COMTE Auguste, 1798-1837

COMTE Auguste, 1798-1837

Auguste Comte (1798-1857)
Clotilde de Vaux (1815-1846)

Sinh tại Montpellier, đỗ hạng thứ tư vào Trường Bách khoa, sau khi tốt nghiệp không lâu Comte trở thành thư kí của Saint-Simon. Năm 1826, ông bắt đầu giảng một khoá giảng công cộng, có sự tham dự của nhiều nhà bác học thời bấy giờ, nhưng một cơn mất trí tiếp sau một cường độ lao động quá cao buộc ông ngưng mọi hoạt động trong một năm. Sáu tập Cours de philosophie positive được công bố trong các năm từ 1830 đến 1842. Giảng viên phụ đạo rồi giám khảo đầu vào Trường Bách khoa, ông nhiều lần là ứng viên giáo sư của trường nhưng không thành công. Năm 1844 cuộc gặp Clotilde de Vaux, người (tình đơn phương của Comte – ND) mất sau đó ít lâu, đảo lộn đời ông. Năm 1847, ông sáng lập tôn giáo Nhân loại và ít lâu sau ngưỡng mộ cuộc cách mạng tháng Bảy. Tưởng là những quan điểm của mình có thể thuyết phục Napoléon II, ông tán thành một thời gian cuộc đảo chính ngày 12 tháng chạp, điều này khiến ông bất hoà với Littré. Mất hết vị trí ở Trường Bách khoa, ông sống nhờ sự trợ cấp của các môn đồ. Cho đến khi mất tại Paris, nhiều tác phẩm từng được ông thông báo hơn ba mươi năm trước vẫn chưa được viết.

Khoa học được người thư kí trẻ tuổi của Saint-Simon thiết kế, và ban đầu được ông đặt tên là vật lí học xã hội gồm có hai chuyên ngành khác biệt, một ngành tĩnh và một ngành động, lí thuyết về sự trật tự và lí thuyết về sự tiến bộ. Lí thuyết đầu nghiên cứu các yếu tố cấu thành, các đặc điểm cấu trúc mà không có chúng sẽ không có đời sống xã hội; khái niệm cơ bản của lí thuyết này là sự liên ứng, hiểu theo nghĩa mà y học gán cho thuật ngữ này, tức là sự hài hoà thường xuyên giữa những điều kiện tồn tại khác nhau, trong một trường hợp là của một vật thể sống và trường hợp này là của xã hội. Tiến bộ là sự phát triển của trật tự: nếu những hiện tượng được tĩnh học xử lí (ngôn ngữ, đặc điểm, gia đình) là có tính phổ cập thì ta chỉ quan sát được chúng dưới những hình thức đa dạng, mà khoa học không thể không tính đến. Do đó xã hội học cũng gồm có một động học đưa thời gian vào như một tham số mới.

Xã hội học của trật tự hay xã hội học tĩnh

Mặc dù vị trí thứ yếu do Comte dành cho tĩnh học nhưng chuyên ngành này là điểm xuất phát bắt buộc. Đối tượng của kiểu “giải phẫu học xã hội” này là nghiên cứu những “hành động và phản ứng mà những bộ phận khác nhau của hệ thống xã hội tác động lẫn nhau”. Trong nghĩa này, tĩnh học hoàn toàn dựa trên khái niệm liên ứng được mượn từ sinh học. Mọi cơ quan được giả định là có tính liên ứng, được hiểu như sự hài hoà giữa những bộ phận khác nhau của cơ quan, và cơ thể xã hội cũng không thoát khỏi quy tắc này. Bởi thế việc nghiên cứu tĩnh học bao giờ cũng chịu sự chi phối của việc nghiên cứu hệ thống. Điều này tương hợp với tương đối luận mà Comte luôn xem là một trong những nét đặc trưng nhất của tư duy thực chứng; một sự kiện xét một cách biệt lập không có bất kì giá trị khoa học nào: một hiện tượng xã hội cần được đặt trong mối tương quan với những hiện tượng khác. Ví dụ, một chế độ chính trị cần được đặt trong mối quan hệ của nó với một tình trạng văn minh tương ứng.

