trũng bùn lầy trở thành diện tích canh tác. Ở những vùng đó, họ có sáng kiến dùng bèo, đất bùn, rơm rạ để biến những khu đầm lầy thành diện tích khai khẩn nông nghiệp, những vùng đất mà các nhà khảo cổ sau này gọi là cánh đồng ruộng bơi trên nước. Ở đó có đủ loại hoa màu: trái bơ, ớt, cà chua v.v. [xem Obländer, Gregor].

Nikolai Grube (1962-)

Bắt đầu thế kỷ 4 trước CN, người Maya đã sử dụng chữ viết rất rộng rãi trong giới giáo sĩ và học giả. Trên mỗi công trình xây dựng, họ đều ghi lại sự tích và ngày hoàn thành căn cứ vào bộ lịch dài ngày (long count calendar). Chuyên gia Maya, GS Nikolai Grube cho rằng, Maya có thể đã có vài chục ngàn văn tự ghi chép lịch sử và các hướng dẫn cần thiết cho việc cai trị. Có lẽ mỗi vị vua, mỗi giáo sĩ đều có một thư viện riêng, vì các văn tự này, kết hợp với bộ lịch dài ngày là phương tiện chính xác để họ quy định các sự kiện quan trọng như khai khẩn mùa màng, cử hành thánh lễ v.v., một hình thức biểu dương quyền lực đối với thần dân [xem Obländer]. Sau này, khi chữ viết Maya đã được giải mã, các nhà khảo cổ đều thống nhất rằng, chữ viết của người Maya mang tính biểu tượng cao với trí tưởng tượng thông minh. Maya cũng là dân tộc duy nhất trong cộng đồng các thổ dân Nam Mỹ có chữ viết mà các nhà khảo cổ hôm nay có thể chuyển ngữ được. So với Hy Lạp, nơi chữ viết ra đời sớm nhất trong nền văn minh Địa Trung Hải, thì Maya đã có chữ viết cùng thời với tiếng Hy Lạp cổ, vốn được dùng trong tác phẩm của các học giả Hy Lạp như Plato, Aristotle.

Sau đây là vài thành quả khoa học lấy từ các ghi chép trong bốn Codices còn được lưu trữ nói trên.

Thiên văn

Không có kính viễn vọng mà chỉ cần những dụng cụ rất giản dị, người Maya dùng mắt thường để quan sát và tính toán một cách chính xác sự chuyển động của các hành tinh. Từ đó họ kết luận rằng quả đất quay chung quanh mặt trời với tốc độ 365,2422 ngày để quay đúng một vòng trở về vị trí cũ.

Theo tôn giáo người Maya, mặt trời là thần linh của mọi thần linh, và mặt trời cũng chính là tổ tiên của người Maya. Có lẽ vì thế mà họ dễ dàng đến với thuyết nhật tâm (Heliocentrism), tức mặt trời là trung tâm của vũ trụ và tất cả các hành tinh khác đều quay quanh mặt trời, như khoa học ngày nay đã chứng minh. Người Maya rất coi trọng ngành thiên văn. Ở những trung tâm lớn, họ xây dựng đài thiên văn với kiến trúc tân kỳ chính xác để quan sát sự chuyển động các hành tinh, sao và các thiên thể khác. Trong các hành tinh thuộc thái dương hệ, người Maya chú ý đặc biệt đến Venus, vì theo họ, đó là thần chiến tranh. Từ đài thiên văn xây dựng rất đặc biệt, người Maya đo được vòng quay của Venus chung quanh mặt trời với độ sai số 14 giây trong một năm, nếu so sánh với kiến thức thiên văn ngày nay. Về vòng quay của mặt trăng chung quanh quả đất, họ tính được với sai số 23 giây trong một tháng [xem Gregor]. Theo người Maya, nhật thực và nguyệt thực là những biến cố quan trọng mang tính định mệnh, cho nên những ngày đó được người Maya tính toán rất chính xác, được tiên đoán từ nhiều thế kỷ trước và được ghi chép trong bộ lịch dài ngày độc đáo của họ.

Cho đến ngày hôm nay, không ai cắt nghĩa được từ đâu mà con người cách đây 3000 năm có thể biết chính xác các số liệu về thiên văn như thế.

Để so sánh với châu Âu: Thuyết địa tâm (Geocentrism), tức quả đất là trung tâm của vũ trụ, được Plato và Aristotle đưa ra vào thế kỷ thứ 4 trước CN, sau đó được Ptolemy hệ thống hóa. Thuyết này được Giáo hội Kitô hết lòng quảng bá, vì nó phù hợp với Thánh kinh giảng rằng con người do Chúa sáng tạo, cho nên con người và quả đất là trung tâm của vũ trụ. Niềm tin đó kéo dài gần 2000 năm, cho đến lúc Nicolaus Copernicus chứng minh thuyết nhật tâm (Heliocentrism) bằng luận cứ khoa học trong tác phẩm phát hành năm 1543. Sách bị Giáo hội cấm phổ biến gần 200 năm vì lập luận bị xem là phản giáo. Học giả nào bênh vực Copernicus đều bị tòa án dị giáo kết án, như Giordano Bruno bị thiêu sống năm 1600, hay Galileo Galilei bị quản thúc chung thân năm 1633. Phải chăng, vũ trụ quan của Maya đã đi trước châu Âu gần 2000 năm?

Toán học

Để dễ hiểu, trước hết chúng ta so sánh với toán học hôm nay. Hàng ngày chúng ta đang sử dụng hệ thống thập phân, tức cơ số 10 bao gồm các số 0, 1, 2, …, 9. Tuy nhiên, hệ thống số hiện nay của chúng ta chỉ có giá trị thực tiễn sau khi người Ả Rập dùng hệ thống số của Ấn Độ, bổ sung thêm khái niệm số 0 để tạo thành hệ thống thập phân vào thế kỷ thứ 9. Mãi đến lúc Ả Rập suy tàn vào thế kỷ 12, hệ thống này mới được du nhập vào châu Âu. Ngành toán học vì thế phát triển nhanh. Trong kỹ thuật digital bắt đầu thế kỷ 19, chúng ta lại bổ sung thêm hệ thống cơ số 2 bao gồm hai thành phần 0 và 1, từ đó lý thuyết về ngành máy tính mới có thể phát triển được.

Người Maya cũng có một hệ thống số tương tự như thế, nhưng lấy cơ số 20 làm chuẩn và chỉ bao gồm ba ký hiệu căn bản: 0, 1 và 5 (xem hình dưới, bên trái). Phối hợp ba ký hiệu đó, người ta biểu diễn được 20 số, từ 0 đến 19 cho mỗi vị trí trên một dãy số. Cứ thế, trị giá thực của vị trí kế tiếp được nhân cho lũy thừa theo cơ số 20, đó là 1, 20, 400, 8000. Như vậy, trị giá của một dãy số được tính bằng tổng cộng các trị giá theo lũy thừa của 20. Hình bên phải là thí dụ để tính một dãy số theo hệ thống số của người Maya. Hệ thống này được họ sử dụng từ thế kỷ thứ 3 trước CN.

Điều độc đáo là họ biết sử dụng số 0 vài thế kỷ trước CN, điều mà châu Âu gần 1500 năm sau mới biết công dụng của nó. “Số 0 có lẽ là phát minh vĩ đại nhất của loài người. Không có số 0, mọi tính toán phức tạp đều bất khả thi. Và đời sống hiện đại của chúng ta cũng khó hình dung ra được. Người Hy Lạp, La Mã chưa hề biết đến số 0. Người châu Âu, mãi đến thế kỷ 12 mới biết thực hiện các phép tính với số 0” [xem Obländer].

