“Thế hệ Z là thế này, thế hệ Z là thế kia…”: nhưng thực ra, một thế hệ là gì?

Thế hệ Z có thể tạo thành một tổng thể gắn bó chặt chẽ với nhau, khác với các thế hệ khác, họ đi tìm ý nghĩa cuộc sống và quan tâm đến khí hậu, mong muốn một cách quản trị đặc biệt… Có thật vậy không? Shutterstock

“THẾ HỆ Z LÀ THẾ NÀY, THẾ HỆ Z LÀ THẾ KIA…”: NHƯNG THỰC RA, MỘT THẾ HỆ LÀ GÌ?

Tác giả: Suzy Canivenc

Nghiên cứu viên liên kết với Chương trình Futurs de l’Industrie et du Travail, Mines Paris – PSL

Tương lai của Công nghiệp và Lao động, Đại học Mines- PSL)

Chắc rằng “Thế hệ Z” nằm trong số những từ ngữ được dùng nhiều nhất trong thế giới việc làm những năm gần đây. Những khó khăn trong tuyển dụng đã đặt các doanh nghiệp trước thách thức phải thu hút và làm cho những “tài năng” trẻ gắn bó lâu dài và nhiều phân tích đã muốn xác định rõ những mong đợi của thế hệ mới này. Thế hệ này kết nối mạnh mẽ với các mạng xã hội, đi tiên phong trong lĩnh vực giới và khí hậu, khát khao tìm ý nghĩa… nhưng cũng cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ và theo đuổi vật chất.

Tuy nhiên, cũng như mọi lớp tuổi, thế hệ này gần đây đã bước vào thị trường lao động lại vô cùng đa dạng. Khó tạc một chân dung đồng nhất, điều mà nhà xã hội học Pierre Bourdieu đã nhấn mạnh từ năm 1978 với công thức của ông “giới trẻ chỉ là một từ ngữ[1]. Và nếu muốn hiểu hơn những người trẻ này, trước hết ta nên bắt đầu bằng cách chất vấn về khái niệm “thế hệ”?

Chỉ cùng một nhóm duy nhất?

Ta định nghĩa thế hệ Z như là một nhóm các cá nhân sinh ra vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2010. Thời gian có thể khác nhau tùy theo các phân loại: phần lớn các định nghĩa cho rằng thế hệ Z bắt đầu vào năm 1997, nhưng những định nghĩa khác lại cho là năm 1996 hay cả năm 1995. Và cũng tương tự như thế với những thế hệ khác, như thế hệ Y có thể bắt đầu từ năm 1980 hay 1984, hay thế hệ X chỉ những người sinh ra từ năm 1965 đến 1976, nhưng có khi lại giới hạn từ năm 1961 đến 1981 hoặc là từ năm 1962 đến 1971.

Cho dù những khác biệt này là nhỏ, chúng cho thấy tính không vững chắc của các khái niệm này mà những người chuyên nghiệp về tiếp thị và truyền thông sử dụng và lạm dụng. Ví dụ tác giả của bài báo này, sinh năm 1980, không bao giờ biết mình thuộc thế hệ X hay thế hệ Y. Tuy nhiên, tùy theo ta theo giả thuyết này hay giả thuyết khác, những đặc điểm mà ta gán cho đương sự sẽ khá khác nhau, đặc biệt là liên quan đến mối quan hệ của họ với công việc. Để cố gắng thấy rõ hơn, chúng ta hãy trở lại với căn nguyên của khái niệm: khái niệm về thế hệ.

Về phương diện nhân khẩu học, một thế hệ chỉ toàn bộ những người sinh ra trong cùng một giai đoạn trải dài trong chừng hai mươi năm dựa vào cơ sở là “số năm cách biệt giữa tuổi người cha và tuổi người con”. Cách nhìn sơ đẳng này đã đặc biệt bị nhà xã hội học Karl Mannheim bác bỏ, trong một bài báo nền tảng năm 1928: các cá nhân không phải là các thành viên của cùng một thế hệ chỉ vì họ cùng chia sẻ một ngày kỷ niệm sinh nhật, họ còn phải chia sẻ “một sự đồng nhất trong các phản ứng, một sự tương đồng nhất định về cách mà họ tiến hóa, sống và được đào tạo và rèn luyện bởi các kinh nghiệm chung.”

