Đừng bận tâm đến tốp 1% mà hãy nói về tốp 0,01% những người giàu nhất

ĐỪNG BẬN TÂM ĐẾN TỐP 1% MÀ HÃY NÓI VỀ TỐP 0,01% NHỮNG NGƯỜI GIÀU NHẤT

Một phân tích về những người có thu nhập cao nhất nước Mỹ

Howard R. Gold – Ngày 29 tháng 11 năm 2017 – CBR – Economics

Từ sau cuộc Đại Suy thoái [2007 – 2009], tốp 1% những người giàu nhất nước Mỹ đã bị biến thành những con quỷ tài phiệt ngày càng giàu có hơn, còn giới trung lưu đã chững lại. Trong khi những người biểu tình yêu cầu cần phải tăng thuế đối với tốp 1%, thì các kinh tế gia đã và đang khai quật dữ liệu để hiểu rõ hơn về tốp những người kiếm được nhiều tiền nhất này.

Các kinh tế gia đã tìm cách đo lường tình trạng bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng tài sản nhằm xác định bản chất nguồn thu nhập và tài sản của tốp 1% những người giàu nhất. Kết quả là có các góc nhìn khác nhau về vấn đề này. Một số kinh tế gia cho rằng, trong tốp này phần lớn là giới doanh nhân và “giới nhà giàu hiện nay”, những người kiếm tiền từ việc sáng lập và điều hành những doanh nghiệp thành công. Các kinh tế gia khác lại cho rằng, đa số những người trong tốp 1% là những người được thừa kế khối tài sản [kếch xù] được tích lũy theo thời gian.

Nhưng dữ liệu cũng cho thấy có những khác biệt trong tốp 1% những người giàu nhất. Hóa ra, tốp này còn có tốp 1% của riêng nó.

Trong bài nghiên cứu “Bảo vệ Tốp 1% những người giàu nhất” |Defending the One Percent| vào năm 2013, giáo sư N. Gregory Mankiw ở đại học Harvard đã chỉ ra rằng “từ những năm 1970, thu nhập trung bình tăng, song mức tăng này không đều trong phân phối thu nhập. Các khoản thu nhập đứng hàng đầu, nhất là tốp 1%, đã gia tăng vượt xa mức [thu nhập] trung bình”. “Những người kiếm được nhiều tiền hàng đầu này có những đóng góp to lớn về kinh tế, song ngược lại họ cũng thu về lượng của cải kếch xù. Câu hỏi đặt ra cho chính sách công là trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta phải làm gì với tình trạng này. Sự phát triển này chính là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính trị đảng phái.”

Mankiw cho rằng tỷ lệ trong tổng thu nhập (không tính đến các khoản lãi chuyển nhượng |capital gain|) do tốp 1% những người giàu nhất sở hữu đã tăng từ 8% vào năm 1973 lên tới 17% vào năm 2010, với các con số có được đến thời điểm đó. “Bất ngờ hơn là tỷ lệ [tổng thu nhập] của tốp 0,01% đã tăng lên … Tỷ lệ tổng thu nhập của tốp này đã tăng từ 0,5% vào năm 1973 lên 3,3% vào năm 2010. Người ta không thể dễ dàng bỏ qua các con số này được. Rõ ràng, các con số này góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phong trào Chiếm đóng phố Wall, và khiến các nhà hoạch định chính sách cánh tả yêu cầu tăng thêm thuế lũy tiến nhiều hơn [đối với tốp những người giàu nhất này].”

Gần 5 năm kể từ bài nghiên cứu của Mankiw được công bố, các kinh tế gia đã tổng hợp thêm nhiều dữ liệu hơn để phân tích về tốp 0,01% những người giàu nhất này. Suốt 35 năm qua, thể theo số liệu tới năm 2015, tổng thu nhập của tốp 0,01% đã tăng nhanh hơn so với tỷ lệ tổng thu nhập của những người còn lại thuộc tốp 1%. Số liệu năm 2015 cho thấy rằng tỷ lệ tổng thu nhập của tốp 0,01% đã tăng lên 5% và của tốp 1% là 22%. Theo Emmanuel SaezGabriel Zucman của Đại học California ở Berkely, sau khi thực hiện các tính toán về tài sản cho đến năm 2012, thì tỷ lệ tổng tài sản của tốp 0,01% đã tăng gấp 4 lần trong vòng 35 năm, tính tới năm 2012, đạt 11%.