Lịch sử thế giới cho thấy, châu Âu và châu Á phát triển sớm và có ảnh hưởng hỗ tương nhờ giao thương với nhau, từ đó văn minh vùng này có thể dễ dàng ảnh hưởng đến vùng khác. Hiệu ứng cộng sinh này đã làm cho văn hóa và sự phồn vinh của hai châu lục này không ngừng được nâng cao. Trong lúc đó, ba lục địa khác hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài: Nam châu Phi bị cô lập vì biển cả và sa mạc Sahara rộng cả 2000 cây số, Úc Châu và Mỹ Châu được bao quanh bởi đại dương. Trong lúc Úc Châu và Nam châu Phi vẫn còn nếp sống bộ lạc và phát triển chậm, thì Maya ở Mỹ Châu đã có nếp sống định cư, phát triển nông nghiệp đa canh, thành lập vương quốc và tự phát triển một nền văn minh độc đáo, cao hơn các nơi khác.

Giá mà giữa châu Âu, Á và châu Mỹ có sự giao thương từ trước thì biết đâu, nền toán học nói riêng và nền khoa học của chúng ta nói chung đã có thể phát triển sớm hơn vài thế kỷ nhờ học hỏi từ Maya? Giá mà người Tây Ban Nha không có chính sách diệt chủng và hủy diệt văn hóa, thì biết đâu, văn minh Maya đã có thể đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển văn minh thế giới ngày nay? Và biết đâu, kinh nghiệm hai lần suy tàn của Maya có thể là một cảnh báo sớm cho chúng ta về ý thức bảo vệ thiên nhiên?

Dù không thể quay ngược bánh xe lịch sử, nhưng việc học hỏi từ lịch sử có thể giúp chúng ta cảm thông nhau để xây dựng một quan hệ hài hòa giữa các chủng tộc, nhất là với những chủng tộc bị kỳ thị thô bạo như thổ dân và người da đen.

Lịch Maya

Bộ lịch của người Maya có ba thành phần: Lịch ngày, lịch chiêm tinh và lịch dài ngày. Mỗi thành phần được biểu diễn bằng một chuỗi số có bánh răng cưa đan vào nhau.

Lịch ngày (Haab): được xác định do sự quan sát của chuyển động của mặt đất chung quanh mặt trời. Từ đó họ tính được thời gian để quả đất quay đúng một vòng là 365,2422 ngày, tức là sau 1507 ngày sẽ có một ngày nhuận như lịch của chúng ta hôm nay, nhưng người Maya tính chính xác hơn. Nói cách khác, sau 1507 ngày, hay 4 năm và 47 ngày, sẽ có điều gọi là năm nhuận như cách hiểu của chúng ta hôm nay. Để so sánh: Lịch La Mã có 365 ngày trong năm, cứ bốn năm là năm nhuận, tức 366 ngày. Tuy vậy, theo tính toán hiện nay, lịch La Mã vẫn còn một sai số nhỏ là 11 phút mỗi năm.

Lịch chiêm tinh (Tzolk’in): Lịch này có hai vòng tròn đan chéo vào nhau như bánh xe răng. Bánh xe lớn có 20 ngày, bánh xe nhỏ có 13 con số thiêng liêng. Hai bánh xe đó đan chéo với bánh xe của lịch ngày sẽ chỉ cho người Maya biết ngày nào sẽ là tốt hay xấu cho một sự kiện nào đó, như ngày gieo hạt trồng trọt, xây nhà cửa đền đài, làm thánh lễ cúng thần linh, v.v.. Bộ lịch chiêm tinh của Maya có công dụng tương tự như lịch bói toán của Trung Hoa.

Lịch dài ngày (Long count): Lịch này dùng để ghi chép những sự kiện cần lưu trữ dài ngày. Lịch được phân chia thành nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ có một tên riêng, và chu kỳ được lập lại theo cơ số 20 (trừ một ngoại lệ). Thí dụ 20 K’atun có chu kỳ 394 năm, 20 B’aktun có chu kỳ 7885 năm. v.v.. Các nhà khảo cổ không rõ bộ lịch này được sáng chế từ lúc nào, nhưng có lẽ rất sớm, vì trên mỗi công trình kiến trúc đều có ghi chép năm hoàn tất. Thí dụ lễ đăng quang của một triều đại Maya được ghi trên đền thờ là B’aktun 8, điều đó cho phép chúng ta lấy năm đó (250 sau CN) là năm khởi đầu của thời kỳ cổ điển.

***

Ghi chú thêm: Các nhà sử học hôm nay đều ngạc nhiên rằng, dù trình độ khoa học tự nhiên rất cao, nhưng một số biểu hiện hàng ngày của văn minh châu Âu và Á lại thiếu ở vùng Maya, thí dụ như việc sử dụng kim loại để chế tạo dụng cụ và vũ khí, việc sử dụng bánh xe để kiến tạo các phương tiện giao thông chuyên chở. Ngoài ra thiên nhiên cũng không cho họ những giống cây sản xuất nhiều chất dinh dưỡng như khoai tây, lúa. Họ cũng không có các loại súc vật có thể được được thuần hóa để phục vụ nhu cầu đời sống như trâu, bò, lạc đà, voi để kéo vật nặng, ngựa để làm phương tiện giao thông, cừu để lấy lông làm áo ấm. Người Maya cũng không có một loại vũ khí nào đáng kể. Có lẽ những thiếu sót này đã làm cho sức mạnh của họ giảm hẳn khi đối địch với quân đội Tây Ban Nha trong thế kỷ 16, cho nên bị diệt vong bởi người châu Âu.

* * *

Phần 3. Những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn

Tóm tắt: Trong phần một, chúng ta đã có một cái nhìn sơ lược về lịch sử thăng trầm của Maya. Phần hai trình bày vài thành quả khoa học dựa theo những ghi chép trong bốn sách xếp (codices) duy nhất còn tồn tại. Phần ba, cũng là phần cuối khảo sát tiến trình thăng trầm của lịch sử Maya qua các thời kỳ, và căn cứ vào các tài liệu khảo cổ về sau, chúng ta thử xem đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy tàn bí ẩn của một nền văn hóa cao với sức sống mãnh liệt của người dân. Tất nhiên là không đầy đủ, nhưng chúng tôi sẽ chú trọng đến những nguyên nhân nào mà lịch sử Maya có thể cung cấp những bài học hữu ích cho thế hệ chúng ta và con cháu về sau.

***

Trong quá trình phát triển lịch sử Maya thời kỳ tiền cổ điển (preclassic period), các trung tâm văn hóa chuyển dịch từ các cao nguyên dọc bờ biển Thái bình dương ở Guatemala và Nam Mễ Tây Cơ, tiến dần về các đồng bằng phía bắc và đông bắc với các trung tâm văn hóa lớn ở lưu vực Petén và lưu vực El Mirador. Quyền lực chính trị mang tính chất tập trung (xem bản đồ, vòng số 2). Bước sang thời kỳ cổ điển (classic period), dân số được phân tán rộng, các vương quốc nhỏ bắt đầu thành hình tạo nên những trung tâm quyền lực mới, cấu trúc chính trị vì thế cũng không còn là trung ương tập quyền mà phân tán thành nhiều vương quốc nhỏ địa phương. Cuối cùng đến thời kỳ hậu cổ điển (postclassic period), người Maya định cư phần lớn ở bán đảo Yucatán ở những vùng có nguồn nước ổn định. Nhiều trung tâm văn hóa thành hình ở vùng vịnh Mexico và Caribbean. Đặc biệt quan trọng của thời kỳ này là, niềm tin tôn giáo cho rằng vua là đại diện của thần linh không còn đứng vững như trước, vì nhà vua không bảo vệ họ thoát khỏi những tai họa thiên nhiên.