Chính sách thực chứng còn vận dụng ý niệm liên ứng theo một nghĩa khác, gần với nghĩa hiện tại hơn, khi nguồn gốc y học của khái niệm phần lớn bị quên đi để chỉ còn ý tưởng của consensus omnium (đồng thuận). Nếu Comte cho là không có lối thoát nào ngoài việc thiết lập một quyền lực tinh thần mới vì, như ông viết trong bài đầu của Cours, chính các ý tưởng chi phối thế giới theo nghĩa là cả cơ chế xã hội cuối cùng dựa trên những ý kiến. Nguyên tắc này là cơ sở cho tính tất yếu của một quyền lực phụ trách thiết lập hệ thống những ý kiến tạo được sự nhất trí, hay nếu muốn, thực hiện sự nối kết giữa những ý kiến khác nhau bằng cách phát triển sự tương đồng và loại bỏ những khác biệt.

Còn có thể gắn học thuyết của Comte về việc giải thích trong xã hội học với ý tưởng đồng thuận. Tiếp sau sự phê phán ý tưởng nguyên nhân, chủ đề này bị liệt vào hàng thứ yếu nhưng không vì thế mà hoàn toàn vắng mặt. Đối với vật lí học xã hội, một hiện tượng “có vẻ được giải thích, theo nghĩa thật sự khoa học của từ này, khi có thể gắn nó một cách thích hợp hoặc là với toàn bộ của tình thế tương ứng, hoặc là với toàn bộ của chuyển động trước đó”. Trong cả hai khả năng được hình dung, tương ứng với tĩnh học và động học, vẫn luôn là sự từ chối chỉ tính đến những sự kiện được xét một cách biệt lập và bao giờ cũng luôn có quyết tâm gắn kết, một điều phân biệt khoa học với sự uyên bác đơn thuần.

Xã hội học của tiến bộ hay xã hội học động

Về vị trí mà nhà sáng tạo từ xã hội học dành cho lịch sử, ta không thể rõ ràng hơn bằng tuyên bố mở đầu tập ba của Traité de politique positive: “Thế kỉ hiện nay chủ yếu được đặc trưng bằng ưu thế dứt khoát của sử học trong triết học, chính trị và thậm chí thi ca. Tính ưu việt này của quan điểm lịch sử là nguyên tắc chủ yếu đồng thời là kết quả của chủ nghĩa thực chứng”. Điều này được thể hiện qua việc Comte liên tục thừa nhận sự ưu tiên hàng đầu cho lí thuyết về sự tiến bộ. Đặc biệt, vì tính chất trừu tượng của lí thuyết này, không thể chỉ bám vào có mỗi tĩnh học vốn chỉ có giá trị như một mở đầu cho động học. Sự khác biệt về cương vị này được phản ánh trong việc xử lí rất không đồng đều dành cho mỗi bộ phận trong tác phẩm Cours: một bài giảng duy nhất cho bộ phận đầu, bài giảng thứ năm mươi, bảy bài giảng tiếp sau dành cho bộ phận sau, tức là 25 trang đối lại với 500 trang. Nhưng các mối nối kết lịch sử với xã hội học còn chặt chẽ hơn vì sự ra đời của xã hội học được đồng nhất với việc thừa nhận tính lịch sử như là chiều kích riêng của sự tồn tại của con người. Ngay cả các nhà Hệ tư tưởng (Idéologues 1796-1803) đã từng quan niệm một dự án về một khoa học con người; nhưng ảnh hưởng dần dần và liên tục giữa các thế hệ lẫn nhau là sự kiện xã hội đầu tiên, như vậy, trái với suy nghĩ của Cabanis, sinh học không đủ để trình bày sự kiện này và để bổ sung nó bằng một khoa học mới nhất. Do đó chính tính lịch sử đảm bảo cho sự đặc thù của xã hội học và cương vị tự trị của bộ môn này.

Một sử học không có tên riêng. – Thêm một bằng chứng về sự gắn bó sâu sắc của những mối quan tâm của chúng ta, Comte chỉ ra phương pháp lịch sử như là chỉ dấu khác biệt trong phương pháp của nhà xã hội học. Qui luật chi phối cấp độ trên và cấp độ dưới khiến cho mỗi khoa học mượn các phương pháp của những khoa học đi trước nó; nhưng tính đặc thù của mỗi khoa học thể hiện ở việc là khoa học ấy phát triển một sự đặc thù riêng. Nhà thiên văn học quan sát, nhà vật lí học thử nghiệm, nhà giải phẫu học so sánh. Đối với xã hội học, giống như đối với ngôn ngữ học, phương pháp so sánh được làm phong phú và trở nên có tính lịch sử, qua đó phải hiểu là xã hội học xác lập những quan hệ lịch đại về mặt phả hệ.