Không phải tất cả các kinh tế gia đều đồng ý với nhau rằng tốp 0,01% những người giàu nhất không phải là lát cắt có ý nghĩa nhất trong [phân tích] sự phân phối thu nhập. Edward N. Wolff ở Đại học New York sử dụng dữ liệu khác cho thấy tài sản của tốp 5% chỉ tăng hơn 1% trong vòng 30 năm. Steve Kaplan ở trường Kinh doanh Chicago Booth chỉ ra tỷ lệ thu nhập của tốp 1% đã chững trong giai đoạn từ năm 2000 tới năm 2015.

Những khác biệt trong tốp 1% những người giàu nhất cũng khiến nhiều kinh tế gia khác tò mò tìm hiểu. Những người thuộc tốp 0,01% là những ai? Thực sự họ đang kiếm tiền tốt ra sao? Họ kiếm tiền bằng cách nào? Và liệu những nhà hoạch định chính sách có nên hay không nên phản ứng trước chuyện này?

Tốp 0,01% những người giàu nhất, qua những con số

Theo số liệu của Cục Thuế Nội địa (IRS), Hoa Kỳ có 325 triệu người — trong 160 triệu hộ gia đình. Như vậy, tốp 1% là có 1.6 triệu hộ gia đình.

Eric Zwick ở trường Kinh doanh Chicago Booth đưa ra ngưỡng thu nhập hằng năm của hộ gia đình để là thành viên tốp 1% vào năm 2014 là 386.000 đô, trong đó chưa bao gồm các khoản lãi chuyển nhượng. Con số này cao gấp 7 lần mức thu nhập trung vị là 54.000 đô. Cũng trong năm 2014, 160.000 hộ gia đình thuộc tốp 0,1% trung bình kiếm được ít nhất 1,5 triệu đô. Còn với 16.000 hộ gia đình thuộc tốp 0,01% thì con số này là 7 triệu đô.

Tỷ lệ thu nhập cũng là một cách để đánh giá việc tầng lớp 1% những người giàu nhất đang kiếm tiền ra sao.

Theo dữ liệu của Piketty và Saez, từ năm 1995 tới 2015, tỷ lệ thu nhập (gồm các khoản lãi chuyển nhượng) của tốp 1% những người giàu nhất đã tăng mạnh từ 15% tới 22%. Tỷ lệ của tốp 0,1% tăng từ 6% lên 11%, còn tốp 0,01% tăng từ 2,5% tới khoảng 5%. Về mặt điểm phần trăm, tốp 1% tăng nhanh nhất, song xét về tỷ lệ gia tăng, vị trí này thuộc về tốp 0,01%.

Thu nhập sau thuế cũng cho chúng ta thấy một câu chuyện tương tự. Nghiên cứu của Thomas Piketty ở Trường Kinh tế Paris [Pháp] cùng Saez và Zucman của Đại học California ở thành phố Berkeley [Hoa Kỳ] đã chỉ ra rằng ở tốp 1% những người giàu nhất, thu nhập sau thuế của tốp này đã tăng gấp 3 trong giai đoạn từ năm 1980 tới năm 2014. Cũng trong giai đoạn đó, thu nhập sau thuế của tốp 0,1% đã tăng gần gấp 4 lần. Còn với tốp 0,01%, thu nhập sau thuế của họ đã tăng tới 423%. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng thu nhập sau thuế của toàn bộ người dân Hoa Kỳ chỉ tăng thêm 61% trong giai đoạn trên.

Tốp 0,01% này cũng dẫn đầu tốc độ gia tăng tài sản. Trong một nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn vào năm 2014, Saez và Zucman đã sử dụng dữ liệu về thu nhập lấy từ IRS [Cục thuế vụ nội địa Hoa Kỳ] để “vốn hóa” |capitalize|, hay chuyển đổi, tài sản dựa trên tổng tỷ suất hoàn vốn kỳ vọng từ tất cả nhóm tài sản hoặc từ nguồn thu nhập đã khai trong các báo cáo thuế. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng tỷ lệ tổng tài sản của tốp 1% những người giàu nhất tăng đều đều từ dưới 25% vào năm 1978 lên tới 42% vào năm 2012. Tỷ lệ tổng thu nhập của tốp 0,1% đã tăng gấp 3 lần, còn của tốp 0,01% thì tăng gấp 5 lần. Ở Hoa Kỳ, năm 2012, các hộ gia đình trong tốp 0,01% có giá trị tài sản ròng ít nhất là 111 triệu đô so với 4 triệu đô của tốp 1%.