Trong hai thời kỳ đầu, rất nhiều thành phố Maya sau thời gian đông đúc hưng thịnh bỗng nhiên thưa thớt rồi cuối cùng không còn bóng người. Điều bí ẩn này được giải thích thế nào? Nếu các văn tự của người Maya còn tồn tại, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra nguyên do chính xác. Nhưng giờ đây, chúng ta chỉ biết dựa vào các công trình khảo cổ để phán đoán. Về nguyên nhân, chúng ta có thể phân biệt hai loại: Thứ nhất là nguyên nhân liên quan đến môi trường như thiên nhiên bị phá hủy hoặc biến đổi khí hậu sinh ra lụt lội, hạn hán; thứ hai là nguyên nhân liên quan đến xã hội như chiến tranh, đại dịch, v.v..

Các bằng chứng khảo cổ từ thời cổ đại cho đến năm 1000 sau CN cho thấy, không có dấu vết nào về chết chóc hàng loạt thường dẫn đến các mồ chôn tập thể, thí dụ do đại dịch; cũng không thấy dấu vết binh khí ở các thành phố lớn, như thường thấy sau một cuộc chiến tranh lớn. Vậy đâu là nguyên nhân chính của sự suy tàn? Chúng ta thử khảo sát ba giai đoạn hưng thịnh rồi suy tàn kế tiếp nhau:

Bản đồ phát triển văn minh và bành trướng dân số Maya:
Vòng 1: Lúc khởi thủy. Vòng 2: Lúc hưng thịnh của thời kỳ tiền cổ điển.
Vòng 3 & 4: Thời kỳ cổ điển và hậu cổ điển.

1. Thời kỳ tiền cổ điển (1000 trước CN – 250 sau CN)

Bắt đầu khoảng năm 1000 trước CN, người Maya phát triển khu vực hành lang dọc bờ biển Thái bình dương (xem bản đồ, vòng tròn số 1). Ở đó, người ta khai quật được những vết tích của làng mạc với các đồ dùng bằng gốm. Khu thương mại trù phú nhất là La Blanca, tuy nhiên, trung tâm quyền lực lớn nhất là Kaminaljuyu, có thể xem như là quốc gia thành phố đầu tiên của Maya.

Trong thời gian từ 750 đến 500 trước CN, nhiều thành phố bắt đầu thành hình ở chung quanh vài trăm cây số và phát triển suốt một thời gian dài hơn hai thế kỷ. Các nhà khảo cổ tìm thấy vết tích của nhiều khu dân cư đông đúc, trong đó Tikal được xem là trù phú nhất ở vùng hôm nay gọi là lưu vực Petén (Petén Basin). Kể từ năm 400 trước CN, Nakbe và El Mirador vươn lên trở thành hai thủ phủ quan trọng và đến thế kỷ thứ nhất trước CN, El Mirador phát triển thành kinh đô huy hoàng nhất của Maya thời tiền cổ điển. Trong thập niên cuối cùng trước CN, El Mirador có dân số khoảng 250.000 người, cộng thêm chừng một triệu dân ở vùng phụ cận [xem Obländer], tức dân số nhiều hơn cả nước Anh lúc ấy chưa tới một triệu người [xem Maddison tr. 232]. Đó là mật độ dân số lớn nhất thế giới trong thời kỳ đó. Các bản đồ khảo cổ dựa vào kỹ thuật quét la-de ở khu vực El Mirador cho thấy còn rất nhiều đền đài, cung điện nguy nga và trên dưới 30 kim tự tháp chưa được khai quật. Kim tự tháp La Danta cao 72 mét với thể tích khoảng 2,8 triệu mét khối được xem là đồ sộ nhất thế giới, hơn cả kim tự tháp Cheops của Ai Cập. La Danta được xây trên một mô đất nền rộng 18 hec-ta (tức khoảng 30 sân đá bóng).

Chữ viết bắt đầu thành hình từ năm 400 trước CN, kiến trúc thành phố dựng lên một cách có hệ thống. Mạng lưới thương mại phát triển không những trong một thành phố, mà cả sự kết nối chặt chẽ với các thành phố chung quanh cách xa hàng chục cây số. Cấu trúc hạ tầng được thiết lập tương đối đầy đủ. Người ta bắt đầu làm những con đường lát vữa liên tỉnh (như ngày nay chúng ta có đường trải nhựa). Hệ thống kênh rạch, tưới tiêu được khuếch trương thêm. Ngoài ra, họ có một hệ thống cấp nước rất tiện lợi: Nguồn dự trữ nước chiến lược của họ là các động nước thiên nhiên (Cenote) nối kết với mạng lưới nước ngầm, cộng thêm các bồn nước nhân tạo vừa và nhỏ nằm rải rác trong khu dân cư để hứng nước trong mùa mưa và phục vụ dân trong mùa khô.

Giai đoạn hưng thịnh nhất của thời kỳ tiền cổ điển bắt đầu từ năm 400 trước CN và kéo dài vài thế kỷ. Nhiều công trình kiến trúc quan trọng của Maya được xây dựng trong giai đoạn này. Hệ thống thương mại không những chỉ giới hạn trong một thành phố và các khu vực chung quanh, mà bắt đầu phát triển xu hướng thương mại đường xa. Nhu cầu thương mại nhộn nhịp đó đưa đến việc phát triển hệ thống giao thông đường xa. Kỹ thuật mới cũng được sử dụng để xây dựng hàng chục cây số đường lát hồ vữa để nối kinh đô với các thành phố lân cận.

Suy tàn vì phá hủy rừng nhiệt đới

Đang phát triển phồn vinh đến đầu Công Nguyên, dân số El Mirador bỗng nhiên giảm dần và sau 150 năm, ở đó không còn một bóng người. Sự suy tàn của kinh đô El Mirador không đến một cách bất chợt, mà tiến triển rất chậm. Dân cư ngày càng thưa thớt vì họ bỏ đi nơi khác làm ăn sinh sống, vì kinh đô và vùng phụ cận không cung ứng đủ lương thực cho mọi người. Phân tích bên dưới cho thấy: Nguyên do chủ yếu là rừng nhiệt đới bị khai hoang bừa bãi, thế cân bằng của thiên nhiên không còn, lượng mưa ngày càng giảm cho nên nông nghiệp không phát triển nổi.

Muốn xây các công trình bằng đá, người ta cần hồ vữa để ghép đá vào nhau. Đó là một loại vật liệu xây dựng vô cùng cần thiết, nhưng cũng rất phức tạp để sản xuất. Người ta tính rằng, với trình độ kỹ thuật cách đây ba ngàn năm, muốn có một tấn hồ vữa (tức vừa đủ để xây 20 mét vuông tường gạch), người ta cần 5 tấn gỗ để đốt chảy 5 tấn đá vôi xốp. Như vậy, người Maya cần một số lượng gỗ khổng lồ để có thể sản xuất hồ vữa cho việc xây dựng các công trình hoành tráng, thí dụ kim tự tháp La Danta có thể tích 2,8 triệu mét khối, cộng thêm 30 kim tự tháp ở vùng chung quanh, vô vàn đền đài dinh thự, nhà ở cho giới cai trị, quảng trường công cộng, hàng trăm cây số đường tráng vữa nối từ trung tâm đến các vùng ngoại ô, v.v..