Nhưng Comte còn giải thích thêm là nghề xã hội học không đồng nhất với nghề sử học. Với một nghề, đó là tư duy chi tiết, với nghề kia là tư duy toàn thể. Đối với tư duy toàn thể, theo quan niệm trên, không có chỗ cho công việc khảo sát, phê phán chứng từ, tóm lại là những gì có tính thám tử ở sử gia và thành điều không thể tách rời với ý tưởng của chúng ta về sử gia. Còn xã hội học đối với sử học có một quan hệ như là sự mô tả: xã hội học từ bỏ những ngẫu nhiên, giai thoại vốn kéo chuyện kể của lịch sử về phía văn học, và ít quan tâm đến bản thân các sự kiện bằng việc kết hợp chúng lại. Cuối cùng, xã hội học đối với sử học giống như trừu tượng đối với cụ thể. Để có thể hội nhập vào khoa học xã hội, sự kiện lịch sử phải trải qua công việc thiết lập mà tín hiệu rõ ràng nhất chắc chắn là việc loại bỏ những tên riêng, Văn phong của ông Comte thứ hai được đặc trưng bằng việc sử dụng có hệ thống lối nói quanh co: Comte sẽ không nói đến Pascal nhưng nói đến nhà sáng tạo tam giác số học, một cách thường khó biết điều gì ẩn sau những mô tả như vậy.

Đặt chính trị học trên cơ sở của sử học. – Một tín hiệu khác của vị trí được dành cho sử học khi Comte bắt đầu sự nghiệp bằng tác phẩm năm 1820 Sommaire appréciation de l’ensemble du passé moderne (Đánh giá sơ lược toàn bộ quá khứ hiện đại). Cách dựa trên quá khứ luôn được ông trình bày như một trong những thế mạnh lớn của chủ nghĩa thực chứng. Hơn thế nữa, khác với biết bao nhiêu tác giả không coi trọng quan điểm lịch sử và lên án thay vì quan sát quá khứ, việc ông là người duy nhất đánh giá không thiên vị toàn thể những người đi trước mình dường như là một trong những luận chứng thuyết phục nhất ủng hộ quan điểm của ông.

Viện đến sử học cũng giải thích quan hệ giữa khoa học xã hội với nghệ thuật chính trị. Comte viết cho Nga hoàng: “Việc tôi xây dựng xã hội học chủ yếu là thực hiện một cách trang nghiêm dự án do người đi trước tôi [Condorcet] thiết lập để làm cho chính trị phụ thuộc vào sử học.” Điều này trước tiên có nghĩa là giải phóng chính trị học khỏi sự giám sát của thần học. Một thành kiến dai dẳng trình bày cho chúng ta những người cầm quyền như là có thiên chức, ngang với Thượng đế, về một quyền lực tuyết đối. Tuy nhiên rõ ràng là tay bạo chúa quyền lực nhất không thể muốn làm gì thì làm bất luận thế nào. Hành động của hắn bao giờ cũng phụ thuộc vào các tình huống; do đó hành động ấy nằm trong những giới hạn mà hắn ta buộc phải học để biết. Hiểu theo một nghĩa tích cực hơn, đặt chính trị học trên cơ sở của sử học là khẳng định rằng việc quan sát hiện tại về mặt này là hoàn toàn không đủ và sự hiểu biết quá khứ, đối với người cầm quyền là cách duy nhất hiệu quả tác động đến diễn tiến của thời cuộc. Trong bối cảnh này Comte nhiều lần khác nhau Comte đề cập đến triết học lịch sử và, bất luận những khác biệt tách biệt họ với nhau, việc so sánh Comte với Hegel được ta chấp nhận một cách tự nhiên. Ở đây ta chỉ nói là triết học không được tư duy trong thế đối lập với khoa học nhưng đơn giản như là một hệ thống tổng quát những quan điểm về toàn bộ các hiện tượng; dù sao thì động thái xã hội chỉ tương ứng một cách không hoàn hảo với ý tưởng mà chúng ta có về khoa học xã hội.