Chẳng phải bất kỳ người nào cũng mổ sẻ dữ liệu theo cùng một cách, hay cùng rút ra những kết luận như nhau. Wolff ở Đại học New York, sử dụng dữ liệu về khảo sát tài chính tiêu dùng của Cục Dự trữ Liên bang [Mỹ], chỉ ra rằng từ năm 1983 tới năm 2013, tốp 5% hộ gia đình giàu nhất [nước Mỹ] có tốc độ gia tăng tài sản nhanh hơn tốp 1%. Kết quả này thách thức quan niệm rằng tài sản ngày càng tập trung vào tay tốp những người giàu nhất. Wolff cũng cho rằng sự gia tăng về tình trạng bất bình đẳng về tổng tài sản nói chung ở Hoa Kỳ từ năm 2007 tới năm 2010 là do thất bại của giới trung lưu hơn do sự thành công của giới nhà giàu, mà nguyên nhân chính là do mất khả năng thanh khoản các khoản nợ phải trả đến từ những ngôi nhà đã mất giá trị của họ.

Bên cạnh đó, Kaplan ở trường Kinh doanh Chicago Booth cũng cho rằng dữ liệu về tỷ lệ thu nhập của Piketty và Saez cho thấy tăng trưởng trong dài hạn của các tốp 1%, 0,1% và 0,01% những người giàu nhất đã chững lại từ năm 2000. Kaplan chỉ ra tỷ lệ thu nhập cũng như thu nhập đã điều chỉnh theo lạm phát của 3 tốp những người giàu nhất trên đạt mức cao nhất vào năm 2007, sau đó, mức tỷ lệ trên chưa bao giờ khôi phục lại được như trước cuộc Đại Suy thoái.

Greg Kaplan ở Đại học Chicago cho rằng điểm chính trong nghiên cứu gần đây của ông cùng Fatih Guvenen ở Đại học Minnesota nhấn mạnh sự đa dạng trong tốp mà nhiều người biết tới là tốp 1% những người giàu nhất. Ông cho rằng “khi nghe người ta bàn tới bất bình đẳng về thu nhập tôi nghe có những cụm từ thường xuyên được lặp lại để lòe thiên hạ như “tốp 1%”, “tốp 0,1%”, “tốp những người kiếm nhiều tiền nhất”, “các Tổng Giám đốc (CEO)” … được dùng một cách không thích hợp. Kaplan nghĩ rằng “chúng ta cần hiểu rằng họ là những người rất khác nhau. Họ có thu nhập từ các nguồn khác nhau. Họ sống tại nhiều nơi khác nhau trong đất nước … Sự đa dạng là rất lớn, thậm chí ngay trong một nhóm mà ta nghĩ là nhỏ song thực sự rất lớn là tốp 1%.”

Ai nằm trong tốp 0,01% những người giàu nhất?

Khi thảo luận về những người siêu-giàu, nhiều người cho đó là các đế chế gia đình như nhà Walton của Wal-Mart, hay gia đình Rockefeller và anh em nhà Koch với nguồn tài sản đến từ các kho báu năng lượng. Họ cũng cho rằng đó là những nhà điều hành doanh nghiệp được trả lương cao như CEO của Apple Tim Cook (theo Bloomberg, Tim Cook đã kiếm được 150 triệu đô trong năm 2016), các ngôi sao lớn như Diddy (theo tạp chí Forbes, Diddy đã kiếm được 130 triệu đô trong năm 2017), và các doanh nhân như nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg (đứng thứ 5 trong danh sách tỷ phú thế giới của tạp chí Forbes năm 2017).

Nhưng ai thực sự nằm trong tốp 0,01% những người giàu nhất? Các nhà nghiên cứu đang cố để hiểu rõ hơn việc những người ở các bậc thang khác nhau của tốp 1% kiếm tiền như thế nào. Một số nhà nghiên cứu nhận định phần lớn các khoản thu nhập tới từ lĩnh vực kinh doanh.

Từ cuối những năm 1990, hầu hết những sự gia tăng trong thu nhập của những người giàu nhất đều đến từ thu nhập từ kinh doanh. Nhận định trên được Matthew Smith ở Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, Danny Yagan của Đại học Columbia ở Berkeley, Owen Zidar và Zwick ở trường Kinh doanh Chicago Booth đưa ra, đây là những người có các công trình nghiên cứu tập trung vào tốp 1% và 0,1% những người giàu nhất. “Cầu về nhân lực có trình độ hàng đầu đã vượt qua cung, đi cùng với đó là thu nhập của những người có trình độ hàng đầu tăng lên dưới hình thức thu nhập từ kinh doanh.”