Nhà khảo cổ Richard Hansen tính toán cụ thể rằng, để có đủ hồ vữa cho việc xây dựng một kim tự tháp cỡ trung bình, người ta cần đốn hết cây của 600 hec-ta rừng già để làm củi đốt đá vôi, tương đương với một khu rừng hình chữ nhật khoảng 2×3 cây số. Chung quanh El Mirador có hơn 30 kim tự tháp và rất nhiều công trình hoành tráng, cho nên chúng ta không ngạc nhiên về mức độ phá hủy rừng, theo Hansen: “Để có thể sản xuất đủ hồ vữa phục vụ nhu cầu xây dựng, họ phải đốn tất cả cây cối trong một chu vi rộng vài chục cây số [chung quanh El Mirador] để gom đủ gỗ đốt phục vụ việc sản xuất hồ vữa. Với hậu quả ghê gớm cho môi trường” [xem Gregor].

Việc phá rừng bừa bãi để sản xuất hồ vữa không những làm cho các vùng trũng tích tụ đầy chất cặn không thể canh tác được, đồng thời việc cung cấp gỗ cho nhu cầu đời sống càng ngày càng giảm, mà còn làm phát sinh nạn hạn hán nhân tạo [xem Diamond tr. 214]. Rừng già vốn đóng vai trò rất quan trọng trong vòng tuần hoàn nước của thiên nhiên. Bình thường khi mưa xuống, rễ cây hút nước để một mặt giữ cho đất khỏi nhão có thể sinh ra núi lở, mặt khác, lá cây nhả ra hơi nước để bốc lên và tích tụ thành mây, từ đó tạo nên những cơn mưa tiếp tục về sau. Đó là vòng tuần hoàn tự nhiên tạo nên thế cân bằng khí hậu. Khi thế cân bằng này mất đi, lượng mưa sẽ càng ngày càng giảm, hoa màu không phát triển nổi, lâu ngày sẽ sinh ra hạn hán. Hiệu ứng đó càng ngày càng khắc nghiệt hơn theo thời gian, mưa sẽ ít hơn, mùa khô dài hơn. Nguyên cả vùng dân cư sẽ mất dần nguồn lương thực.

Việc xây dựng phung phí vì thế đã phá hủy toàn bộ đất canh tác chung quanh thành phố. Nguồn cung cấp trước đây đã xây dựng nên đời sống phồn vinh trong vương quốc là sự thặng dư lương thực, thì giờ đây, nguồn đó dần dần trở nên cạn kiệt. Một vòng xoáy luẩn quẩn. Người dân phải bỏ xứ ra đi kiếm nơi khác làm ăn, vương quốc sụp đổ là chuyện tất yếu phải xảy ra.

Hiệu ứng tai hại này không dễ dàng nhận thấy trước mắt hoặc trong vòng một thế hệ. Với việc phá rừng hôm nay, con cháu chúng ta sau 2-3 thế hệ kế tiếp mới hứng chịu hậu quả. Người Maya sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, cho nên nơi nào không trồng trọt được, nơi đó không còn dân. Các nhà khảo cổ không tìm thấy chứng cớ nào về sự suy giảm dân số một cách bất chợt, mà họ ra đi trong trật tự. Các vật gia dụng để lại cho thấy là họ bỏ đi có kế hoạch với ý định sẽ quay trở về. Người ở lại thì xương và răng có dấu vết của những căn bệnh suy dinh dưỡng. Quá trình mất dân này kéo dài 150 năm cho đến lúc kinh đô El Mirador không còn một bóng người.

Richard Hansen, nhà khảo cổ hàng đầu của thế giới về Mirador và là giám đốc dự án lưu vực Mirador (Mirador Basin Project), khi được hỏi nguyên do chính yếu nào đã làm cho kinh đô El Mirador suy tàn, ông không ngần ngại trả lời dứt khoát: “do phá hủy rừng già một cách bừa bãi” [xem Obländer]. Việc phá hủy rừng già để lấy gỗ đốt hòng sản xuất hồ vữa phục vụ việc xây dựng các công trình hoành tráng đã dẫn đến sự suy tàn của kinh đô El Mirador và vùng phụ cận, thực chất là của hầu hết toàn bộ Maya trong thời kỳ tiền cổ điển. Sau đó, người dân El Mirador không bao giờ trở lại quê hương cũ, và rừng già nhiệt đới dần dần chiếm lại giang sơn của chúng cho đến ngày nay, phủ kín kinh đô huy hoàng thuở nào.

Thiên nhiên đã cho Maya nguồn sống để tạo nên phồn vinh, nhưng vì con người thiếu ý thức và kiến thức về việc gìn giữ môi trường, cho nên cũng chính thiên nhiên đã đuổi họ ra khỏi vùng đất mà tổ tiên đã mất công khai khẩn từ nhiều thế kỷ trước.

2. Thời kỳ cổ điển (250 – 900 sau CN)

Sau sự suy tàn của kinh đô El Mirador, người Maya di tản tứ tán đi khắp các vùng chung quanh, chủ yếu là đến các vùng thấp về hướng bờ biển, đa số đến định cư ở vùng hôm nay là Belize và vùng mà Mexico gọi là Yucatán, Campeche, Tabasco, Chiapas (xem bản đồ, các mũi tên đi từ vòng số 2). Các thành phố nhỏ ở vùng cao nguyên miền nam với dân số không nhiều thì không gặp thảm họa như El Mirador và tiếp tục phát triển tương đối bình thường.

Sự suy tàn của thời kỳ tiền cổ điển làm thay đổi sâu sắc sự phân bố dân cư sau đó. Nhiều thành phố mọc lên khắp các vùng thấp gần bờ biển, mỗi thành phố không quá 50.000 dân kể cả ngoại ô. Quy mô xây dựng trung tâm thành phố cũng nhỏ, không rộng hơn vài cây số vuông. Hai thành phố lớn nhất, tượng trưng cho hai trung tâm quyền lực cao nhất là Tikal và Calakmul, nằm trong vòng 100 cây số ở quanh El Mirador. Theo thời gian, có nhiều trung tâm quyền lực khác được thành hình ở vùng hôm nay gọi là Yucatán của Mexico.

Trên các công trình kiến trúc người ta tìm thấy dấu tích ghi chép sự khởi đầu các triều đại. Theo lịch Maya, đó là năm B‘aktun 8, tức khoảng năm 250 sau CN. Vì thế, chúng ta có thể xem thời kỳ cổ điển bắt đầu từ đó. Trong thời kỳ này, vua thường là giáo sĩ cao cấp hoặc thủ lĩnh một giáo phái. Vua được dân tin cậy là nhân vật trung gian giữa người thường và thần linh, bảo đảm cho dân sự che chở của thần, thí dụ như thời tiết thuận hòa, mùa màng thu hoạch tốt. Ngược lại, dân phục dịch vua bằng sức lao động và hy sinh lễ vật để cúng thần linh [xem Obländer]. Đó là khế ước xã hội giữa thần linh – vua – dân chúng để phát triển phồn vinh.

Trình độ văn hóa cao của thời kỳ này thể hiện qua các công trình kiến trúc tân kỳ, nội thất tiện lợi, điêu khắc tinh xảo, nhất là ở mặt tiền của đền đài và các tòa nhà cung điện. Thiết kế đô thị cũng thể hiện tư duy thương mại. Trong mỗi thành phố vừa và lớn, ngoài kim tự tháp, đền đài, cung điện, thường có một khu họp chợ rất rộng, buôn bán đủ các loại thực phẩm, hàng gia dụng, hàng gốm nghệ thuật, vải vóc, thuốc men, dụng cụ tinh xảo, v.v.. Mạng lưới giao thông liên tỉnh cũng được phát triển mạnh, nhờ thế việc giao thương buôn bán giữa trung tâm thành phố và ngoại ô được dễ dàng. Chữ viết được phổ biến hơn trong thời kỳ này, thể hiện trên các tác phẩm nghệ thuật và công trình kiến trúc. Tư duy nghệ thuật của người Maya mang tính chất thuần phục thần linh và sự hài hòa với thiên nhiên. Thí dụ kim tự tháp có 365 bậc cấp tương ứng với lịch ngày, hoặc ít hơn thì 260 bậc tương ứng với lịch chiêm tinh; hướng nhìn của đền đài thì quay về một hoặc vài hành tinh tương ứng với các vị thần họ thờ phụng.