Từ quá khứ đến tương lai: vấn đề các qui luật. – Khó khăn kết tinh vào luật ba giai đoạn được Comte luôn xem là khám phá chính của ông và là môi trường từ đó xuất phát cho sự phát triển của toàn bộ hệ thống của ông. Xã hội học không thoát khỏi quy tắc này: tinh thần tích cực hay khoa học thay thế việc tìm kiếm các nguyên nhân bằng việc tìm kiếm các quy luật. Do đó nâng chính trị học lên hàng những khoa học quan sát quy lại là nêu bật những quy luật của chuyển động xã hội. Phân loại các khoa học là công nhận sự cần thiết từ bỏ một sự thống nhất hão huyền. Ngay từ cấp độ của vật lí học, ta đối mặt với những hiện tượng không thể quy giản lẫn nhau được. Song Comte vẫn chỉ ra là có một loạt sáu khoa học cơ bản đồng nhất: làm như vậy ông có xu hướng bãi bỏ sự khác biệt giữa giới tự nhiên và sử học. Theo một nghĩa mở rộng, các quy luật lịch sử là những quy luật tự nhiên. Chắc chắn trật tự con người không phải là trật tự bên ngoài; nhưng xã hội học dựa trên một lí thuyết về bản chất con người mà xã hội học mượn từ sinh học và chính vì thế sẽ dẫn đến một khoa học của nhân loại.

Ít có khía cạnh nào trong tư tưởng của Comte bị phê phán nhiều bằng vấn đề các qui luật. Người ta nhanh chóng chỉ ra là cái gọi là bước chuyển từ thần học đến siêu hình học, rồi từ siêu hình học sang khoa học có qua nhiều ngoại lệ. Há chẳng phải Comte vào cuối đời đã thừa nhận khả năng cho một số dân tộc từ bái vật luận sang thực chứng luận đó sao? Trên phương diện khái niệm, người ta trách ông đã chôn quá sớm, tuỳ trường hợp, siêu hình học hay ngược lại, đã không thành công thoát khỏi hoàn toàn nó. Ví dụ, Cournot phản bác rằng tiến bộ khoa học không phải là tự tước bỏ siêu hình học mà là ngày càng đặt sự kiện dưới sự chi phối của ý tưởng, yếu tố thực chứng dưới sự chi phối của triết học. Trái lại, Durkheim thấy ở đây dấu hiệu, ngược với những khẳng định của ông, là xã hội học của Comte vẫn còn chưa đạt tới thực chứng luận. Bản thân Mill, tuy chống lại Whewell, ủng hộ luật ba giai đoạn và từ chối công nhận là các hiện tượng xã hội không tuân thủ các quy luật, đánh giá rằng những kết luận rút ra về tương lai từ các quy luật không bằng những kiến giải của Comte về quá khứ. Thật vậy, vấn đề ở đây là quyết tâm đọc tương lai dưới ánh sáng của quá khứ. Khi thông báo sự suy vong không thể tránh khỏi của siêu hình học, khi đặt giai đoạn thực chứng làm điểm kết thúc của sử học, cách tư duy tự nhận hướng đến tương lai mà không ảo tưởng có tham vọng bao quát, mà trong thực tế vượt tầm của mình, đã âm thầm đưa vào lại mục đích luận. Ai nói đến từ “một nấm mồ dự kiến” đã trải qua thân phận thông thường của những nhà tiên tri, và như trong trường hợp của Marx, một số tác giả đã kết luận là phải bác bỏ cả một sự nghiệp bị họ tố cáo là có những đặc điểm của một nguỵ khoa học.