Do đó, Mannheim đề nghị định nghĩa một thế hệ là một lớp tuổi cùng chia sẻ một số phận chung và biểu thị một sự gắn kết xã hội, nghĩa là ý thức thuộc về cùng một nhóm. Ông đề nghị chúng ta xem xét song song ba biến số: chiều kích sinh học của tuổi tác nhưng còn là chiều kích lịch sử và chiều kích xã hội.

Hiệu ứng của tuổi tác, của thế hệ, của thời kỳ?

Trong thống kê, hiệu ứng của thế hệ, nghĩa là sinh vào một thời điểm nào đó hay đã trải qua một biến cố nào đó, phải được phân biệt với hiệu ứng tuổi tác. Những nghiên cứu quan tâm đến diễn tiến các giá trị của những người cùng tuổi vào các thời kỳ khác nhau (ví dụ những mong đợi về nghề nghiệp của những người trẻ 20 tuổi sinh vào các năm 1960, 1980 hay 2000) không xác định những đứt gãy văn hóa vốn đối chọi các thế hệ.

Vậy là ta gặp lại trong các diễn ngôn hiện nay về thế hệ Z cùng những chuỗi dài đơn điệu lặp đi lặp lại về thế hệ Y từ cách đây 20 năm: “đi tìm ý nghĩa, khát vọng thành tựu cá nhân, mong ước không phải “hy sinh đời mình để kiếm sống””. Những giá trị đã được thể hiện nơi “thế hệ 68”, vốn tìm cách phá vỡ cái vỏ cứng nhắc chai lì và những mối quan hệ truyền thống trong doanh nghiệp để làm cho công việc trở thành một vectơ phát triển cá nhân và tập thể. Vậy là hơn cả những “hiệu ứng thế hệ”, có thể có một “hiệu ứng tuổi tác” chung cho tất cả các thế hệ: lúc 20 tuổi, có thể ta có mong muốn thay đổi thế giới hơn. Và hầu như tất cả chúng ta đều đã trải qua đó.

Ngoài tuổi tác ra, một thế hệ cũng cần được đặt trở lại trong một bối cảnh xã hội-lịch sử đã trao cho nó một số phận chung và trang bị cho nó một sự vững chãi thực sự, một “căn cước thế hệ”. Do đó, ta nói về thế hệ đã trải qua chiến tranh, “thế hệ 1968” và bây giờ đôi khi nói về “thế hệ Covid”. Thực vậy, những người trẻ đã đặc biệt khổ sở với các cuộc phong tỏa và cô lập về mặt xã hội, cũng như hệ quả là những hạn chế về giải trí, ở vào tuổi mà mong muốn về giao tiếp xã hội và hoạt động theo nhóm thường được phát triển nhất. Hơn các lớp tuổi khác, thế hệ trẻ này đã chứng kiến những xáo trộn tâm lý- xã hội còn kéo dài dai dẳng đến tận ngày nay, như nhận định của các nhà tâm thần học. Thêm vào đó là những biến đổi khí hậu là nguồn gốc của một sự lo lắng về sinh thái đặc biệt tác động đến giới trẻ.

Tuy nhiên, ở đây cũng vậy, giả thuyết về tính đặc thù của thế hệ dường như không đứng vững. Thực vậy, nỗi lo lắng do khủng hoảng y tế và sinh thái gây ra là không riêng của thế hệ Z. Những tầng lớp dân cư khác cũng bị tác động bởi hai cuộc khủng hoảng này, ngoài những người trẻ còn có: phụ nữ, lao động tạm bợ và người thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng y tế; những người đặc biệt nhạy cảm với những thách thức của biến đổi khí hậu (ví dụ các nhà khoa học, nông dân) hay những người bị đặt trong những điều kiện lao động nguy hiểm hay làm việc trong những lĩnh vực gây ô nhiễm trong cuộc khủng hoảng về sinh thái. Những diễn biến trong tính nhạy cảm và các giá trị thường lan truyền giữa các lớp tuổi sống cùng thời kỳ, đáng chú ý là qua sự lan truyền trong gia đình. Những xác nhận này cho thấy tính thích đáng của một phương pháp đọc về phương diện hiệu ứng của thời kỳ hơn là của thế hệ.