Thu nhập này ngày càng mở rộng trong số thuộc tốp 1% những người giàu nhất. Zwick nhận định “những tin tức đang phủ khắp đài CNBC, tạp chí Wall Street hay tờ New York Times có thể đã quá nhấn mạnh vào các động cơ thúc đẩy sự giàu có của phố Wall và thung lũng Silicon, song nền kinh tế [của chúng ta] thì lớn và đa dạng hơn thế”. “Có thể có vài Carnegie và Rockefeller, Bill Gates và Jeff Bezos ở đâu đó, nhưng cũng còn rất nhiều người kiếm được từ 300.000 đô cho tới hàng triệu đô từ rất nhiều công việc khác nhau.”

Smith, Yagan, Zidar và Zwick nhận thấy thu nhập của tốp 1% [những người có thu nhập cao nhất] tới từ những chủ sở hữu kiêm quản lý, hầu hết là các công ty vừa và nhỏ — cụ thể là các công ty cổ phần loại S |S corporation|, những công ty hợp danh, và các công ty trách nhiệm hữu hạn. Họ là những nhà quản lý tài ba: các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các công ty do những người thuộc tốp 1% này điều hành có lợi nhuận cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp của những người thuộc tốp 5-10%. Trong mẫu của các nhà nghiên cứu, khi các chủ doanh nghiệp qua đời sớm, trong khi đang điều hành doanh nghiệp, thì lợi nhuận doanh nghiệp đó sẽ bị sụt giảm hơn một nửa.

Theo nghiên cứu, các công ty của tốp 1% những người có mức thu nhập cao nhất là 7 triệu đô và 57 nhân viên. Zwick cho rằng “nếu giả định doanh nghiệp đó có biên lợi nhuận là 10% để chia cho hai chủ sở hữu chẳng hạn, thì chắc chắn sẽ có người đủ tiêu chuẩn để lọt vào tốp 1%”. Các doanh nghiệp kiếm lợi nhuận cao nhất của tốp 1% là các phòng khám bệnh của bác sĩ điều trị và phòng khám nha khoa của nha sĩ, các dịch vụ chuyên môn và kỹ thuật, các nhà thầu thương mạI đặc biệt, và các dịch vụ pháp lý.

Để lọt vào tốp 0,1% những người có thu nhập cao nhất, công ty trung bình cần đạt 30 triệu đô doanh thu và có 150 nhân viên. Zwick cho rằng “nếu một người bán ô tô có 5 hoặc 6 đại lý với doanh thu là 30 triệu đô, có một vài nhân viên và có 3 triệu đô lợi nhuận để chia cho 1 hoặc 2 chủ sở hữu, khi đó người này sẽ gia nhập tốp 0,1%. Trong tốp 0,1%, những phòng khám của các bác sĩ điều trị chỉ xếp thứ 6 về lợi nhuận — sau những nhà quản lý của các công ty tư nhân, các hoạt động tài chính và đầu tư, các nhà phân phối ô tô, các dịch vụ chuyên môn và kỹ thuật, khai thác dầu mỏ và khí đốt.

Rất khó để xác định được nguồn thu nhập của tốp 0,01% những người giàu nhất, những nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tài chính có thể là khu vực quan trọng của nhóm này. Jon Bakija ở Cao đẳng Williams, Adam Cole ở Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bradley T. Heim ở Đại học Indiana chỉ ra rằng 20% số người đóng thuế trong tốp 0,1% (bao gồm các khoản lãi chuyển nhượng) đều làm việc trong lĩnh vực tài chính. Dữ liệu gần nhất được sử dụng trong nghiên cứu này là năm 2005, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2010 xảy ra, làm thay đổi toàn bộ bức tranh [lĩnh vực tài chính]. Nhưng trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, “các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm đã tụt khỏi vị trí lĩnh vực có những người kiếm được nhiều tiền nhất”, đây là nhận định của Guvenen và Kaplan khi nghiên cứu tốp 0,1%. Trong phần còn lại của tốp 1%, chăm sóc sức khỏe là khu vực có nhiều thành viên nhất.