Không phủ nhận những gì là lỗi thời ở Comte, có thể có một đánh giá công bằng hơn. Không ngừng nghỉ, con người hành động buộc phải dự kiến trước tương lai, và tuỳ theo kết quả của những dự phóng này mà người hành động sẽ quyết định. Tuy cũng có thể được dùng để tiên đoán tương lai nhưng các quy luật có được một giá trị thực tiễn từ việc chúng là một phương tiện dự báo duy lí. Để hiểu những hệ quả của sự kiện này trên xã hội học, phải quay lại sự phân loại các khoa học, vốn được tiến hành từ cái đơn giản đến cái phức tạp, và đặc biệt là đến hai hệ luận của sự phân loại này. Trước tiên, tính phức tạp ngày càng tăng của các hiện tượng đi kèm với tính chính xác giảm dần của các quy luật. Thế mà, ngay từ bài giảng thứ hai của Cours, Comte đã tố cáo sự lẫn lộn thường xảy ra giữa mức độ chính xác và tính chính xác. Ngay cả vật lí học chỉ là một tri thức xấp xỉ; do đó, đòi hỏi một quy luật sử học phải cũng chính xác như một quy luật vật lí là một điều vô lí; tính chính xác nhằm vào xu thế hơn là vào các sự kiện. Khi Comte viết cho Barbès (12.10.1852): “Diễn biến của các sự đã rồi dẫn đến việc dự báo những sự kiện sắp đến, bằng cách loại trừ mọi tình cảm cá nhân, như một nhà thiên văn đối với nhật thực”. Sự so sánh nhằm vào tính khách quan chứ không vào tính chính xác. Ngoài khó khăn thứ nhất này còn có một khó khăn nữa vì khi đi dần lên các nấc thang của hiểu biết bách khoa, các hiện tượng ngày càng thay đổi. Sự tồn tại của những qui luật tự nhiên chưa bao giờ ngăn cản con người biến đổi thế giới có lợi cho mình. Trong mọi lĩnh vực, hành động của chúng ta nhằm cải thiện một trật tự tự nhiên đã có trước, thay thế bằng một trật tự nhân tạo chỉ là sự tiếp nối của trật tự trước đó. Trong tất cả những hiện tượng, trật tự các xã hội được thay đổi nhiều nhất: do đó trật tự nhân tạo là trật tự khó xác định nhất, và việc kiểm tra các dự báo là có nhiều vấn đề nhất. Cuối cùng, như trong bài giảng thứ 48 đã viết, “ở đây, cũng giống như trong các lĩnh vực khác, thậm chí còn hơn các lĩnh vực khác nữa, vấn đề không phải là điều khiển các hiện tượng, mà thay đổi sự phát triển tự phát của hiện tượng; điều này tất nhiên đòi hỏi trước đó ta phải biết các quy luật thật sự của hiện tượng”.

Khoa học thiêng liêng và sự tưởng niệm. – Bài giảng thứ 48 đã cũng đã ghi nhận khả năng của sử học trong việc phát triển tình cảm xã hội; nhưng việc này được ông Comte thứ hai dành cho xã hội học để yêu cầu bộ môn này thiết lập tôn giáo của nhân loại và biến sử học thành khoa học thiêng liêng. Ta biết nền Đệ tam Cộng hoà mang nợ thế nào các nhà thực chứng luận với việc tôn sùng các vĩ nhân. Ý thức được tầm quan trọng của việc cấu trúc hoá thời gian xã hội, thủ lĩnh của họ đã thiết kế một lịch, mà khác với lịch năm 1793, ca tụng lịch sử thay vì tự nhiên. Vả lại, ngay từ năm 1845, trong Lettre sur la commémoration (Thư về sự tưởng niệm) gởi cho Clotilde de Vaux nhân ngày lễ của bà, ông lưu ý là mọi xã hội tạo ra những định chế (vinh danh, phong thánh, dựng tượng) nhằm phát triển ý thức về tính liên tục bằng việc sùng bái những nhân vật mẫu mực.

Như vậy, chức năng mới dành riêng cho sử học gắn liền với sự nổi lên dần của khái niệm nhân loại. Ý tưởng này đã có mầm mống trong tầm quan trọng được dành cho tính tổng thể, vì như Condorcet từng dự cảm với hư cấu của ông về một dân tộc duy nhất, thật ra chỉ có một lịch sử duy nhất, lịch sử của loài người như một tổng thể. Nhưng sự thành lập xã hội học lại tác động đến những khoa học đi trước nó và từ nay chúng chỉ còn là sự nhập môn dần dần vào khoa học duy nhất đích thực, khoa học về con người hay đúng hơn khoa học về nhân loại. Bước cuối cùng đạt kến khi khám phá ưu thế trung tâm: nhân loại trở thành trung tâm bao phủ cả tình cảm, lí tính và cảm xúc. Do nhân loại gồm nhiều người chết hơn người sống, nên đương nhiên sử học là “khoa học linh thiêng”, trực tiếp nghiên cứu vận mệnh của Con người vĩ đại.