Thời kỳ cổ điển có thể xem là thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử Maya mà cao điểm nằm đâu đó ở năm 750 sau CN. Các nhà sử học ví Maya trong thời gian này như Hy Lạp cổ trước CN, tức thời kỳ của triết gia và khoa học gia Hy Lạp, hoặc thời đại phục hưng của Ý ở thế kỷ 15. Dân số phát triển cao nhất là từ năm 400-800. Petén là nơi tập trung đông dân nhất. Tại cao điểm vào năm 750, lưu vực Petén có vài triệu dân, trở thành khu vực có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Để so sánh: nước Anh lúc ấy chỉ có hai triệu dân [xem Maddison tr. 232]. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm của El Mirador, người Maya không còn xây dựng đô thị quá đông đúc. Thí dụ, dân số Tikal trong thời hưng thịnh nhất cũng dưới 100.000 người, kể cả ngoại ô. Cho dù thỉnh thoảng có chiến tranh lẻ tẻ giữa các vương quốc lân cận, nhưng phồn vinh vẫn không ngừng được nâng cao. Di vật khảo cổ chứng minh cho điều đó.

Suy tàn vì biến đổi khí hậu

Rồi bỗng nhiên kể từ năm 800 sau CN, dân số dần dần thưa thớt, nhiều công trình xây dựng bị bỏ dở dang, các con đường liên tỉnh không được hoàn tất, hệ thống lưu trữ nước bị hư hỏng. Sau nhiều công trình khảo sát môi trường, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, các thành phố Maya suy tàn chủ yếu vì thiếu lương thực do hạn hán dài ngày.

Lúc đầu, các nhà khảo cổ tìm thấy trong các động nước ngầm (Cenote) nhiều đồ trang sức quý giá, và có hàng trăm bộ xương người được chứng minh là chết vào những năm 800-1000 sau CN. Các động nước được nối đến các mạch nước ngầm có vai trò là nguồn cấp nước hàng ngày, đồng thời theo phong tục của người Maya, đó cũng là đền miếu của Thần Mưa (Chaac). Vì thế, người ta phỏng đoán rằng vì hạn hán, người Maya cúng những lễ vật quý giá nhất, kể cả mạng người, để cầu xin Thần Mưa phò trợ. Tuy nhiên đó chỉ là phỏng đoán ban đầu, phải cần thêm chứng cớ khoa học.

Động nước ngầm (Cenote) có nhiều ở Trung Mỹ.

Khi khai quật một vài trung tâm lớn, phân tích xương và răng của những người chết trong khoảng thời gian từ 800-1000 sau CN, các nhà khảo cổ nhận thấy mọi người, không phân biệt dân thường hay quan lại giàu có, đều ở trong tình trạng thiếu ăn, có người suy dinh dưỡng, và tình trạng sức khỏe của dân cư ngày càng sa sút kể từ năm 800. Phát hiện khảo cổ này được tìm thấy khắp nơi, từ miền nam như Copán, hoặc phía tây như Palenque, cho tới phương bắc như Puuc, Chichén Itza. Điều này khác hẳn sự suy tàn trước đó 700 năm tại El Mirador vốn mang tính chất vùng địa phương. Sự suy tàn lần thứ hai vào thế kỷ thứ 9 và 10 xảy ra khắp mọi vùng ở Trung Mỹ, trong hầu hết mọi thành phố lớn và chắc hẳn có nguyên do nào khác.

Tình trạng thiếu ăn là minh chứng của sự suy giảm sản lượng lương thực. Sức khỏe ngày càng sa sút là dấu hiệu của sự suy tàn kéo dài suốt một thời gian dài. Cho nên câu hỏi trung tâm là, tại sao sản lượng hoa màu bị suy giảm trong một thời gian dài?

Mark Brenner

Công trình nghiên cứu của tiến sĩ địa chất học Mark Brenner thuộc đại học Florida có thể xem là minh chứng khoa học nhất về nạn hạn hán có một không hai ở khu vực Maya vào thế kỷ 9 và 10 sau CN, điều mà ông gọi là hạn hán thiên niên kỷ, chưa từng có từ 7000 năm trước cho đến nay. Brenner lấy mẫu đất dưới lòng hồ Chichancanab vùng Yucatán để phân tích sự biến đổi khí hậu trong vòng 3000 năm trước đây. Ông phát hiện có nhiều lớp cặn bất thường đóng thành tầng. Đó là những lớp muối calcium sulfate CaSO₄ kết tủa khi hồ cạn nước. Trong các tầng muối cặn, có ba lớp dày nhất được kết tủa ba lần khác nhau trong thời gian 100 năm từ 800 đến 900 sau CN, mỗi lần tương ứng với một thời gian kéo dài từ 3-20 năm [xem Zipple].

Công trình khảo cổ khác cũng cho thấy, hạn hán là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự suy tàn của Maya lần thứ hai [xem Gregor]. Đầu tiên là hạn hán cục bộ năm 600 sau CN dẫn đến sự suy tàn của Tikal. Từ năm 760, hạn hán trở nên tồi tệ, xảy ra theo chu kỳ đều đặn hơn ở Trung Mỹ và đạt cao điểm vào những thập niên sau năm 800, từ đó thường xuyên lặp lại suốt một thế kỷ [xem Diamond tr. 219]. Mark Brenner còn cho biết cụ thể rằng, ở vùng đất Trung Mỹ thường có nạn hạn hán nhỏ xảy ra từng chu kỳ sau khoảng 200 năm. Lần này với Maya thì dồn dập hơn, đầu tiên là 2 năm khoảng 760 sau CN, rồi đến một thập niên từ 810, rồi 3 năm khoảng 860 và sau đó là sáu năm từ 910 sau CN. Những hạn hán thường kỳ đó làm cho nông nghiệp không thể phát triển, người Maya dần dần mất nguồn lương thực, phải bỏ thành phố để về vùng quê.

Nói chung, việc sụp đổ một nền văn minh vì hạn hán cũng không hiếm trong lịch sử, thí dụ đế chế Akkade ở vùng Lưỡng Hà (Mesopotania) sụp đổ năm 2170 trước CN, văn hóa Moche ở dọc bờ biển Peru sụp đổ năm 600 sau CN, văn hóa Tinawaku ở vùng Anden sụp đổ năm 1100 sau CN.

Người Maya sinh sống ở vùng nhiệt đới, cao hơn Saigon khoảng 10 vĩ tuyến. Mỗi năm có 7 tháng mưa và 5 tháng khô. Họ có kỹ năng cao để kiến tạo hệ thống trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô. Khi hạn hán chỉ xảy ra trong một hoặc hai năm, thì lượng nước dự trữ cũng tạm đủ dùng cho mùa khô. Nhưng khi hạn hán kéo dài, mùa mưa sẽ ngắn hơn, mùa khô kéo dài hơn nên thiếu nước, hoa màu thu hoạch không đủ để nuôi dân. Chuyện bỏ xứ ra đi kiếm nơi khác sinh sống là nhu cầu sinh tồn của người dân.

Chuyện suy giảm dân số thường xảy ra ở những thành phố đông người. Như thế, việc thiết đô thị không hợp lý ở những thành phố lớn cũng có thể góp phần vào tai họa, nhưng đây chỉ là yếu tố phụ.