Những người lao động như những người khác

Nếu không phải tuổi tác hay thời kỳ giúp làm rõ tính đặc thù của thế hệ Z, thì biến số cuối cùng là chiều kích xã hội có giúp chúng ta thấy được tính đặc thù không? Dường như câu trả lời lại một lần nữa là không vì thật là hiển nhiên. Ở tất cả các thời kỳ, tuổi trẻ chưa bao giờ là một phạm trù thuần nhất, đặc biệt là trong mối quan hệ với công việc.

Thực vậy, rất nhiều nhân tố có khả năng ảnh hưởng đến giới trẻ: bằng cấp, lĩnh vực hoạt động, những điều kiện kinh tế-xã hội, cũng như nơi ở (thành phố/nông thôn/vùng ven thành phố), bối cảnh tổ chức đặc thù của doanh nghiệp nơi con người làm nhiệm vụ, nhưng còn là những nhân tố chủ quan hơn (những nét của cá tính và kinh nghiệm làm việc ít nhiều tích cực đã trải qua). Các tình huống đa dạng có lẽ giải thích tính hai mặt của những đặc điểm được gán cho “những thế hệ mới”, của ngày trước cũng như của hôm nay.

Như vậy, nhiều chân dung ẩn giấu sau phạm trù tổng quát là “giới trẻ”, với bấy nhiêu khát vọng khác nhau về công việc và những khó khăn riêng: từ một người trẻ trình độ chuyên môn thấp, trước hết là tìm một công việc giúp họ đáp ứng các những nhu cầu vật chất cho đến những tinh hoa tốt nghiệp Harvard hay Bách Khoa (Pháp) đi tìm sự xuất sắc, và giữa hai thành phần đó là những người tốt nghiệp đại học xuất thân từ các gia đình cán bộ/viên chức cao cấp đang nắm giữ một vốn văn hóa dồi dào và họ đi tìm một đam mê nghề nghiệp.

Không muốn xóa sạch một vài nét có thể là nổi trội hơn nơi những người trẻ ngày nay so với những lớp tuổi khác, không hề có một chứng cứ nào cả cho luận điểm theo đó thế hệ mới nhất tạo thành một đoàn hệ thuần nhất được thôi thúc bởi những khát vọng khác với các lớp tuổi khác trong mối quan hệ với công việc. Luận điểm này vẫn tồn tại lâu bền, do những diễn giải phỏng chừng chung quanh khái niệm thế hệ, nhưng cũng có thể do những tư tưởng rập khuôn dai dẳng về “những người trẻ”.

Những nhận định này kêu gọi chúng ta trước hết hãy xem trong “Les jeunes, des travailleurs comme les autres” (Những người trẻ, những người lao động như những người khác), nhan đề của một tác phẩm mà chúng tôi vừa xuất bản mới đây, đừng rơi vào cái bẫy những cách tiếp cận theo thế hệ vốn ngăn cản phát triển một suy nghĩ sâu hơn về kinh nghiệm người cộng tác làm lợi cho những nhãn hiệu sơ đẳng. Chương trình  Futurs de l’industrie et du travail (Tương lai của công nghiệp và lao động) của Đại học Mines đề nghị chúng ta nghiên cứu những hướng khác, tìm cách đáp lại những mong đợi của toàn bộ những người lao động ăn lương.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:La génération Z ceci, la génération cela… : mais au fait, qu’est-ce qu’une génération ?”, The Conversation, 21.01.2024.

—-

Chú thích:

[1] Xem những bài về Pierre Bourdieu trên PTKT ở đây.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.