Xã hội học và quan điểm xã hội học. – Rõ ràng là học thuyết của Comte không đáp ứng tốt ý tưởng ngày nay của chúng ta về xã hội học, và không phải không có lí do mà nhà sáng lập chủ nghĩa thực chứng được xem là người đỡ đầu bộ môn khoa học mà chính ông đã đặt tên gọi. Điều này hơn hết là do đối với ông xã hội học không phải là một khái niệm giữ nguyên nghĩa. Hiển nhiên là từ những kết luận tổng quát của giáo trình Cours, vốn giao cho xã hội học chủ trì cấp độ bách khoa, khoa học cuối cùng này không phải như các khoa học khác. Chắc chắn là như tất cả các khoa học đi trước nó, xã hội học có đối tượng riêng của nó: đó là khoa học về những sự kiện xã hội. Nhưng quan điểm xã hội cũng là quan điểm duy nhất thật sự có tính phổ cập. Ở cương vị này, nó được giao một chức năng mới: phối hợp hướng đi của tất cả các khoa học khác. Nó không còn là một bộ môn nữa để trở thành một quan điểm. Một sự nhập nhằng như thế có nguy cơ gây tổn hại cho xã hội học với tư cách là một khoa học thực chứng, và những nhà xã hội học đi theo Comte đã chọn từ bỏ chức năng cuối này.

Sự nghiệp để lại cho đời sau

Các vấn đề phương pháp. – Bao giờ cũng khó đánh giá hậu vận của một sự nghiệp do tác động của nó thể hiện qua vô số kênh và thường là khó lường được trước nên trong trường hợp của Comte, nhiệm vụ này càng gian nan. Xét sự tương phản giữa vị trí mà người cựu sinh viên trường bách khoa chiếm giữ ngày nay và cách đây một thế kỉ, cần nhắc lại là sự phổ biến tư tưởng của ông là vô cùng đặc biệt. Ở Pháp, sự phổ biến này gần trùng khớp với lịch sử của nền Đệ tam cộng hoà, từ Littré đến Alain, Ở nước ngoài, ảnh hưởng của ông đến châu Mĩ latinh hay Anh quốc đã được biết rõ, nhưng còn lan rộng đến cả Nhật Bản, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kì hay Thuỵ Điển. Rất sớm, các môn đồ của ông đã chia thành hai phía: một bên là phe chính thống và một bên là phe li khai, phe sau tích cực và được biết đến nhiều hơn là phe đầu. Chỉ xét duy nhất đến sự nghiệp để lại cho hậu thế về mặt xã hội học, có hai chiều kích cần chú ý. Trước tiên là giữa học thuyết của Comte và chủ nghĩa thực chứng, thì tên của Comte thường được gắn với tên của Mill hay của Spencer mà không thể nào xác định phần nào là của mỗi tác giả nào, đó là chưa nói đến những vấn đề tranh cãi về những quan hệ với Saint-Simon. Đối với Comte, khoa học xã hội tạo nên một nghệ thuật chính trị theo cách mà sinh học tạo nên nghệ thuật y khoa, nên cũng cần phân biệt điều gì thuộc về chính sách thực chứng nói chung với chính sách của xã hội học nói riêng. Cuối cùng phân biệt giữa những tác giả thật sự tự nhận mình rõ ràng là người thừa kế với những tác giả đơn giản chỉ chịu ảnh hưởng của Comte mà không biết. Trong lúc chờ đợi những công trình chi tiết hơn của lịch sử xã hội học về chủ đề này, chúng tôi thử phác hoạ bản đồ về một lĩnh vực chưa được khai phá nhiều.