Sau thời gian xây dựng 700 năm, người Maya lại bị thiên nhiên trừng phạt một lần nữa, phải bỏ thành phố đi về vùng quê, nhưng lần này không phải lỗi từ con người như tổ tiên họ đã làm ở El Mirador, mà là do hạn hán thường kỳ phát sinh từ sự biến đổi khí hậu. So sánh với thống kê khí hậu thế giới (xem hình dưới), chúng ta cũng thấy rằng nạn hạn hán theo chu kỳ cũng xảy ra khắp nơi. Mỗi lần như thế, nhiệt độ tăng lên khoảng 0,4˚C, có nơi ít, có nơi nhiều hơn. Vào những thế kỷ 8, 9 và 10 sau CN, thế giới xảy ra điều gọi là khí hậu ấm thời trung cổ (Medival Warm Period). Theo các khảo sát địa chất ở trên, Trung Mỹ và nhất là các thành phố Maya đông dân, nhiệt độ tăng lên nhiều hơn, cho nên xảy ra hạn hán thiên niên kỷ.

Biểu đồ biến đổi nhiệt độ trên thế giới – CC-BY-SA-3.0

Những nguyên nhân khác

Hạn hán, mất mùa dẫn đến niềm tin giữa dân và giới cai trị sụp đổ. Người dân Maya có truyền thống tin tưởng vua ở vai trò đại diện của thần linh. Dân sẵn sàng phục dịch vua, đổi lại vua thay cho cho thần linh tạo nên mưa thuận gió hòa, mùa màng phong phú, đời sống phồn vinh. Đó là khế ước xã hội bất thành văn. Khi mùa màng mất, niềm tin ấy cũng sụp đổ dẫn đến nổi loạn, chiến tranh nội bộ. Vua bị truất phế, quan lại giàu sang bị đuổi ra khỏi nhà, xã hội bất an và suy yếu, trở thành nạn nhân của cướp bóc, bị chinh phạt từ các vương quốc thành phố lân cận. Vòng xoáy này làm diện tích canh tác ở giữa hai vương quốc trở nên nguy hiểm, lực lượng lao động giảm. Đã nghèo, còn đói kém hơn. Tình trạng này được minh chứng rõ ở cuối thời kỳ cổ điển, thí dụ trên những bích họa trên tường (Fresco) được khám phá năm 1946 tại Bonampak [xem Diamond tr. 217]. Trên các công trình khảo cổ, người ta tìm thấy dấu vết ghi chép về 100 trận đánh giữa 28 vương quốc thành phố [xem Gregor].

Hạn hán và chiến tranh đã cướp đi nhiều mạng sống. Thêm vào đó, tỉ lệ sinh sản giảm và nhiều trẻ chết non vì suy dinh dưỡng. Ít người được sinh thêm, nhiều người chết vì thiếu ăn, chiến tranh, thêm nạn di tản bỏ xứ ra đi. Đó là những yếu tố phụ trợ dẫn đến sự suy tàn của Maya, bên cạnh yếu tố chính là sự biến đổi khí hậu sinh ra hạn hán.

3. Thời kỳ hậu cổ điển (900 – 1550 sau CN)

Lịch sử giai đoạn này không phải là trọng tâm của bài biên khảo, nhưng thiết tưởng cũng cần nói sơ lược về sự sụp đổ hoàn toàn văn hóa Maya dưới sự đô hộ của Tây Ban Nha, vì đi kèm với sự sụp đổ đó, giới tinh hoa bị diệt chủng, hầu hết tư liệu lịch sử của người Maya bị thiêu đốt, làm cho các khảo cứu về sau càng thêm khó khăn.

Sau khi thời kỳ cổ điển chấm dứt bằng sự suy tàn vào thế kỷ thứ 10, Maya bắt đầu tự phục hồi trở lại và phát triển tốt đẹp cho đến giữa thế kỷ 16, lúc người Tây Ban Nha nắm quyền kiểm soát toàn bộ Trung Mỹ. Dù đã nhiều lần hưng thịnh rồi suy tàn, sau đó gần như tuyệt chủng bởi người Tây Ban Nha, nhưng khác với nhiều thổ dân khác ở châu Mỹ đã hoàn toàn bị hủy diệt, người Maya vẫn còn tồn tại trên vùng đất do tổ tiên của họ đã khai khẩn ở Trung Mỹ. Hiện nay còn khoảng 6 triệu người tự nhận mình thuộc gốc gác Maya sống rải rác ở các vùng khác nhau trên quê hương của tổ tiên họ, như vùng Chiapas, Tobasco và Yucatán ở Mexico, hầu hết vùng Guatemala và Belize, một phần ở Honduras và El Salvador.

Khi người Tây Ban Nha đến Trung Mỹ năm 1519 và bắt đầu đi chinh phục Yucatán với vài trăm người lính, người Maya đông hơn cho nên họ coi thường lính da trắng và không phòng bị. Người Maya chưa hiểu sức công phá của vũ khí, thuốc nổ, mưu mô quỉ kế của người Tây Ban Nha mà trong đó có nhiều người thuộc thành phần bất hảo của lục địa già đi tìm vàng. Thêm vào đó, người châu Âu mang theo các căn bệnh mà thổ dân chưa có kháng thể, từ đó phát sinh những đợt dịch lớn. Các sử gia làm thống kê rằng, “từ năm 1500 đến 1600, có tổng cộng khoảng 15 triệu thổ dân chết trực tiếp vì đội quân Tây Ban Nha hoặc gián tiếp qua nạn đói, bệnh truyền nhiễm do người châu Âu mang đến. Không thể tổng kết được con số chính xác. […] Đến cuối thế kỷ 16, có lẽ chỉ còn một triệu người còn sống sót. […] Bệnh tật không chừa một ai, từ các tộc trưởng, thầy thuốc, cho đến các nhà viết sử [nói chung là giới tinh hoa]. Sự đoàn kết và bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc bị hủy diệt trong vòng vài tuần lễ, cho nên những người còn sống sót dễ rơi vào vòng thuần phục các giáo sĩ truyền giáo Tây Ban Nha” [xem Wikipedia, Konquistador].

Người nổi tiếng nhất trong việc tiêu diệt văn hóa Maya là giáo sĩ Diego de Landa, sau này được phong làm Giám mục Yucatán. Ông đã ra lệnh cho các giáo sĩ thừa sai truy lùng và tịch thu tất cả văn thư ngoại đạo mà họ bắt gặp trên đường truyền giáo. GS Nikolai Grube, đại học Bonn cho rằng, gia tài văn hóa của Maya được ghi chép cẩn thận trong hàng vạn cuốn sách xếp (Codices), giờ đây đã bị thiêu đốt hết. Chủ nhân các kinh văn đó, thực chất là giới giáo sĩ và học giả tinh hoa người Maya, thì bị đem ra xử ở tòa án dị giáo (Inquisitorial Court), mà bản án đều có kết cục như nhau: xử tử. Cách hành xử cực đoan của người Tây Ban Nha đã dẫn đến thành công rất nhanh chóng cho họ: chưa đầy 20 năm từ ngày đặt chân đến Yucatán, toàn bộ kinh văn của Maya bị thiêu đốt, giới tinh hoa Maya bị xử tử, nền văn hóa Maya bị hủy diệt sau một thời gian ngắn, dân tộc Maya gần như bị tuyệt chủng từ đó, số ít còn lại thì thuần phục và bị đồng hóa.

Giờ đây sau 500 năm, nền văn minh huy hoàng của Maya phải nhờ các nhà khảo cổ khắp nơi trên thế giới phục hồi dần dần, dù rằng rất khó khăn và kết quả cũng chỉ ở mức độ hạn chế. Dù sao thì từ tình trạng gần như tuyệt chủng bởi người Tây Ban Nha, thêm 500 năm bị ngược đãi kỳ thị, người Maya hiện nay khó lòng phục hồi trở lại trình độ tư duy và sức sáng tạo của tổ tiên họ.