Ngoài ra, có nhiều thông tin chi tiết hơn về tốp 0,01% những người giàu nhất và điều này dường như cho thấy những thành viên giàu nhất của tốp có thể sở hữu các doanh nghiệp lớn, thành công. Kaplan và Joshua Rauh ở đại học Standford sử dụng “danh sách giới nhà giàu” của tạp chí Forbes làm dữ liệu để đánh giá tài sản của những người giàu nhất nước Mỹ. Từ năm 1982, tạp chí Forbes đã tạo danh sách 400 hộ gia đình giàu nhất nước Mỹ qua các thông tin đại chúng, các bài phỏng vấn riêng và những lần định giá tài sản có thể so sánh (comparable asset). Danh sách này đại diện cho 2,5% của tốp 0,01% — tức 0,00025% hộ gia đình giàu có nhất Hoa Kỳ.

Tuy nhỏ nhưng họ có thể kiểm soát hơn 1/4 thu nhập trong tốp 0,01% những người giàu nhất. Theo những tính toán của Saez và Zucman, trong năm 2012, tốp 0,01% có số tài sản tổng cộng lên tới 6 ngàn tỷ đô, tức trung bình mỗi hộ gia đình có 371 triệu đô. Cùng năm đó, ước tính tổng tài sản thuần của những người trong danh sách của Forbes là 1,7 ngàn tỷ đô.

Trong số tài sản của 400 người này, gần 1/4 tốp này có nguồn gốc tài sản ở lĩnh vực tài chính — nhất là từ các quỹ phòng hộ và đầu tư — 15% tốp này đến từ các công ty dựa trên công nghệ. Các công ty trong lĩnh vực ăn uống (F&B) chiếm 10%.

Và các tỷ lệ ngành nghề trên đang có xu hướng gia tăng. Kaplan và Rauh kết luận rằng “ngành ‘tài chính và đầu tư’ đã tăng khoảng 16 điểm phần trăm, còn ở ngành công nghệ (cả máy vi tính lẫn y tế) và bán lẻ/nhà hàng đã tăng lần lượt là 11 và 10 điểm phần trăm.”

Trong danh sach những người giàu có vào năm 2016, có 2/3 thành viên là những người tự lập nghiệp và 1/3 thành viên có ít nhất một phần tài sản của họ từ thừa kế. Số người nhập cư vào Hoa Kỳ chiếm hơn 10% danh sách này.

Họ trở nên giàu có như thế nào?

Piketty và Saez đưa ra giả thuyết rằng các khoản đầu từ tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế, nên đã tạo cho các đế chế kiên cố một lợi thế vô cùng to lớn. Nhưng Kaplan và Rauh phản đối rằng giới siêu giàu phần lớn là những người tự lập nghiệp hơn là những người được thừa kế tài sản. Kaplan cũng cho rằng tài sản trong tốp này đã được tăng lên thêm bằng sự kết hợp giữa các kỹ năng cần thiết, quá trình toàn cầu hóa và công nghệ — chính sự kết hợp đó đã cho phép các doanh nghiệp phát triển tới quy mô lớn chưa từng thấy.

Theo nhiều kinh tế gia, các kỹ năng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Khi nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng, nhiều việc làm đã không được lấp đầy, điều này khiến cho các công ty phải tranh nhau tìm kiếm những người lao động có kỹ năng cao để thuê. Điều đó nảy sinh mặt trái: vì những người có kỹ năng cao nhất định sẽ trở nên khan hiếm, nên các công ty sẵn lòng trả [lương cao hơn] cho ai có khả năng đảm nhiệm. Tình trạng này đồng thời cũng làm tăng số lợi nhuận mà giới chủ công ty, vốn đòi hỏi nhân sự có kỹ năng cao, có thể kiếm được, cũng như công nghệ và quá trình toàn cầu hóa lại tiếp tục làm tăng giá trị của những người lao động sở hữu các kỹ năng được thị trường yêu cầu nhiều.

Nếu điều này là đúng, thì tốp 0,01% những người giàu nhất là những người có nhiều khả năng thu lợi nhất từ thứ mà các kinh tế gia gọi là “sự thay đổi công nghệ dựa trên kỹ năng” |skill-biased technological change| — lợi nhuận ngày càng tăng của một số kỹ năng nhất định trong nền kinh tế dựa trên công nghệ và quá trình toàn cầu hóa. Với lý thuyết vững chắc này, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng được thị trường yêu cầu nhiều làm tăng giá trị của những người lao động sở hữu các kỹ năng đó trong thị trường đang ngày càng mở rộng nhanh chóng, và với sự giúp đỡ từ các công nghệ mới, năng suất của một số lao động tăng nhanh hơn những người khác, từ đó điều này đã khiến tình trạng bất bình đẳng ngày càng trở nên trầm trọng.