Thế giới nói tiếng Pháp. – Chính ở Pháp mà hành động của Comte mới hiển nhiên và lâu dài nhất. Những công trình của hội phù du Société de Sociologie do Littré thành lập năm 1872 vào việc xã hội học được thừa nhận là một bộ môn tự trị và như vậy chuẩn bị cho việc đưa xã hội học vào đại học. Nếu tác giả của Dictionnaire đã thấy sự cần thiết làm phong phú thêm di sản do sư phụ mình để lại thì chính Guarin de Vitry đã có công làm nổi bật sự tồn tại tập thể như là điểm đặc thù của điều cấu thành đối tượng riêng của xã hội học, qua đó ông thấy trước lí thuyết về ý thức tập thể. Một thế hệ sau, ảnh hưởng của Comte vẫn còn cảm nhận được, đặc biệt ở René Worsms, tổng biên tập tạp chí Cahiers internationaux de sociologie, người tranh giành với Tarde và Durkheim sự bá quyền trên xã hội học Pháp, nhưng trường hợp lí thú nhất chắc chắn là trường hợp của nhà sáng lập tạp chí L’Année sociologique. Vâng, thường tác giả này chỉ nhắc đến người đi trước mình chỉ để phê phán: xã hội học trong Cours, và hơn thế nữa trong Système thiếu nghiệm trọng tính thực chứng; qui luật ba giai đoạn, lí thuyết về nhân loại vẫn còn là siêu hình học. Người ta nói là giữa hai tác giả này là tất cả những gì tách biệt năm 1848 và nền Đệ tam cộng hoà; nhưng như thế là thừa nhận rằng Durkheim chịu ơn Comte vì những gì Comte đã đóng góp cho xã hội học. Chỉ để nêu ba ví dụ, đó là sự chú ý đến đạo đức học và giáo dục, tính khách quan bên ngoài của các sự kiện xã hội hay vấn đề vị trí của lịch sử trong sự giải thích xã hội học là bấy nhiêu dấu ấn không thể chối cãi của ảnh hưởng của Comte. Cùng thời kì trên ở Bỉ, các nhà thực chứng luận góp phần vào việc thành lập Đại học tự do Bruxelles (ULB), và cũng có thể nói là họ không xa lạ với sự ra đời của Viện Solvay. Nay nhìn lại, tất cả diễn ra như thể là Durkheim đã lấy lại từ giáo huấn của Comte những gì đáng giữ lại, sự nghiệp của Comte đã trở thành lỗi thời và tác giả của Règles do đó được chào đón như nhà sáng lập xã hội học Pháp. Trường phái của Durkheim từng có một tầm nhìn nhiều sắc thái hơn và G. Davy hay R. Hubert luôn thừa nhận món nợ của họ đối với Comte. Cuộc thế chiến thứ hai đánh dấu một sự đoạn giao rõ ràng. Sau năm 1945, Comte biến mất khỏi sân khấu tri thức và chính trong một hướng hoàn toàn khác mới tìm thấy dấu vết ảnh hưởng của ông; nơi Aron, người giữ lại từ người thầy của mình là Alain một sự kính trọng thật sự đối với Comte.

Thế giới nói tiếng Anh. – Không bao giờ được quên là giáo trình Cours tìm thấy những người hâm mộ đầu tiên ở Anh chứ không phải ở Pháp. Trong lúc thế giới nói tiếng Đức (trong lĩnh vực các khoa học xã hội, do sự chống đối của Dilthey) tỏ ra không mấy mặn mà với các ý tưởng của Comte thì nước Anh thời Victoria dễ dàng cảm thụ hơn. Tập hợp chung quanh Richard Congreve và Frederic Harrison, các nhà thực chứng hợp thành một nhóm năng động, từng có nhiều nỗ lực vận động cho sự thành lập của những định chế quốc tế, đặc biệt nhân dịp hội nghị hoà bình diễn ra ở La Haye năm 1899. Họ cũng có mặt trong các giới nghiệp đoàn và các thành viên đảng lao động, như câu lạc bộ Fabian Society: Sydney và Beatrice Webb, ròng rã gần nửa thế kỉ là linh hồn của những cuộc cải cách kinh tế và xã hội, cũng là những người hâm mộ Comte. Tương tự như thế đối với những ai bên kia eo biển Manche đã đóng góp cho sự ra đời của xã hội học, như L. T. Hobhouse, người đầu tiên có ghế giáo sư của ngành này hay người Ireland J. K. Ingram. Trong số các vị trên, người thầy của Lewis Mumford là Patrick Geddes, một nhân vật mang nhiều bộ mặt, giữ một vị trí đặc biệt. Khi đôi mắt ông giảm, nhà sinh học này dần chuyển sang xã hội học mà ông đã tiếp cận ở Pháp qua sự nghiệp của Le Play. Năm 1903, đồng thời với những hoạt động trong lĩnh vực đô thị học, cùng với Victor Brandford ông sáng lập Sociological Society; năm 1909 ông từ bỏ ghế giáo sư sinh học mà ông giữ từ hai mươi năm trước và sang Bombay giảng dạy xã hội học, trước khi về hưu ở Montpellier (Pháp – ND), nơi ông được an táng.