4. Bài học cho chúng ta

Phá hủy rừng già làm suy yếu nông nghiệp

Chỉ vì phá hủy rừng già để lấy gỗ, người Maya đã phá hủy một cách vô thức nguồn sống của chính mình. Việc phá hủy rừng già đã làm cho vòng tuần hoàn nước trong thiên nhiên rối loạn, tạo nên thế bất cân đối giữa mùa mưa và mùa khô, làm thay đổi khí hậu cục bộ chung quanh kinh đô El Mirador, sinh ra hạn hán nhân tạo, vì thế nông nghiệp không phát triển, lương thực ngày càng ít dẫn đến nạn đói hoặc người dân phải bỏ xứ ra đi. Đấy là sự suy tàn của Maya lần thứ nhất vào cuối thời kỳ tiền cổ điển. Bài học này chúng ta cũng thấy hiện nay ở một dạng khác. Hãy xem tình trạng hoa màu truyền thống bị diệt chủng ở vùng nhiệt đới Trung và Nam Mỹ, hoặc khu rừng già Nam Dương. Ở Việt Nam, mới cách đây vài tháng trong nạn lụt năm 2020, hiện tượng sạt lở núi chắc hẳn cũng có ít nhiều liên quan đến sự phá rừng bừa bãi trong ba thập niên qua.

Ngoài ra, qua đại dịch Covid-19, chúng ta càng nhận thức rõ hơn về mối liên quan giữa chuyện phá rừng và vi khuẩn hoành hành [xem Junglen]. Điều này các nhà vi trùng học đã cảnh báo nhiều thập niên qua, mà chúng ta phải đợi đến đại dịch mới thấy đó là chuyện thiết thân. Thêm nữa, hãy nhìn xem nạn cháy rừng ở Úc, Ba Tây, California: Chuyện gì sẽ xảy ra cho môi trường nếu tình trạng cháy rừng đó còn lặp lại nhiều năm?

Biến đổi khí hậu phá hủy nông nghiệp ở qui mô lớn

Hai lần suy tàn của Maya đều liên quan đến khí hậu nóng. Lần thứ nhất do sự phá hủy rừng già mà con người đã làm nên hạn hán nhân tạo. Lần thứ hai thì hạn hán xảy ra có lẽ do sự biến đổi khí hậu toàn cầu trong thời trung cổ. Cả hai lần, khí hậu nóng làm cho nông nghiệp không phát triển, dẫn đến việc lương thực thiếu hụt, con người phải đi nơi khác làm ăn. Hiện nay chúng ta cũng đang ở trong tình trạng tương tự, nhưng người sống ở thành thị chưa cảm nhận được một cách có ý thức, vì chúng ta không làm nghề nông, thực phẩm thì đã có các siêu thị cung cấp. Nhưng hãy nhìn vào các cánh đồng khô ở ngay nước Đức hay Pháp giàu có, nông dân nào cũng kêu than về biến đổi khí hậu làm đất kém màu mỡ. Hoặc đi xa hơn vào lục địa Nam châu Phi, nhìn các cánh đồng khô cằn nứt nẻ, hoa màu không mọc lên được, thì chúng ta sẽ hiểu hơn đời sống nông dân ở đó khó khăn thế nào. Đối với họ, đó là chuyện sinh tồn chứ không chỉ là chuyện nhiệt độ cao hay thấp.

Nói cho cùng, những người nông dân châu Phi đó cũng là nạn nhân của chính chúng ta. Với cuộc sống vật chất thừa mứa, lối sống hưởng thụ quá mức, tiêu thụ bừa bãi năng lượng hóa thạch, sử dụng vô tội vạ máy điều hòa không khí, máy lạnh, xe hơi, nhà máy nhiệt điện, v.v., chúng ta và nền kỹ nghệ hướng về lợi nhuận đã góp phần làm quả đất nóng dần. Như thế, chính chúng ta đang góp phần đẩy những nông dân châu Phi vào tình trạng thiếu hụt nông sản. Bao giờ thì chính con cháu chúng ta cũng sẽ trở thành nạn nhân của xã hội tiêu thụ ngày nay? 100 năm nữa, hoặc 200 năm là cùng.

Chúng ta hãy nhìn vào biểu đồ biến đổi nhiệt độ ở trên. Trong 2000 năm qua, hạn hán vẫn xảy ra theo chu kỳ 200 năm, mỗi lần nhiệt độ nóng hơn 0,4˚C. Thế mà đã có dân tộc suy tàn vì hạn hán. Biểu đồ đó cũng cho thấy, nhiệt độ năm 2000 đã thường xuyên cao hơn 1,2˚C, và theo thống kê khí hậu toàn cầu hiện nay, sự gia tăng nhiệt độ trong năm 2019 đã là 1,5˚C. Chuyện gì sẽ xảy ra trong 100, 200 năm tới?

Tác động của môi trường rất chậm chạp, khó nhận thấy

Từ lúc bắt đầu thiếu lương thực đến lúc thành phố không còn bóng người, quá trình suy tàn của Maya đã kéo dài 150 năm, tương đương với thời gian của 4-5 thế hệ. Suy ra trong thời đại chúng ta cũng thế. Từ lúc chúng ta sinh ra đến lúc chết, nếu nhiệt độ có tăng lên 1˚C, chắc hẳn chúng ta ở thành thị chẳng ai quan tâm, vì lợi tức kinh tế của chúng ta không ăn nhập gì đến nhiệt độ cao hay thấp. Nhưng nông dân ở châu Phi, ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc ở miền trung Việt Nam thì sao? Họ đang vật vã với những cánh đồng cạn nước. Chuyện gì sẽ xảy ra trong 3-4 thế hệ nữa, nếu nhiệt độ toàn cầu cứ ấm dần lên như hiện nay?

Những ai đến sinh sống tại châu Âu từ thập niên 1960 đến bây giờ có thể dễ dàng thấy sự biến đổi nhiệt độ. Mặc dù sự biến đổi đó chưa làm cho đời sống người thành thị bị ảnh hưởng, nhưng cảm nhận thì thật rõ ràng, và nếu quan tâm rộng hơn đến xã hội, thì càng dễ dàng thấy tác động của nó đến nông dân. Từ 50 năm qua ở châu Âu, mùa đông ngắn hơn, ít lạnh hơn, ít tuyết hơn. Mùa hè dài hơn, nhiệt độ cao hơn, ít mưa hơn. Hiện nay, những sự biến đổi đó chưa ảnh hưởng đến đời sống người thành thị, nhưng nông dân thì bắt đầu điêu đứng, hoa màu các xứ nóng ngày càng kém, xứ nào càng nghèo thì ảnh hưởng khí hậu càng nặng. Chuyện gì sẽ xảy ra cho con cháu chúng ta trong 100 năm sau, nếu nhiệt độ tiếp tục dâng lên thế này?

Bên cạnh ảnh hưởng lên nông nghiệp, sự biến đổi khí hậu còn gây ra nhiều tai hại khác: nhiều loài thú vật, côn trùng tuyệt chủng làm cho thế cân bằng trong thiên nhiên đảo lộn. Đã từ lâu, vi khuẩn đã chọn thú vật làm vật chủ để sinh sản. Giờ đây khi hơn một triệu loài đã tuyệt chủng, con người tất yếu trở thành vật chủ bất đắc dĩ cho nhiều loại vi khuẩn. Thêm vào đó là mực nước biển dâng lên, thiên tai lụt lội ngày càng thoát ra khỏi tầm kiểm soát của con người.

Một bức tranh không mấy lạc quan cho con cháu chúng ta 100 năm sau. Những điều chúng ta làm hôm nay, thì con cháu chúng ta vài thế hệ sau sẽ hứng chịu.