Trong Kỷ nguyên Thông tin, sự thay đổi trên là đặc biệt rõ rệt. Theo Steve Kaplan, “trong kinh doanh, chúng ta có thể sử dụng công nghệ để làm những thứ mà bạn không thể làm vào 30 năm trước”. “Bạn có thể mở rộng công việc kinh doanh của mình bằng việc sử dụng công nghệ và có thể thuê những người lao động tại Ấn Độ, Trung Quốc và bất cứ nơi nào khác trên khắp thế Giới — bạn không thể làm điều này hiệu quả vào 30 năm trước.” Ông cho rằng điều này có tác động rất tích cực một cách rõ rệt với những người nghèo ở các nước đang phát triển. Năm 1990, Ngân hàng Thế Giới |WB| ước tính 35% dân số thế giới sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Ngày nay, chưa tới 11% dân số trên toàn thế giới sống trong tình trạng bần cùng hóa.

Bên cạnh đó, sự thay đổi trên cũng khiến tài sản của những công dân của các nước phát triển tăng lên. Đối với họ, kết quả thu được phù hợp với hiện tượng “siêu sao” |superstar| hoặc “người thắng cuộc” |winner-take-all|, hiện tượng này lần đầu tiên được xác nhận từ bài nghiên cứu có tính bước ngoặt vào năm 1981 của Sherwin Rosen, người đang giảng dạy tại Đại học Chicago. Rosen viết, “Trong một số loại hoạt động kinh tế, hầu hết sản lượng đầu ra đều nằm trong tay một vài cá nhân”. “Những người kiếm được số tiền khổng lồ chỉ chiếm một số lượng tương đối nhỏ, và họ chi phối các hoạt động [kinh tế] nào mà họ tham gia.”

Công nghệ, từ mạng internet tới kênh truyền thông như kênh ESPN và tờ Bloomberg đã giúp các vận động viên thành tích cao, nghệ sĩ giải trí, các doanh nhân và những nhà phân tích tài chính có khả năng tạo ra ngày càng nhiều lợi nhuận trên quy mô toàn cầu; ngoài ra công nghệ cũng khiến cho thành quả lao động của họ có giá trị hơn cả những ngôi sao trước đây, như [vua bóng đá] Pele hay [siêu sao bóng chày người Mỹ] Babe Ruth, từng kiếm được. Mức lương cao nhất của Ruth là 80.000 đô, có giá trị tương đương là 1,1 triệu đô vào năm 2016, con số này chỉ bằng 1/30 số tiền cao nhất mà Clayton Kershaw, cầu thủ ném bóng của đội Los Angeles Dodgers kiếm được trong giải liên đoàn bóng chày Hoa Kỳ trong năm 2016 là 33 triệu đô.

Forbes tính toán vào tháng 6 vừa qua, hàng trăm vận động viên được trả lương cao nhất thế giới đã “kiếm được 3,11 tỷ đô tích lũy” trong 12 tháng qua, đứng đầu là siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo và siêu sao bóng rổ LeBron James. Forbes ước tính, trong số các nghệ sĩ giải trí, rapper kiêm doanh nhân Diddy và ca sĩ Beyonce mỗi người đều kiếm được hơn 100 triệu đô so với cùng kỳ năm ngoái.

Và những người quản lý quỹ phòng hộ kiếm được nhiều tiền hơn so với những vận động viên và ngôi sao giải trí hàng đầu. James Simons từ công ty Renaissance Technologies và Ray Dalio từ hãng Bridgewater Associates đã kiếm được 1 tỷ đô vào trong năm 2016, mặc dù, theo báo cáo của Institutional Investor’s Alpha, tốp 25 người kiếm được nhiều tiền nhất từ quỹ phòng hộ là tốp kiếm được tiền ít nhất so với tốp 25 người kiếm được nhiều tiền nhất từ quỹ phòng hộ vào năm 2005, phần lớn do hiệu quả đầu tư tổng thể của ngành kém.

Steve Kaplan cho hay “công nghệ đã cho phép một quỹ phòng hộ có thể quản lý và đầu từ số tiền lên tới 20 tỷ đô”. “Tôi không nghĩ mọi người có các hệ thống và thông tin để làm điều đó từ 20 tới 30 năm trước. Giờ đây, họ đã có đủ các hệ thống và thông tin để làm điều đó. Những thay đổi về mặt kỹ thuật này đã diễn ra và sẽ không mất đi. Nếu có làm được như thế thì điều này chỉ có thể ngày càng mạnh hơn mà thôi.”