Tuy ở Hoa Kì không có một trào lưu thực chứng được tổ chức theo kiểu Anh, những nhà sáng lập xã hội học Bắc Mĩ sẵn sàng công nhận Comte, nhưng trường hợp của họ cho thấy một số giới hạn của ảnh hưởng của Comte. Ngày nay tên của Lester F. Ward, Albion Small hay E. A. Ross bị lãng quên; không có hậu duệ thật sự; tên tuổi của họ đánh dấu một điểm kết thúc hơn là một điểm xuất phát. Măc dù có những bài giảng uy tín trong loạt Auguste Comte Memorial Lectures, nhưng sau năm 1918 sự nghiệp từng góp phần mạnh mẽ vào việc định chế hoá ngành xã hội học đã không thoát khỏi sự chuyên môn hoá ngày càng tăng của quá trình này. Sự nghiệp của Comte đã ngưng nuôi dưỡng suy nghĩ của các nhà xã hội học nói tiếng Anh đến mức sự nghiệp này trở nên gần như không hiểu được. Tuy nhiên, từ đó mà kết luận rằng việc bảo vệ một nguyên lí của một cái nhìn chung là một cứu cánh vô vọng là một sai lầm, và một hiểu biết tốt hơn sự nghiệp của Comte có thể giúp ta nhận thức tốt hơn tính phong phú của sự nghiệp này.

Michel BOURDEAU

Trung tâm khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Paris

⇒ (1814-1857), Correspondance générale, Paris, Éditions de l’EHESS, 1973-1990, 8 vol.; (1816-1828) Écrits de jeunesse, Paris, Mouton, 1970; (1830-1842), Cours de philosophie positive, Paris, Hermann, 1998, 2 vol.; (1844), Discours sur l’esprit positif, Paris, Vrin, 1995; (1851-1854), Système de politique positive ou traité de sociologie instituant la religion de l’Humanité, Paris, au siège de la Société Positiviste, 4 vol., 1929; (1852), Catéchisme positiviste, Paris, GF, 1966.

▶ ABBOUSSE-PASTIDE P., La doctrine de l’éducation universelle dans la philosophie d’Auguste Comte, Paris, PUF, 1957, 2 vol. – ARON R., Les grandes etapes de la pensée sociologique, Paris, Gallimard, 1967. – BOURDEAU M., CHAZEL F. (éds.), Auguste Comte et l’idée de science de l’homme, Paris, L’harmatan, 2001 – DAVY G., “L’explication sociologique et le recours à l’histoire d’après Comte, Mill et Durkheim”, Revue de métaphysique et de morale, 1949, 130-361. – GOUTHIER H. (1933-1941), La jeunesse d’Auguste Comte et la formation du positivisme, Paris, Vrin, 1964-1970, 3 vol. – GUARIN de VITRY P., “Esquisse d’un traité de sociologie”, La philosophie positive, 1874. – HARP G. J., Positivistic Republic, Uni. Park, The Pensylvania State Uni. Press, 1995. – HAYEK F. A. (1952), Scientisme et sciences sociales, Paris, Plon, 1991. – HELBRON J., The rise of social theory, Cambridge, Polity Press. – LITTRÉ (1876), La science au point de vue philosophique, Paris, Fayard, 1997. – MELLER H., Patrick Geddes, Social Evolutionist and City Planners, Routledge, 1990. – MILL J. S. (1865), Auguste Comte et le positivisme, Paris, L’harmattan, 1999. – PICKERING M., Auguste Comte, an Intellectual Biography I, Cambridge, Cambridge Uni. Press, 1993. – SIMON W. M., European Positivism in the Nineteenth Century, Ithaca, Cornell University Press, 1963. – WERNER K. A., Auguste Comte and the Religion of Humanity, Cambridge, Cambridge Uni. Press, 2001. – YAMASHITA M., “La sociologie franVaise entre Auguste Comte et Durkheim”, L’année sociologique, 1995, 83-115.

⇒ Chủ nghĩa thực chứng, Đoàn kết, Mill, Thay đổi xã hội (Lí thuyết về sự), Saint-Simon.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), 2005, Paris, PUF.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.