Tôn Thất Thông

./.

Xem thêm cùng tác giả:

Tài liệu tham khảo:

Diamond, Jared: Kollaps – Warum Gesellschaften überleben oder untergehen (Sụp đổ – Tại sao các xã hội tồn tại hay suy tàn). ISBN 978-3-596-16730-2 (Dịch từ bản gốc tiếng Anh: Collapse. How societies choose to fail or succeed).

Gregor, Michael – ARTE Dodumentation 2004: Die Rache des Regengottes: Untergang der Maya (Khi thần mưa trả thù: Sự suy tàn của Maya).

Junglen, Sandra – Phỏng vấn bởi Alexandra Endres: Wer Pandemien verhindern will, muss den Regenwald erhalten (Muốn ngăn ngừa đại dịch, cần bảo tồn rừng nhiệt đới). ZEIT Online 8-2-2021.

Honigsbaum, Mark – phỏng vấn bởi Simmank, Jakob: Es gab stets einen Zyklus von Panik und Gleichgültigkeit (Luôn luôn có một chu kỳ hỗn loạn rồi thờ ơ) – ZEIT Online 6-2-2021.

Maddison, Angus: The World Economy – Volume I & II (Kinh tế thế giới – Tập I và II). ISBN 92-64-02261-9.

Obländer, Carsten & Holländer, Anne – ZDF Dokumentationsfilm: Söhne der Sonne – Maya (Những người con của Mặt Trời – Maya).

Pomeroy, Gerry – Phim ZDF-Info: Das Geheimnis der Maya (Bí mật của người Maya).

Wikipedia (English Version): Maya Civilization, Nicolaus Copernicus.

Wikipedia (Deutsche Version): Maya, Konquistador.

Zipple, Jeremy – Dokumentationsfilm ARTE: Untergang der Maya (Sự suy tàn của Maya).

Nguồn: Thăng trầm của Maya – Bài học về môi trường: Phần 1, Phần 2 & Phần 3, Diendankhaiphong.org

—-

Chú thích:

[*] ZDF (Zweites Deutsches Fernsehen) là một trong hai đài truyền hình lớn nhất của Đức, chủ yếu chú trọng về giáo dục mọi mặt cho người dân, giới hạn quảng cáo. Đài truyền hình này được nhà nước bảo trợ tài chánh, nhưng vẫn theo nguyên tắc quản lý độc lập như một đài truyền hình tư nhân.

Tập đoàn dầu khí Total ở Miến Điện: sự lung lay của điều kiêng kỵ

TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ TOTAL Ở MIẾN ĐIỆN: SỰ LUNG LAY CỦA ĐIỀU KIÊNG KỴ

Francis Christophe

Trong số những người biểu tình Miến Điện ở Kanbauk ngày 12 tháng 2 năm 2021, có các nhân viên của chương trình phát triển kinh tế và xã hội mà tập đoàn dầu khí Total rất tự hào là nhà tài trợ đường ống dẫn khí đốt của họ trong khu vực. Người biểu tình đã yêu cầu dừng tài trợ cho các tướng lĩnh thực hiện cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2. Nhiều người trong số họ đã tham gia Phong trào Bất tuân dân sự (CDM, Civil Disobedience Movement), phong trào bị nhóm đảo chính truy đuổi. (Nguồn: Compte Facebook de Dawei Watch [Tài khoản Facebook của Dawei Watch])

Kể từ khi các tướng lĩnh Miến Điện thực hiện cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 vừa qua, thì không một chính trị gia Pháp nào, không một quan chức, một đại biểu dân cử khi nói đến thảm kịch ở Miến Điện, thốt lên từ kiêng kỵ: Total. Thế nhưng, ai cũng biết rằng bản thân tập đoàn dầu khí, và thông qua sự quản lý của tập đoàn, đang khai thác mỏ dầu Yadana ngoài khơi Miến Điện và cung cấp khí đốt cho Thái Lan, là thứ cược “moneyline, nguồn cung cấp thiết yếu về tài chính cho sự tồn tại của nhóm quân sự đảo chính Miến Điện. Theo các nguồn tin chuyên ngành được trang Asialyst tham khảo, thì tổng các dòng tiền cộng lại vào khoảng 500 triệu US$ mỗi năm. Ở Hoa Kỳ, Quốc hội hiện đang xem xét trường hợp của Chevron, đối tác chính của Total ở Miến Điện. Vào hôm Chủ nhật tuần này, ngày 4 tháng 4, luật im lặng [omerta] đã bị phá vỡ bởi Patrick Pouyanné, Tổng giám đốc của Total.

Trong một diễn đàn trên tờ Journal du Dimanche, có tựa đề “Pourquoi Total reste en Birmanie [Tại sao Total vẫn ở Miến Điện]”, Patrick Pouyanné đã lao vào một thuyết trình nửa vời và sai sự thật. Ngoài ra, còn có hai lời thú nhận đáng lo ngại của ngài Tổng giám đốc của Total: “Chúng ta có nên ngừng chi trả tiền thuế và nghĩa vụ cho Nhà nước Miến Điện hay không? Trước hết, phải biết rằng việc không chi trả tiền thuế và nghĩa vụ là một trọng tội theo luật pháp địa phương, và nếu chúng ta đã không làm điều đó, ví dụ bằng cách chuyển trả 4 triệu US$ tiền thuế và nghĩa vụ hàng tháng vào một tài khoản ủy thác như đã từng xem xét, thì chúng ta sẽ khiến các nhà quản lý công ty con chúng ta có nguy cơ bị bắt giam và bỏ tù.” Đến giữa tháng 3, Total có 17 người nước ngoài làm việc ở Miến Điện, những người từ nay bị giới chủ của họ coi gần như là con tin, bởi vì “luật địa phương”, mà Patrick Pouyanné viện dẫn, rất xa vời với Pháp quyền, một cách nghiêm trọng. Tiếp tục đọc

Chúng ta có trên cùng một con tàu không? Một cách đọc nữ quyền về những hậu quả của Covid-19

CHÚNG TA CÓ TRÊN CÙNG MỘT CON TÀU KHÔNG? MỘT CÁCH ĐỌC NỮ QUYỀN VỀ NHỮNG HẬU QUẢ CỦA COVID-19

Tác giả: Margarita Olivera[i]

Những khoảng cách về giới bị hằn sâu bởi phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc và mang nhiều chiều kích: sự phân bổ các công việc chăm sóc, các điều kiện làm việc, tình trạng thất nghiệp, những chênh lệch về lương, tiếp cận các dịch vụ công cộng, những tình huống về an toàn. Ở đây Margarita Olivera thực hiện một cuộc điều tra mà bà đề nghị một cách đọc qua lăng kính nữ quyền về những hậu quả của khủng hoảng y tế, đặc biệt dựa trên trường hợp của Brazil.

Đại dịch đặc biệt ảnh hưởng đến nữ giới, vì họ phải chịu thêm gánh nặng việc nhà không được trả lương, phân bố không đều, và những đặc điểm của sự tham gia nghề nghiệp của họ vốn bị hằn sâu bởi những cách biệt lớn về giới và chủng tộc.

Tại Brazil, những phụ nữ da đen, nạn nhân của sự tách biệt chủng tộc trên thị trường lao động và chịu những điều kiện việc làm và tuyển dụng bấp bênh hơn, đã mất việc làm và cùng với đó là mất nguồn sống của gia đình.

Đại dịch còn làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng mang tính lịch sử kết hợp với chủ nghĩa tư bản gia trưởng và bị hằn sâu bởi sự phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc, trong đó ngành nghề có nhiều lao động nữ phải đối mặt với những điều kiện áp bức, bóc lột và lệ thuộc còn tồi tệ hơn. Tiếp tục đọc