Các nhà hoạch định chính sách nên làm gì (hơn nữa)?

Mankiw thừa nhận, câu hỏi về những gì nên làm, thêm được gì hơn nữa, để phản ứng trước sự gia tăng tài sản rõ rệt của tốp 0,01% này thực sự là một câu hỏi khó giải. Ông viết “trước tiên, cần phải lưu ý rằng việc giải quyết vấn đề gia tăng bất bình đẳng không chỉ là vấn đề kinh tế học mà tất yếu còn đòi hỏi một liều triết học chính trị lành mạnh”.

Khi các nhà hoạch định chính sách muốn giải quyết vấn đề tập trung thu nhập và tài sản, điều đầu tiên cần làm là xem xét mức thuế suất cận biên |marginal tax rate| dành cho những người giàu nhất, vốn đã sụt giảm ở Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển khác sau các cuộc cách mạng của Reagan và Thatcher. Saez và Piketty viết trên tờ Guardian vào năm 2013 rằng ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có thuế suất cao, lên tới 80%. “Công việc của các kinh tế gia ít nhất là một lần nữa làm sao cho thuế suất cao nhất là 80% thành một điều “có thể hình dung” được”. Nhưng Steve Kaplan phản đối điều này. Ông cho rằng việc nâng thuế suất cận biên đối với những người giàu nhất có thể khiến họ vội vã chuyển tiền của họ tới các thiên đường thuế, Pháp chính là một ví dụ.

Việc tăng các thuế suất đối với những người giàu nhất tại Hoa Kỳ cũng có thể khiến người dân tìm cách lách luật trong chính bộ luật. Và việc ngăn chặn các lỗ hổng được nhận ra |perceived loophole| vẫn còn gây tranh luận. Ví dụ, một số người làm việc trong ngành tài chính được hưởng lợi từ các quy định về lợi nhuận chia sẻ |carried interest|, mà ở đó thu nhập của những đối tác của quỹ đầu tư thường được coi như các khoản lãi chuyển nhượng và do đó được hưởng mức thuế thấp hơn.

Trung tâm Chính sách Thuế cho rằng “một số người xem loại ưu đãi thuế này là lỗ hổng không công bằng, bóp méo thị trường, song những người khác lại xem nó phù hợp với cách xử lý thuế đối với thu nhập khác của doanh nhân |entrepreneurial income|”.

Sau đó là vấn đề liệu tăng thuế suất cận biên cho những người giàu nhất có thể hạn chế hoạt động kinh doanh hay không. Mục đích của thuế suất cận biên là đánh thuê dựa trên thu nhập mỗi cá nhân, và mức thuế này tăng lên theo thu nhập của họ. Nhưng rất nhiều khoản thu từ hoạt động kinh doanh được tính theo thuế này thay vì thuế doanh nghiệp |corporate rate|. Vì đôi khi mức thuế suất biên cho những người giàu nhất tại Hoa Kỳ đôi khi thấp hơn mức thuế doanh nghiệp, nên chủ doanh nghiệp có động lực để thay đổi loại hình của tổ chức doanh nghiệp từ doanh nghiệp hạng C, chịu thuế lợi nhuận theo mức thuế doanh nghiệp cao hơn, thành các doanh nghiệp hạng S, chịu thuế theo mức thuế cá nhân thấp hơn. Tới năm 2011, các doanh nghiệp được thành lập theo loại hình pháp nhân không bị đánh thuế hai lần |pass-through entity| này [ở loại hình trên, thu nhập doanh nghiệp được tính theo bản khai thuế của chủ doanh nghiệp và bị đánh thuế theo thuế suất thu nhập cá nhân – ND] chiếm phần lớn các khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh kiếm được ở Hoa Kỳ. (Để biết thêm chi tiết, hãy đọc bài báo “The $100 billion tax dodge” |100 tỷ đô trốn thuế|, số ra vào Mùa hè năm 2016.)

Zwick gợi ý rằng các nhà hoạch định chính sách nên thiết kế một hệ thống thuế thu nhập có tính tới bản chất của mỗi khoản thu nhập, và thiết kế một hệ thống hài hòa các loại thuế để người dân không còn động lực tìm kiếm các lỗ hổng trong quy định để hưởng mức thuế suất thấp nhất nữa — phải công nhận đây là một việc khó nhằn.

Và bất chấp mối quan tâm nghiên cứu của mình, Greg Kaplan vẫn cho rằng chúng ta nên cẩn thận với các phản ứng dân túy khiến chúng ta tập trung quá nhiều vào giới siêu giàu. “Tốt hơn hết, chúng ta nên tập trung vào việc cải thiện đời sống những người nằm trong nhóm 50% người nằm dưới đáy xã hội”. Trong tốp này, nhiều người lao động đang rất cần được nâng cấp các kỹ năng. Theo nhiều kinh tế gia, khi những người lao động bị tụt lại phía sau, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung giúp những người lao động này trở thành lực lượng lao động tốt hơn bằng những cách đầu tư vào giáo dục, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp địa phương để xác định đâu là các kỹ năng mà họ mong muốn ở người lao động và xóa bỏ các rào cản như các quy định nặng nề ngăn người ta tham gia một số lĩnh vực nhất định. (Để biết thêm chi tiết, hãy đọc bài báo “Làm sao tạo ra công ăn việc làm cho tầng lớp trung lưu” |How to create middle-class jobs|, số ra vào Mùa hè năm 2017.)

Nói tóm lại, có sự chia rẽ giữa các kinh tế gia. Một số cho rằng thu nhập cần được phân phối công bằng hơn, trong khi số khác lại nghĩ rằng chính phủ nên ít tập trung vào việc hạn chế những người kiếm được nhiều tiền nhất mà nên tập trung nhiều vào việc giải thích lý do vì sao nhiều người lại không thành công đến vậy. Giữa việc kìm hãm tốp 0,01% những người giàu nhất hay việc thúc đẩy nhóm 99,99% những người còn lại, nhiệm vụ nào sẽ là nhiệm vụ nặng nề hơn và phức tạp hơn? Khi cuộc tranh luận chưa đi đến hồi kết, thì các thành viên của tốp 0,01% những người giàu nhất tiếp tục tiến lên phía trước trên con đường của họ.

CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TRÍCH DẪN

TPC: “Key Elements of the US Tax System,” Tax Policy Center Briefing Book, Tax Policy Center website (taxpolicycenter.org/briefing-book/what-carried-interest-and-how-should-it-be-taxed), Accessed November 2017.

Jon Bakija, Adam Cole, and Bradley T. Heim, “Jobs and Income Growth of Top Earners and the Causes of Changing Income Inequality: Evidence from US Tax Return Data,” Working paper, April 2012.

Fatih Guvenen and Greg Kaplan, “Top Income Inequality in the 21st Century: Some Cautionary Notes,” NBER working paper, April 2017.

Steve Kaplan and Joshua Rauh, “It’s the Market: The Broad-Based Rise in the Return to Top Talent,” Journal of Economic Perspectives, May 2013.

  1. Gregory Mankiw, “Defending the One Percent”, Journal of Economic Perspectives, Summer 2013.

Thomas Piketty, Capital in the Twenty-First Century, trans. Arthur Goldhammer, Cambridge: Belknap Press of Harvard University Press, 2014.

Thomas Piketty and Emmanuel Saez, “Inequality in the Long Run,” Science, May 2014.

Emanuel Saez and Gabriel Zucman, “Wealth Inequality in the United States Since 1913: Evidence from Capitalized Income Tax Data,” The Quarterly Journal of Economics, May 2016.

Thomas Piketty and Emmanuel Saez, “Income Inequality in the United States, 1913–1998”, Quarterly Journal of Economics, February 2003. Tables and figures updated to 2015 in Excel format, June 2016.

Thomas Piketty, Emmanuel Saez, and Gabriel Zucman, “Distributional National Accounts: Methods and Estimates for the United States,” NBER working paper, December 2016. Updated July 2017.

Sherwin Rosen, “The Economics of Superstars,” American Economic Review, December 1981.

Emmanuel Saez and Gabriel Zucman, “Income Inequality in the United States, 1913–1998:

Evidence from Capitalized Income Tax Data,” Quarterly Journal of Economics, February 2003; tables and figures updated to 2015 in Excel format, June 2016.

Matthew Smith, Danny Yagan, Owen Zidar, and Eric Zwick, “Capitalists in the Twenty-First Century,” Working paper, July 2017.

Edward N. Wolff, “Deconstructing Household Wealth Trends in the United States, 1983–2013,” Working paper, September 2016.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: Never mind the 1 percent Let’s talk about the 0.01 percent, Chicago Booth Review, Winter 2017.

—-

Bài có liên quan: Thomas Piketty: tư bản và hệ tư tưởng

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.